Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh, tàng trữ hàng lậu trong nội địa
Số vụ buôn lậu giảm mạnh
6 tháng đầu năm 2018, số vụ bắt giữ, xử lý về buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm giảm 424 vụ so cùng kỳ năm 2017 (672/1.096 vụ). Trong đó, số lượng thuốc lá giảm 294.157 gói (1.058.511/1.352.668 gói). Nguyên nhân là các lực lượng chức năng của tỉnh, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, chốt chặn, bắt giữ, xử lý hành chính, khởi tố hình sự,... Bên cạnh đó, sau khi Luật số 12/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc hội, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu nội địa có số lượng từ 1.500 gói trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự có sự tác động, răn đe, tạo chuyển biến rõ nét.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường - Nguyễn Anh Việt, các lực lượng bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương lập danh sách quản lý, giám sát các đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuê; các đường dây buôn lậu có tổ chức; các điểm tập kết; địa bàn là điểm nóng về buôn lậu để xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá, kiên quyết không để phát sinh các điểm nóng mới.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm soát trên 2.520 lượt; phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động 90 cuộc với hơn 3.450 lượt người dân biên giới dự. Thị trường nội địa, lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các điểm kinh doanh, cửa hàng tạp hóa, ăn uống, giải khát,...; triệt phá nhiều điểm tập kết, giao - nhận, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu, bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng.
Nguồn tin từ Công an tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng công an điều tra, khởi tố hình sự 22 vụ/26 đối tượng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 gói trở lên,...
Còn nhiều khó khăn
Thời gian qua, mặt hàng nhập lậu chủ yếu vẫn là thuốc lá điếu, đường cát, nước giải khát. Hiện nay, có 3 nhóm đối tượng hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới: Nhóm đối tượng sử dụng xe ôtô, nhóm sử dụng xe môtô và nhóm sử dụng xuồng máy để làm phương tiện vận chuyển hàng lậu.
Thượng tá Trần Bình Trọng - Trưởng Công an huyện Đức Huệ cho biết: “Từ sự phối hợp đồng bộ của các ngành, chế tài xử lý tăng nên thời gian qua, vận chuyển hàng lậu qua địa bàn giảm mạnh. Qua đánh giá, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu là lợi dụng đường mòn, đêm tối, chia nhỏ hàng hóa để mang, vác, cõng bộ qua biên giới rồi sử dụng xe môtô, ôtô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Trên đường vận chuyển, nhiều lúc, các đối tượng cử người cảnh giới, khi bị phát hiện, truy đuổi thì bỏ phương tiện, hàng hóa để chạy thoát thân”.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389, công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm còn nhiều khó khăn. Tuyến biên giới có nhiều đường mòn, lối mở nên việc kiểm soát người và phương tiện qua lại có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ. Ngân sách chi cho công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, kế hoạch. Đời sống người dân biên giới còn nhiều khó khăn dẫn đến dễ bị các đối tượng buôn lậu lôi kéo tham gia, tiếp tay. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, manh động, gây nguy hiểm cho lực lượng tham gia làm nhiệm vụ,...
Để phòng ngừa, đấu tranh với buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm hiệu quả, lực lượng chức năng phải tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp, đối tượng vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân biên giới không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng cấm; có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nghèo dọc biên giới. Song song đó, cần xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cơ quan chức năng và cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp, biện pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả,...
Vũ Quang