Máy phun vôi đa năng của ông Trần Trọng Đức (ấp Bình An, huyện Thủ Thừa) giúp việc trồng trọt, chăn nuôi của nông dân đạt hiệu quả
Những sáng tạo phục vụ nông nghiệp
Những “kỹ sư chân đất” như ông Trần Trọng Đức (ấp Bình An, huyện Thủ Thừa) đã chế tạo thành công chiếc máy phun vôi đa năng, giúp việc trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh và người dân khắp nơi dễ dàng và hiệu quả hơn; ông Đinh Văn Sơn (xã Long Cang, huyện Cần Đước) đã nghĩ ra một quy trình sản xuất công phu, tỉ mỉ và tự sáng chế chiếc máy ép nén cám viên từ thức ăn phế phẩm; anh Võ Văn Lượm - một thợ cơ khí “tay ngang” ở xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, đã chế tạo thành công máy phun xịt thuốc;… Và còn nhiều sáng chế, cải tiến và giải pháp kỹ thuật hữu ích của nông dân trên địa bàn tỉnh, xuất hiện từ quá trình đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Họ sáng tạo nên những “công trình” độc đáo mà khi ứng dụng vào thực tế sản xuất đã thuyết phục được người dân, bởi năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Theo ông Đinh Văn Sơn, sau khi sáng chế thành công chiếc máy ép, sấy cám viên, ông lại tiếp tục sáng chế thành công máy tự động hút rầy, xịt lúa. Máy hút rầy được điều khiển bằng hệ thống tự động và bắt rầy đạt tỷ lệ khá cao đã từng đoạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Đặc biệt, gần đây, ông tiếp tục sáng chế và hoàn thành chiếc máy xử lý phân chuồng. Máy có khả năng xử lý nhanh phân chuồng, rút ngắn thời gian rất nhiều so với ủ thông thường; điều đặc biệt, nước thải cũng được xử lý triệt để. Ông Sơn nói: “Chiếc máy ủ phân này tôi sáng chế xuất phát từ một lần nghe nông dân than vãn mùi hôi thối do phân heo, trâu, bò, nước thải từ chuồng trại gây ra nhưng không biết đổ đâu. Phân chuồng sau khi qua máy ủ, xử lý thì đưa ra đóng bao để khi cần bón cho cây trồng hoặc có thể bán”. “Hiện trong các máy do tôi sáng chế, lắp ráp thì máy ép, sấy cám viên đang thể hiện tính nổi bật nhất vì đã được sử dụng rộng rãi. Đến nay, máy ép, sấy cám viên đã cải tiến ngày càng hiện đại, tiết kiệm điện năng hơn nhiều so với lúc đầu. Khách hàng mua máy của tôi ở khắp mọi miền đất nước và có cả nước bạn Lào, Campuchia,…” - ông Sơn chia sẻ.
Tự động hóa khâu bơm nước tưới cây, rau hiện nay đã được người dân ứng dụng gần 100%, tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất. Việc tưới cũng có khá nhiều ứng dụng điều khiển từ xa đã được thực hiện thông qua thiết bị ghi hình (camera), lịch hẹn giờ hay điều khiển từ điện thoại di động thông qua đường truyền wifi, Internet,… Hệ thống phun tưới cũng có nhiều cải tiến phù hợp với điều kiện cây trồng, nguồn nước và đặc tính đất từ tưới nhỏ giọt đến phun sương, phun tia,… Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy chia sẻ: “Thấy được bất lợi từ việc tưới theo kiểu truyền thống vừa tốn thời gian và rất lãng phí nước, tôi mạnh dạn áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Bước đầu, tôi thấy hệ thống tưới này chỉ áp dụng cho cây trồng tại một số tỉnh ở miền Tây. Nhưng tôi đã cải tiến và áp dụng tưới trên cây rau cho thấy hiệu quả rất cao, tiết kiệm được thời gian, sức người”. “Đó cũng là lời giải cho bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn. Vì vậy, nhiều nông hộ ở vùng hạ chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trên rau và các cây trồng khác nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa khô hạn” - ông Giấy nói thêm.
Ứng dụng hiệu quả các sáng chế, giải pháp kỹ thuật góp phần mang đến những mùa vụ bội thu cho nông dân
Đáp ứng sự mong chờ của nông dân
Điểm chung đáng trân trọng của những “nhà sáng chế” nông dân này đều khởi nguồn từ những trăn trở, phải làm sao để cho cuộc sống đỡ cơ cực, hiệu quả canh tác cao hơn. Cũng chính cuộc sống quanh năm gắn với vùng đồng quê nên những sáng tạo của họ rất gần gũi và đáp ứng được sự mong chờ của nông dân. Lợi ích từ những sáng chế của những “kỹ sư chân đất” này mang lại đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp như hiện nay.
Giữa vùng nông thôn, người dân quen với canh tác ruộng vườn, nay lại xuất hiện xưởng máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh do chính nông dân làm chủ và nhiều máy móc cải tiến dùng trong nông nghiệp mang lại hiệu quả được tạo nên từ ý chí dám nghĩ, dám làm của nông dân. Anh Võ Văn Lượm đã mang đến làn gió hiện đại, văn minh trên những vùng quê. Người dân dần nhận ra rằng, có đổi mới, sáng tạo mới thật sự mang đến no ấm lâu dài, bền vững cho gia đình mình và quê hương. Anh Lượm nói: “Khi phun thuốc, người dân chỉ cần vặn van mở giàn phun, sử dụng máy áp suất hút nước trong bình chứa để phun thuốc ra. Kéo hệ thống phun xịt đi khắp ruộng. Chỉ trong hơn 40 phút, máy phun được hơn 1ha ruộng, thay thế sức lao động của khoảng 5-10 người. Tôi thiết kế chiếc máy này cũng vì xuất thân là nông dân nên hiểu những khó khăn mà nhà nông gặp phải trong quá trình canh tác. Chiếc máy tôi chế tạo đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn”. Là khách hàng đặt máy, anh Trần Văn Vĩnh cho biết, gia đình có trên 10ha đất sản xuất lúa, mỗi khi đến mùa phun thuốc trừ sâu, giá thuê nhân công mỗi vụ cả chục triệu đồng. “Không những thế, việc thuê người phun thuốc bây giờ rất khó khăn một phần vì ảnh hưởng tới sức khỏe, nên tôi muốn đầu tư một chiếc máy phun thuốc trừ sâu phục vụ về lâu dài. Tôi thấy máy phun thuốc giúp công việc của người dân nhanh hơn gấp 5-10 lần, giúp việc xịt thuốc trừ sâu phần nào an toàn và tiện lợi” - anh Vinh nói.
Cũng với niềm đam mê sáng tạo và thấu hiểu được nỗi vất vả của nông dân như anh Lượm, ông Trần Văn Chữ, ngụ xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, đã chế tạo thành công máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, giúp nông dân tiết kiệm chi phí và bảo vệ sức khỏe. Theo ông Chữ, máy phun thuốc góp phần giải quyết thiếu hụt lao động tại địa phương và hiệu quả hơn trong sản xuất lúa của nông dân. Chiếc máy làm việc trung bình mỗi hécta lúa chỉ mất hơn 30 phút để phun, trong khi thuê người thì mất đến 5-6 giờ. Chiếc máy có 4 bánh, chạy bằng động cơ dầu hoặc xăng. Phía sau là hệ thống giàn phun thuốc gồm 2 cần phun có chiều dài từ 16-20m, ít hao thuốc và được phun đều, có thể điều chỉnh lên xuống theo chiều cao cây lúa. Ông Chữ chia sẻ: “Do đam mê sáng chế từ nhỏ và xuất phát từ việc quê hương quanh năm làm lúa, thấy việc trồng lúa của người dân còn phụ thuộc quá nhiều vào sức người nên tôi đã sáng chế và cho ra đời chiếc máy phun thuốc này nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, tăng thu nhập, giảm lao động”.
Không chỉ say mê sáng tạo, cải tiến máy móc, những “kỹ sư chân đất” còn được biết đến là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực tham gia các phong trào, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Cùng với những tìm tòi, cải tiến hữu ích, nhiều nông dân còn mạnh dạn thực hiện, cho ra đời những giải pháp kỹ thuật, làm cơ sở nhân rộng trong nông dân, góp phần làm phong phú thêm hình thức và đối tượng nuôi mới, thêm cơ hội làm giàu cho nhà nông./.
Huỳnh Phong