Biểu tượng mạng xã hội Facebook và virus corona trên màn hình điện thoại. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong bối cảnh dịch, một trong những thủ đoạn tung tin giả nổi lên là các đối tượng triệt để lợi dụng "khoảng trống," "độ trễ," "vùng trắng" thông tin về dịch bệnh để phát tán những thông tin bịa đặt, những bình luận xuyên tạc.
Do đó, việc hạn chế các "vùng trắng," thiết lập “vùng xanh” trên không gian mạng cũng cần thiết không kém “vùng xanh” trong cộng đồng.
Lợi dụng "khoảng trống," "độ trễ" thông tin về dịch bệnh
Theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó Trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05, Bộ Công an), lợi dụng "khoảng trống," "độ trễ" thông tin về dịch bệnh, thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lồng ghép thật-giả, sử dụng thông tin về những sự việc, hiện tượng có thật để thêu dệt, thêm thắt những thông tin bịa đặt hoặc bình luận xuyên tạc làm sai lệch bản chất sự việc. Hoặc các đối tượng dùng thông tin xác thực, tin chính thống làm "bệ đỡ" cho những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, ngụy biện nhằm lấy được lòng tin của người đọc vào những thông tin sai lệch mà các đối tượng đưa ra.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn giả mạo nguồn thông tin để người đọc lầm tưởng rằng thông tin sai lệch mà chúng đưa ra là từ nguồn tin cậy, chính thống.
"Thủ đoạn thường thấy là giả mạo văn bản chỉ đạo của chính quyền, cơ quan chức năng; giả mạo trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội hoặc giả mạo phát ngôn của cơ quan chức năng, lãnh đạo cấp cao, chuyên gia, người nổi tiếng," Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường lý giải.
Mới đây, thông tin thất thiệt về số lượng 786 người là F1 liên quan đến 1 ca F0 tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) lan truyền trên mạng xã hội khiến đại diện chính quyền địa phương phải lên tiếng khẳng định đấy là thông tin sai lệch.
Đây là trường hợp điển hình của tung tin giả trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, trong đó đối tượng lợi dụng sự việc có thật là 1 ca nhiễm COVID-19 ở huyện Chương Mỹ để bịa đặt số lượng lớn F1, qua đó tung tin giả về nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng động nhằm gây hoang mang cho nhân dân. Sự hoang mang này có thể kích hoạt tâm lý đám đông và những phản ứng tiêu cực, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
"Cần lưu ý rằng, những thông tin về ca bệnh, công tác truy vết đều do lực lượng chức năng thực hiện và công bố. Do đó, người dân cần cập nhật thông tin về dịch bệnh từ những nguồn chính thống, tuyệt đối không tin theo những thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền trên không gian mạng," Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường lưu ý.
Bên cạnh đó, đại diện A05 cũng khuyến cáo khi tiếp nhận thông tin, người dùng mạng xã hội cần xem xét kỹ nội dung thông tin, so sánh, đối chiếu với những nguồn thông tin khác cũng như với sự việc trên thực tế; xem xét độ tin cậy của số liệu, thời gian, địa điểm, sự kiện, phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Người dân cũng cần hình thành thói quen kiểm chứng thông tin, nhất là khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thống, không đáng tin cậy.
Mục đích chung của những đối tượng phát tán tin giả, tin sai sự thật là phát tán rộng rãi nhất có thể nhằm đạt những ý đồ riêng.
Do đó, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn như phát tán tin giả vào các nhóm đông thành viên; sử dụng các trang, kênh, tài khoản có nhiều người theo dõi để phát tán; kêu gọi cộng đồng chia sẻ tin sai lệch như một thông điệp mang tính cảnh báo về sức khỏe, sự an toàn... sử dụng dịch vụ quảng cáo trả phí trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook để phát tán thông tin.
Lợi dụng đặc tính lan tỏa nhanh của Internet, các đối tượng khai thác triệt để các tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội để “phủ thông tin” tiêu cực đến đông đảo nhân dân.
Các đối tượng đưa ra những bài viết, video clip với tiêu đề giật gân, gây sốc, liên quan đến số lượng người bị nhiễm, tử vong do dịch bệnh tại các địa phương, hướng dẫn cách điều trị, chuẩn đoán tại nhà, tẩy chay, không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh.
