Tiếng Việt | English

05/04/2022 - 10:58

Đầu tư nước sạch phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhiều công trình cấp nước khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Long An được đầu tư xây dựng. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên.

Người dân tiếp cận nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt

Nước sạch đến với người dân

Những năm qua, từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu người dân vùng sâu, vùng xa được đầu tư xây dựng. Những công trình này mang lại hiệu quả rõ rệt, bảo đảm đủ nước sinh hoạt và chất lượng nước, giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống người dân.

Trước đây, gần 200 hộ dân ở ấp 1, xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng gặp rất nhiều khó khăn do không có nước sạch để sinh hoạt. Nguyên nhân, trạm cấp nước lâu ngày sử dụng đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng, không bảo đảm nguồn nước phục vụ người dân. Không có nước sạch, một số hộ dân có điều kiện thì dùng mô-tưa để bơm nước từ dưới kênh lên để sử dụng, còn những hộ không có điều kiện phải dùng can, xô ra kênh để đem nước về, thậm chí tắm, giặt ngay tại kênh. Gần đây, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, tỉnh hỗ trợ hơn 2 tỉ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng trạm cấp nước để phục vụ người dân nơi đây.

Bà Võ Thị Liễu (ấp 1, xã Thạnh Hưng) chia sẻ: “Trước đây, trạm cấp nước thường xuyên bị hư hỏng; những ngày có nước cũng không bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân, nước chảy nhỏ giọt, muốn có được nước sử dụng phải canh từng giờ để hứng nước; những ngày không có nước phải xuống kênh để tắm, giặt, dù biết nguồn nước rất ô nhiễm. Nay được sự quan tâm của Nhà nước đầu tư trạm cấp nước (TCN), người dân chúng tôi mừng lắm, yên tâm hơn trong bảo đảm sức khỏe”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên, hiện trên địa bàn huyện có 38 TCN, trong đó, 31 trạm đang hoạt động, 7 trạm chuyển dự phòng. Hầu hết TCN đang vận hành theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên cấp nước cho người dân sử dụng đạt tiêu chuẩn nước sạch theo quy chuẩn. Kết quả điều tra, Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch nông thôn năm 2020, trên địa bàn huyện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,85%, nước sạch đạt 85,02%.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm cho biết, việc đưa nước sạch về vùng nông thôn trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm như đầu tư xây dựng các TCN, xây dựng các đường ống dẫn truyền tải nước về phục vụ người dân. Hiện trên địa bàn huyện có 45 TCN, trong đó, 26 TCN bàn giao cho Công ty Cổ phần Cấp nước và Dịch vụ đô thị Vĩnh Hưng quản lý, 19 TCN do UBND xã quản lý, khai thác. Kết quả điều tra, Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch nông thôn năm 2020, trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,90%, nước sạch đạt 87,53%.

Quan tâm đầu tư

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Bé, thời gian qua, địa phương tích cực huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đến nay, trên địa bàn xã có 8 TCN phục vụ 1.129 hộ dân, chiếm 99,9%. Dù được quan tâm đầu tư các công trình nước sạch nhưng qua thời gian dài sử dụng một số TCN, các tuyến đường ống dẫn đã hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm phục vụ nhu cầu cấp nước cho người dân. Mặt khác, theo đánh giá thì tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn còn ở mức thấp, chiếm 65%. Mới đây, huyện đã bố trí nguồn vốn hơn 14 tỉ đồng để đầu tư xây dựng mới TCN trung tâm xã, sau khi xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn.

Để nâng cao tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch, năm 2022, huyện Vĩnh Hưng đầu tư thêm 2 TCN cụm dân cư trung tâm xã Tuyên Bình và TCN trung tâm xã Tuyên Bình Tây, với nguồn vốn gần 29 tỉ đồng. Huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập hồ sơ khảo sát thiết kế chuẩn bị thi công.

“Thời gian tới, để nâng cao tỷ lệ người dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch, Phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp UBND các xã, Công ty Cổ phần Cấp nước và Dịch vụ đô thị huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, duy tu, sửa chữa, nâng cấp các TCN, đường ống truyền tải hiện hữu; sửa chữa đầu tư hệ thống bể lọc, thường xuyên, định kỳ châm clo khử trùng để cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng” - ông Lâm cho biết thêm.

Ông Lê Thành Yên cho biết, thời gian tới, huyện Tân Hưng tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư, trong đó chú trọng xây dựng các công trình có quy mô lớn, liên xã; từng bước xóa bỏ các công trình quy mô nhỏ, chất lượng nước không đạt chuẩn; hạn chế mô hình UBND xã và cộng đồng quản lý là những mô hình hoạt động kém hiệu quả./.

Kiên Cường

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích