Nỗi đau dai dẳng
Lẽ ra, ở cái tuổi 75, bà Võ Thị Diệp, ngụ ấp 1, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa phải được tận hưởng niềm hạnh phúc sum vầy bên con cháu, nhưng chỉ vì CĐDC mà cuộc đời bà phải nếm trải tận cùng nỗi đau. Bà có chồng từng tham gia cách mạng.
Những lúc không mua ve chai, bà Võ Thị Diệp đan giỏ bàng để kiếm thêm thu nhập
Trong số 9 người con của ông bà, chị Nguyễn Thị Một khi chào đời bị dị dạng. Ở tuổi 32 nhưng nhận thức của chị Một không khác gì một đứa trẻ lên 5. Cuộc sống của bà Diệp ngày càng khó khăn hơn khi cách đây 13 năm, người chồng lâm bệnh qua đời.
Nhìn chúng tôi với đôi mắt đỏ hoe, bà Diệp nói: “Nhà có 2 mẹ con, lại ở sâu trong cù lao Mỹ Phước, xung quanh có sông nước nên những lúc đi mua ve chai, tôi phải nhốt con Một trong nhà. Trừ những lúc nó lên cơn la hét, tôi mới lo lắng, chứ bình thường, nó ngoan và biết nghe lời lắm! Tôi lo sau này, mình mất đi, không biết con Một sẽ ra sao?...”.
Nhiều năm trước, gia đình bà được hỗ trợ xây dựng căn nhà tình nghĩa. Khi bà thiếu vốn để mua bán ve chai, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Thủ Thừa hỗ trợ bà 2 triệu đồng. Hiện nay, ngoài số tiền trợ cấp dành cho người bị nhiễm CĐDC, gạo, nhu yếu phẩm,... chị Một còn được Huyện hội Thủ Thừa hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Số tiền này do hội vận động từ một tiểu thương tại chợ Thủ Thừa.
Hay như vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng và ông Trần Văn Hận, ngụ ấp Gò Thuyền, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và bị phơi nhiễm CĐDC. Năm 1985, ông bà sinh được người con trai tên Trần Quốc Toàn. Cơ thể anh Toàn lúc đầu phát triển bình thường, nhưng được một thời gian, anh phát bệnh.
Thương con, ông bà đi tìm thầy thuốc khắp nơi để chạy chữa nhưng bệnh của anh Toàn không mấy thuyên giảm khi bị ảnh hưởng CĐDC. Từ sự yêu thương, chăm sóc, động viên của gia đình, anh tự biết lo lắng cho mình nhưng tâm sinh lý thất thường. Vượt qua mặc cảm và thấu hiểu với nỗi đau các gia đình có người thân bị ảnh hưởng CĐDC, vợ chồng bà tham gia Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin. Từ đó, ông bà có thể động viên, chia sẻ, vận động quà, tiền hỗ trợ các nạn nhân và giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Chung tay hỗ trợ
Nhìn hoàn cảnh vợ chồng anh Phan Thành Phong, ngụ ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, ai cũng ngậm ngùi khi anh chị có đến 2 người con bị dị tật do ảnh hưởng CĐDC.
Anh kể, vợ chồng anh có 3 người con. Khi mang thai lần đầu, vợ anh sinh đôi, một đứa vừa chào đời đã mất, còn lại một bé gái bị dị tật. Vợ chồng anh khóc hết nước mắt. Phải mất 6 năm sau, vợ chồng anh “đánh liều” sinh thêm một đứa con nữa với hy vọng con được lành lặn. Lần này, đứa con trai chào đời như bao đứa trẻ bình thường khác. Hạnh phúc chưa được bao lâu, tay chân Phan Thành Quốc teo tóp, người co giật như chị gái mình.
Hàng ngày, anh Phan Thành Phong chăm sóc 2 con bị ảnh hưởng chất độc da cam
Hơn 20 năm qua, từ khi 2 con bị bệnh, anh Phong đành ở nhà chăm sóc các con, còn chị đi làm mướn kiếm tiền. Không có đất sản xuất, gia đình anh được Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đức Hòa hỗ trợ một ít vốn để nuôi bò sinh sản.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Đức Hòa, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC xã Đức Hòa Hạ - Nguyễn Văn Lộc, hàng tuần, vào thứ ba và thứ sáu, các bác sĩ Bệnh viện Hàn Quốc đi đến tận nhà các em trong độ tuổi thanh, thiếu niên bị ảnh hưởng CĐDC và khuyết tật để khám, chữa bệnh miễn phí. Mỗi lần đi, ê kíp có cả bác sĩ người Hàn Quốc và người Việt. Họ thường khám và tập vật lý trị liệu, giúp những đối tượng này có cơ hội hồi phục.
Như một số địa phương khác, không chỉ chăm lo, tặng quà cho các nạn nhân CĐDC, Huyện hội Đức Hòa thông qua nguồn vốn từ mạnh thường quân hỗ trợ những gia đình này vươn lên trong cuộc sống. Hiện tại, hội cho 7 gia đình mượn khoảng 70 triệu đồng để mua bò sinh sản về nuôi. Khi hộ nào làm ăn ổn định, hoàn trả lại vốn, hội tiếp tục xét và luân phiên cho những hộ khác.
Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh - Nguyễn Văn Thảnh cho biết: “Hoàn cảnh các nạn nhân CĐDC đều rất thương tâm. Những đứa trẻ lần lượt sinh ra bị khiếm khuyết, dị tật, thiểu năng trí tuệ. Một số gia đình có từ 2 đến 3 người con cùng bị phơi nhiễm. Hầu hết, những nạn nhân CĐDC không có khả năng hoặc rất khó khăn trong việc sinh hoạt cá nhân chứ nói gì đến lao động! Họ lại thường xuyên ốm đau, bệnh tật”.
Thời gian qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp tích cực vận động các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân nghèo đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, hội tập trung chăm sóc những nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa và biên giới,... Trong đó, xây nhà, hỗ trợ vốn để các nạn nhân có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Vươn lên bằng nghị lực và tình yêu cuộc sống, nhưng thực tế, những nạn nhân CĐDC/dioxin hàng ngày vẫn phải đối diện với nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần và sự khó khăn trong cuộc mưu sinh. Vì vậy, họ rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ của toàn xã hội. Đó chính là nguồn động viên to lớn giúp họ vượt qua khó khăn, quên đi những mất mát để hòa nhập cộng đồng.
Hiện, toàn tỉnh Long An có 103 hội cơ sở với tổng số nạn nhân CĐDC là 1.525 người hưởng chế độ, chính sách hàng tháng. 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh vận động thăm hỏi, tặng quà, xây nhà tình thương,... với số tiền lên đến trên 6,7 tỉ đồng. Riêng kỷ niệm 56 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2017), Tỉnh hội xuất 150 phần quà, trị giá 45 triệu đồng trao tặng nạn nhân CĐDC của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Lãnh đạo Tỉnh hội trực tiếp đi thăm, tặng quà nạn nhân CĐDC huyện Đức Huệ và Tân Hưng. Đồng thời, hội hỗ trợ 1 nạn nhân tại xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường 10 triệu đồng để sửa chữa nhà ở xuống cấp. Hội đang xúc tiến làm thủ tục vận động Ban Liên lạc Hội Đồng hương Long An tại TP.HCM 6 căn nhà tình thương,... Ngoài ra, một số địa phương trong tỉnh còn tự vận động, tổ chức thăm, tặng quà cho nạn nhân CĐDC và những người bị phơi nhiễm, tùy khả năng và điều kiện của hội mình./. (Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh) |
Thanh Nga