Nhằm thu hút người đọc để tăng hiệu quả phát tán, những thông tin sai lệch thường được biên tập tinh vi, như sử dụng hình ảnh cắt ghép, sử dụng câu từ mang tính giật gân nhằm kích thích tính tò mò của người đọc.
7 nhóm thông tin thường bị các đối tượng lợi dụng xuyên tạc, chống phá
Từ tháng 4/2021 đến nay, lợi dụng diễn biến tình hình phức tạp, khó lường của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, số đối tượng phản động, chống đối và một số cá nhân tăng cường hoạt động xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.
Theo thống kê của Cục A05, các đối tượng tập trung xuyên tạc, chống phá vào 7 nhóm vấn đề chính, như: tung tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch COVID-19, về công dụng của thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh; kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; xuyên tạc chính sách phân bổ vaccine của Bộ Y tế...
Nhóm vấn đề khác các đối tượng tập trung xuyên tạc là: bài xích quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số quốc gia; công kích, bôi nhọ hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch; xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh, người mắc bệnh, người có nguy cơ lây nhiễm.
Các đối tượng còn kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, các công ty không đáp ứng yêu cầu “ba tại chỗ”; kêu gọi tích trữ lương thực thực phẩm, gây tâm lý hoảng loạn trong quần chúng; trục lợi thông qua bán, làm giả vật tư, thiết bị y tế phòng dịch, đầu cơ, kinh doanh qua mạng; lợi dụng dịch bệnh để gia tăng hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, lôi kéo người vào tổ chức, phát triển lực lượng chống đối trong nước, như một số tổ chức khủng bố “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lầm thời,” “Triều Đại Việt”... triển khai thời gian qua.
Thông tin đăng tải sai sự thật.
Để đối phó với cơ quan chức năng nhằm duy trì hoạt động phát tán tin giả, tin xuyên tạc, sai lệch của mình, các đối tượng cũng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, như sử dụng các trang mạng ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài; sử dụng các tài khoản nặc danh, ẩn danh, chiếm đoạt được của người khác... để phát tán thông tin xấu và đối phó, trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Nỗ lực mở rộng "vùng xanh" trên không gian mạng
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Cục A05 cùng Công an các địa phương triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ tư, Cục A05 đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự một đối tượng ở Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định pháp luật.
Thời gian tới, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tích cực phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát thông tin trên không gian mạng, tổ chức lực lượng thường trực, giám sát 24/7 để kịp thời phát hiện thông tin sai sự thật về dịch COVID-19.
Lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã rà soát, phân tích, xử lý hàng triệu tin, bài viết trên không gian mạng; giám sát thường trực hàng nghìn trang mạng, hội nhóm, tài khoản trên các mạng xã hội có hoạt động chống phá mạnh.
Từ đó, lực lượng chức năng kịp thời phân loại, sàng lọc nhóm tin, bài có nội dung xấu độc, chống Đảng, Nhà nước; đánh giá theo tính chất, mức độ hoạt động để chủ động triển khai các đối sách, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn.
Lực lượng Công an triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh mạng theo quy định của pháp luật, cũng như làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, mạng xã hội và nội dung số ở trong nước, các mạng xã hội xuyên biên giới để nâng cao hiệu quả ngăn chặn, vô hiệu hóa tin giả.
Lực lượng cũng tập trung xác minh, truy tìm, làm rõ những đối tượng phát tán tin giả, nhất là những đối tượng, nhóm đối tượng hoạt động có tính chất nghiệp, cố tình tạo ra và phát tán tin giả nhằm mục đích chống phá hoặc trục lợi để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cơ quan Công an chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông, báo chí truyền thông để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến quần chúng nhân dân, cũng như phát đi cách báo về thông tin giả, thông tin sai lệch để quần chúng nhân dân cảnh giác, phòng tránh.
Bên cạnh đó là tiếp tục các giải pháp thúc đẩy các nỗ lực cộng đồng, huy động sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân vào việc phát hiện, tố giác tin giả, cảnh báo và ngăn chặn tin giả, cũng như lan truyền các thông tin chính thống, xác thực./.
Theo TTXVN