Tiếng Việt | English

05/07/2018 - 11:30

Dân Miền Tây xanh mặt vì 'bẫy' vay nặng lãi 50%/tháng

Đầy rẫy những tờ rơi "cho vay tiêu dùng không cần thế chấp" dán khắp nơi tại các tỉnh ĐBSCL. Nhưng đằng sau lời quảng cáo "có cánh" đó là cái bẫy lãi suất cao, có khi lên đến 50-60% mỗi tháng.

Tờ rơi cho vay tiền được dán khắp nơi tại TP Rạch Giá, Kiên Giang - Ảnh: P.Tại

Rất nhiều giấy tờ thế chấp như: hộ khẩu, sổ đỏ, CMND… được công an các địa phương phát hiện tại nơi ở của giới cho vay nặng lãi mà phần lớn đến từ các tỉnh phía Bắc.

Lãi suất "cắt cổ"

Dù chuyện xảy ra đã gần tháng nhưng bà N.T.B.N. (ngụ Q.Cái Răng, TP Cần Thơ) vẫn chưa hết bàng hoàng, hối hận. Bà N. kể lại do kẹt tiền nên khi thấy tờ rơi quảng cáo cho vay chỉ cần photo CMND và sổ hộ khẩu nên đã gọi điện thoại hỏi vay 5 triệu.

"Sau khi cung cấp đủ giấy tờ, Phụng, một người nói giọng Bắc, chỉ đưa cho tôi 4,1 triệu đồng, phần còn lại anh ta nói trừ phí vay 500.000 đồng, chi hoa hồng 200.000 và 200.000 là khoản góp ngày đầu" - bà N. nói.

Hợp đồng mà Phụng giao kèo với bà N. thể hiện cho vay 5 triệu đồng, trả góp trong 30 ngày, mỗi ngày 200.000 đồng. Nếu đóng chậm một ngày, hôm sau phải đóng gấp đôi. Còn nếu đóng chậm ba ngày liên tiếp thì buộc phải đóng tiền lại từ đầu.

Tượng tự, bà N.T.M. (ngụ Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cũng tái xanh mặt khi kể lại chuyện đi vay nóng 20 triệu đồng để làm ăn từ thông tin dán trên cột điện.

"Do chậm trả tiền góp ngày nên lãi mẹ đẻ lãi con. Hiện giờ tôi phải gánh khoản nợ và tiền góp 1 triệu đồng/ngày" - bà M. nói.

Còn chị Trần Thị Trúc L. (trú huyện Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết tháng 9-2017, chị vay 5 triệu đồng của nhóm P. "béo" để chữa bệnh. Khi vay tiền, hai bên thỏa thuận mỗi ngày góp 250.000 đồng, thời hạn góp 30 ngày.

Như vậy sau một tháng chị L. phải trả 7,5 triệu đồng, tính ra lãi suất 50%. Những ngày thiếu tiền góp, nhóm cho vay tự đưa mức phạt 100% cộng dồn vào nợ gốc.

Đến nay, chị L. nợ nhóm cho vay gần 15 triệu đồng. Nhưng mỗi lần ăn nhậu, đàn em P. "béo" lại gọi chị L. tới. Vậy là từ chỗ con nợ, chị L. đã bị biến thành con tin.

Giấy tờ cầm cố cho vay nặng lãi bị Công an TP Cần Thơ thu giữ - Ảnh: K.Nam

Trước tình hình hoạt động khá phức tạp của các băng nhóm cho vay nặng lãi, Công an TP Cần Thơ đã vào cuộc.

Cụ thể, tối 12/5, qua kiểm tra nhà ở P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, công an đã phát hiện một nhóm người đến từ phía Bắc thuê để làm nghề cho vay.

Co cụm, chuyển địa bàn hoạt động

Qua kiểm tra, công an phát hiện, thu giữ nhiều giấy tờ, tang vật có dấu hiệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi gồm: nhiều tờ rơi quảng cáo, gần 60 triệu đồng cùng nhiều sổ hộ khẩu, CMND…

Bước đầu các đối tượng khai nhận đã cho vay hơn 100 người trên địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long với số tiền hơn 400 triệu đồng.

Tương tự, một nhóm người cho vay nặng lãi khác khi bị công an phát hiện đã khai cho 71 người vay với số tiền hơn 360 triệu đồng, lãi suất từ 20% trở lên. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Theo Công an TP Cần Thơ: sau 20 ngày ra quân trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về cho vay nặng lãi, đòi nợ, xiết nợ theo kiểu xã hội đen… đã xác định và bắt một số nhóm cho vay nặng lãi.

Hiện các nhóm này đang co cụm lại, không còn hoạt động công khai, thậm chí chuyển sang các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long.

Còn theo Công an Tiền Giang: trên địa bàn có 8 công ty và 421 đối tượng đang có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, hiện các lực lượng đang theo dõi truy bắt.

Riêng tại Kiên Giang, công an đã khoanh vùng khoảng 100 công ty tài chính có phép và không phép cùng hàng trăm đối tượng trực tiếp cho vay nặng lãi hoạt động trên địa bàn tỉnh này, chủ yếu là ở Phú Quốc. Phần lớn các băng nhóm cho vay đều đến từ các tỉnh thành phía Bắc.

Phải biết sợ lãi suất cao

Theo ông Nguyễn Văn Kiệt - giám đốc NHNN chi nhánh Kiên Giang: nếu người dân có nhu cầu vay vốn tiêu dùng, kinh doanh, chữa bệnh hay chi tiêu đột xuất thì đã có khá nhiều tổ chức tín dụng sẵn sàng cho vay với thủ tục đơn giản như: chỉ cần có CMND, hộ khẩu, bảng lương, biên lai tiền nước, tiền điện...

Đây là những nguồn tín dụng hợp pháp, lãi suất dù cao hơn vay thế chấp tài sản (khoảng 3-4% tùy nơi) nhưng vẫn chấp nhận được.

Ông Kiệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên vay tiền từ các cá nhân không có chức năng làm dịch vụ tín dụng để tránh rủi ro và những hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là lãi suất quá cao.

Lê Dân

C.Hạnh - P.Tại - H.Thương - K.Nam/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết


Kết quả XSMB thứ 7 hàng tuần