Tiếng Việt | English

13/03/2023 - 14:59

Để công chức bị kỷ luật 'tự nguyện tinh giản biên chế'

Bộ Nội vụ vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo nghị định thay thế các nghị định về chính sách tinh giản biên chế.

Ảnh minh họa: DAD

Trong dự thảo này, bộ đã đề xuất bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, nên tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế.

Để công chức bị kỷ luật "tự nguyện tinh giản biên chế"

Đề xuất của Bộ Nội vụ là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại thông báo số 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Bởi ở thông báo 20, ngoài khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách tự nguyện xin từ chức còn có nội dung xem xét cho cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.

Cần phải hiểu rõ rằng đã là cán bộ, công chức, viên chức thì phải gương mẫu và những người đã bị kỷ luật dù là khiển trách trở lên cũng là vi phạm. Do vậy, việc khuyến khích những người này tự nguyện tinh giản là hợp lý. 

Các cán bộ tự nguyện tinh giản trong trường hợp này còn có lợi hơn, vì theo nghị định 108 và các nghị định bổ sung, họ sẽ được hưởng chế độ ưu tiên, khoản tiền nhất định khi về nghỉ sớm.

Cũng theo số liệu của Bộ Nội vụ về thẩm tra tinh giản biên chế đến ngày 15-10-2018 và kiểm tra tinh giản biên chế đến 30-6-2022, các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản 79.024 người (bộ ngành 5.510 người, địa phương 73.514 người). 

Cũng theo số liệu này, nếu tính theo đối tượng áp dụng thì số viên chức nghỉ tinh giản biên chế cao nhất, chiếm 66,115%; cán bộ, công chức cấp xã chiếm 19,020% và thấp nhất là người làm việc tại khu vực doanh nghiệp là 0,216%, người làm việc tại các hội là 0,23%.

Như vậy, về chỉ tiêu số lượng đã đạt theo yêu cầu. Tuy nhiên, việc này chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, giảm những người "tinh" - tức là có đủ năng lực tham gia khu vực tư mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc. 

Cũng do đánh giá xếp loại chưa đúng thực chất, việc triển khai áp dụng chính sách tinh giản biên chế ở nhiều nơi chưa đúng mục tiêu khi đưa ra những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc. Thậm chí, có nhiều trường hợp còn xin "được" không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Thời gian tới, để việc tinh giản biên chế đạt được hiệu quả, cần thực hiện nhiều giải pháp. Ngoài việc sớm có thể thực hiện đề xuất trên của Bộ Nội vụ, phải đẩy mạnh việc phân loại và đánh giá việc hoàn thành công việc của cán bộ, công chức, viên chức cho chuẩn. 

Trong đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị là những người giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm cuối cùng về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức nên phải thực sự nâng cao vai trò, công tâm, khách quan, đúng pháp luật, dám chịu trách nhiệm. 

Khi người lãnh đạo đánh giá chuẩn xác sẽ giúp xác định rõ cán bộ không đạt yêu cầu để đưa vào diện tinh giản biên chế, thay vì chờ vào sự tự nguyện của họ. Khi thực hiện đồng bộ các giải pháp đúng đắn thì việc tinh giản biên chế sẽ đạt hiệu quả, giúp nâng cao hiệu lực hiệu quả, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm phục vụ tốt nhân dân./.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết