Tiếng Việt | English

05/10/2024 - 06:40

Con heo 5 móng

Bữa nay nhà chú tư Luông cưới dâu. Bà con lối xóm tới dự đông lắm. Chú còn thằng trai út nên làm rình rang. Hồi xưa, xóm nằm trong vùng quy hoạch, Nhà nước giải tỏa, bà con tới đây lập xóm mới. Từ ngày an cư, họ chưa có dịp nào để say xỉn vui một bữa như trước.

Chú đặt lò mổ một con heo với mua thêm vài chục gà về thúc. Hồi trước, nhà có đám, mần con heo 50kg là sang lắm rồi. Bữa nay chú tư chơi sộp, đãi nguyên con tạ mấy.

Gần đám, chú thím chạy vắt giò lên cổ, lớp nào lo rạp, bàn ghế, khách mời; lớp nào quét tước nhà cửa, vườn tược; lớp nào cắt tóc, cạo râu cho chỉn chu, đẹp đẽ.

Người ta nô nức rủ nhau đi đám cưới. Quy hoạch có tiền nên nhìn ai cũng khác, các bà vàng vòng đeo đỏ tay, xức dầu thơm bay ngào ngạt. Hồi đó dầu dừa còn không có xài chứ ở đó mơ mấy thứ xa xỉ này. Các ông thì tóc tai mướt rượt, dù chất phèn còn nguyên xi nhưng vậy cũng đã ngon lành lắm lắm.

Sau khi cô dâu, chú rể làm lễ lên đèn, ông mai đứng lên nói gì mà mẹ cô dâu khóc bù non bù nọt, đâu đó vang lên “đám cưới nghèo” vô duyên hết sức. Người ta không chú ý lắm thủ tục kia. Đàn ông hối đem rượu, đàn bà hối dọn mâm, coi bữa nay tư Luông đãi món gì mà làm xôm tụ quá.

Thức ăn dọn lên, họ khen thợ nấu khéo tay, khen trình bày đẹp mắt. Nhưng ai cũng khép nép, đám tiệc mà, ăn uống thô lỗ thiên hạ cười thúi đầu. Người này gắp cho người kia, người kia thôi thôi rồi lát cũng làm láng địa. Nói chung giả bộ thôi chứ họ hiểu lòng nhau quá mà, hàng xóm láng giềng mấy chục năm rồi còn gì.

Ngoài gà tiềm ra thì mấy món khác đều làm từ thịt heo. Bà con khen chú tư lựa heo khéo, vừa nạc, vừa mỡ. Đàng gái cũng được mở mang tầm mắt, họ xầm xì: “Xứ này làm đồ ăn ngon thiệt!”. Chú thím nở lỗ mũi, cô dâu, chú rể cười tít mắt.

Đám đang vui, mới món thứ ba, đột nhiên mọi người buông đũa, dòm ra đường. Ngoài đó, một người chạy Honda vô, la làng la lửa:

- Đừng có ăn nữaaaa!

Không ai hiểu gì ráo. Có người ngừng ăn, có người thắc mắc “thằng khùng nào vậy cà?”. Xe càng gần, người ta nhìn kỹ, ra là thằng Quẹo, làm trong lò mổ. Nó dựng chiếc xe cũ mèm trước tấm ảnh cưới của cô dâu chú rể, nhìn phản cảm hết sức. Nó quẹt mồ hôi, nói:

- Làm ơn đừng ăn nữa giùm tui, heo 5 móng đó!

Nghe câu này, ai đang cầm đũa thì buông ngay, ai đang ăn thì phun xuống đất, vài người chạy thẳng ra vườn mít móc cổ ói. Họ tìm mọi cách để tống hết đồ ăn ra ngoài. Chú tư hoảng hồn, nhìn thằng Quẹo, chửi:

- Thằng cô hồn. Sao mày biết heo 5 móng? Sao hôm qua mày không nói tao?

- Dóc làm con ông à. Mấy thằng kia mần chứ đâu phải tui. Tụi nó thọc huyết rồi mới thấy. Nhưng con heo mấy triệu bạc, tụi nó không có tiền đền nên thế cái giò heo khác đó.

- Mày có bằng chứng gì không mà nói? Trời ơi, bao nhiêu khách khứa của tao!

- Không tin thì đây nè ông nội.

Thằng Quẹo dứt câu, đi lại chiếc xe cà tàng lấy một bọc đen, mở ra, nắm cái giò heo 5 móng đưa lên rồi bỏ vô lại. Nó nói không bao giờ dám hỗn láo với bề trên, sợ bị bẻ cổ. Người ta nhìn thấy 5 cái móng con heo sờ sờ, lại ói tiếp.

Đâu ai ngờ tư Luông chơi ác đạn quá, cho thiên hạ ăn heo 5 móng. Loại heo này người ta còn không dám nuôi chứ đừng nói ăn thịt. Nhà nào nuôi heo nái đẻ ra heo 5 móng là sợ lắm, giết không dám giết, bán không ai mua, cứ nuôi chừng nào nó chết thì đem chôn. Nhưng nuôi cũng thả rông chứ không nhốt.

Thiên hạ đồn mấy con heo đó đã thành tinh cho nên có 5 móng, là người hóa kiếp. Họ kêu bằng ông Hợi, bà Hợi. Giờ lỡ ăn thịt nó rồi, thế nào cũng bị trả thù.

Sở dĩ người ta sợ bởi có mấy trường hợp rồi. Xứ này, hầu như ai cũng biết chuyện ba Tùng bị heo 5 móng trả thù. Ổng vốn là tay bặm trợn, không biết sợ gì ráo, làm nghề mổ heo.

Bữa nọ, trong lò mổ có một con heo 5 móng. Người ta cột lại rồi mà không ai dám đụng vô, thậm chí có vài người đốt nhang khấn vái. Ba Tùng thấy vậy, cười bò lăn bò càng. Người ta biết tính ổng ngang như cua, lại hay làm liều nên khuyên điều hơn lẽ thiệt nhưng ổng đâu nghe, bước tới cầm cái chày đập đầu con heo giãy tử làm ai cũng rén, mặt xanh lè xanh lét.

Xong, ổng rửa tay, nói: “Đó, có gì đâu, chết tao chịu cho”. Hôm sau, ba Tùng đang hái rau muống dưới mương bên đây đường. Chiếc máy cày chạy bên kia đường băng ngang, lủi xuống chỗ ổng đang đứng. Ngoài bị ướt ra tài xế không sao cả, còn ba Tùng thì “chỉ còn những mùa nhớ”, về với đất mẹ thân yêu.

Người ta sợ, gom xác con heo chôn, lập miếu thờ. Có người nhậu xỉn không còn biết trời trăng, đi ngang miếu đứng tiểu bậy, mấy bữa sau bị điên, đi lang thang, chiều chiều kêu ột ột như heo vậy.

Trong đám cưới, bà con ngồi rầu rĩ, có người khóc. Chú tư chạy cùng trời, xin lỗi hết người này tới người kia, họ chửi ổng như con hổng đẻ. Đàng gái giận lắm, đòi dắt cô dâu về, không cưới gả gì hết. Thằng Quẹo thấy tình hình rối ren như vậy thì lung lắm, nó lên tiếng:

- Cũng may tui biết sớm à nghen. Trời ơi, lỡ có gì chắc mấy người biến thành heo hết.

Nghe câu đó xong, người ta hoảng hơn, khóc dữ hơn, thằng Quẹo tiếp:

- Chuyện này tụi tui cũng cực chẳng đã thôi, chứ ai mà muốn, tụi nó còn run hơn mấy người nữa kìa. Bây giờ lỡ rồi, mình đem chôn cái chân của ông Hợi đi, dựng cho ổng cái miếu, đốt nhang xin ổng
tha cho.

- Làm vậy được không Quẹo, giờ chôn ở đâu? - Chú tư lên tiếng.

- Thì chôn ở nhà ông nè, chứ ai mà dám chứa ông nội, đem ra vườn mít đi!

Mọi người nghe có lý, tự nhiên lời thằng Quẹo như lời thánh vậy. Nó đào cái hố, lấy thước Lỗ Ban đo bề rộng, bề sâu đúng số đẹp rồi mới bỏ cái giò heo còn nguyên trong bịch xuống, đắp lên cái mô cao. Xong, nó đốt nguyên bó nhang, đưa cho mỗi người 3 cây, dòm qua chú tư, nói:

- Giờ ông vái đi ông tư, tui hết nhiệm vụ rồi à.

- Trời ơi, tao biết gì mà vái, mày làm luôn đi!

- Ê, cái này là nhà ông nghen! Thổ công hổng có chứng tui đâu à. Nhà ông đẹp vầy chắc thổ công mạnh lắm, vái đi, có gì ổng át vía ông Hợi cho.

Người ta nghe thằng Quẹo nói có lý quá, một hai thúc chú Tư quỳ xuống vái, họ cũng quỳ theo, chú tư khấn lớn:

- Ông Hợi ơi ông Hợi! Ông sống khôn thác thiên tha lỗi cho tụi con. Tụi con vô tình chứ có biết gì đâu, giờ tụi con hối hận lắm, ông làm ơn đừng bắt lỗi tụi con. Tụi con hứa sẽ lo nhang khói cho ông đầy đủ!

Chú Tư cắm cây nhang vô lư hương, ai cũng thành tâm hết sức, có người bứt mấy cái lá mít trang trí mộ cho ông Hợi. Xong, mọi người trở lại mâm, ai cũng thất thần. Thấy vậy, thằng Quẹo lên tiếng:

- Thôi, tui thấy chắc không sao đâu, nghe nói nhà ông Tư nằm ngay đầu rồng mà, đừng có lo. Thôi lo ăn đi rồi về!

- Ăn gì nổi mà ăn mậy, ai dám ăn!

- Sao lại không, cúng rồi mà?

- Mày ăn thì ăn đi, ông nội tao cũng không dám rớ vô.

- Chê hả trời? Vậy cho tui đi! Tui đem về làm xà bần ăn chắc cả tuần lễ chưa hết, không hết thì cho heo ăn để bỏ uổng, đồng loại mà, không lẽ chơi nhau mà sợ.

- Ừa, mày lấy hết đi!

Thằng Quẹo làm liền, xưa giờ nó chẳng sợ ai, đâu phải tự nhiên nó mang biệt danh thằng âm binh đầu đinh. Nó lấy bịch trút vài dĩa, cột thiệt chặt, bỏ lên xe, nổ máy. Nó ngoái lại, nhìn mấy chục người đi đám cưới mà như dự đám ma, nói:

- Thấy mấy ông, mấy bà vậy tui thương quá. Thôi ăn tiếp đi, không có heo 5 móng, 6 móng gì đâu.

- Mày nói vậy là sao? Chú tư hỏi như chửi.

Thằng Quẹo khôn, lên ga cho xe chạy chừng năm chục thước rồi nói vọng vô:

- Là tui nói dóc ông đó!

- Thằng quỷ vật, mày nói thiệt không?

- Không tin ra đào mả ông Hợi của ông lên mà coi, cái giò đó nấu cũng được nồi bún riêu à. Ai kêu thằng con ông cưới ghệ tui chi! Còn mấy ông, mấy bà bớt tin dị đoan lại nghen! Tui dìa à!

Thiên hạ nghe, chưa biết thực hư ra sao nhưng ai cũng mừng thấy rõ. Bỏ mặc thằng Quẹo chạy tuốt luốt, họ ra vườn mít bốc mả ông Hợi còn thơm nhang. Họ giở cái bịch ra, thấy có cọng chỉ lòng thòng. Thì ra thằng Quẹo lấy chỉ may cái móng heo lại, hồi nãy rối quá nên đâu ai coi kỹ, mà làm sao dám coi kỹ.

Bà con chửi nó giòn hơn tiếng tre nổ. Khi bình tĩnh lại, họ mới thấy câu chuyện bịa của thằng Quẹo sơ hở như người bị gãy răng cửa. Mọi người vui vẻ trở lại, họ vào mâm, nhập tiệc món kế. Còn chú tư mừng húm, quay qua hỏi nàng dâu: “Con quen cái thằng toi vật đó làm chi vậy?”.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết