Tiếng Việt | English

03/10/2016 - 10:06

Để nông sản tiếp cận thị trường TP.HCM

Là đô thị lớn nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM có tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 488.000 tỉ đồng/năm, trong đó, tiêu dùng khoảng 246.000 tỉ đồng. Mỗi năm, thành phố cần khoảng 660.000 tấn gạo, 85.000 tấn đường, 60.000 tấn dầu ăn, 216.000 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm, 1 tỉ quả trứng gà, vịt, gần 1 triệu tấn rau, củ, quả các loại, 132.000 tấn thủy, hải sản,... Khoảng 80% hàng nông sản tiêu thụ tại TP.HCM được cung cấp từ các địa phương lân cận.


Vùng rau của Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa - huyện Cần Đước

Nguồn cung ứng dồi dào

Long An có nhiều sản phẩm có lợi thế như lúa, gạo, rau, thanh long, chanh, thịt heo, gà, vịt, trứng gia cầm,... Với vị trí địa lý thuận lợi, hàng hóa, nông sản chủ lực của Long An có lợi thế lớn so với các địa phương khác trong việc cạnh tranh cung ứng cho thị trường TP.HCM.

Thời gian qua, 2 địa phương nỗ lực tổ chức kết nối cung - cầu và đạt nhiều kết quả khích lệ. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm dù đã được giới thiệu, kết nối với hệ thống phân phối TP.HCM nhưng do chưa công bố chất lượng sản phẩm, bao bì thô sơ,... nên không đủ tiêu chuẩn để cung ứng cho người tiêu dùng theo đúng quy định của hệ thống phân phối hiện đại.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Long An - Đặng Văn Lớp, phần lớn người dân sản xuất nông nghiệp theo hình thức tự phát, chưa có mô hình chuyên canh và phương pháp sản xuất khoa học. Nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để sản xuất nên sản lượng sau thu hoạch thường không ổn định. Một số loại cây của tỉnh được trồng với diện tích lớn, nhưng chỉ có một số ít vùng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP, do người dân thường chạy theo lợi nhuận nên phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật để rút gắn thời gian thu hoạch.

Để khắc phục những hạn chế trên, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản sau thu hoạch, Sở Công Thương Long An chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, thời gian qua hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) xây dựng các mô hình như: Máy sấy cây lúa non xuất khẩu, sơ chế rau quả sau thu hoạch theo công nghệ Ozone; dây chuyền xử lý, phân loại và đóng gói chanh; thiết bị trong dây chuyền sơ chế trái thanh long;...


Lúa Nàng thơm Chợ Đào của huyện Cần Đước - đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước

"Phần lớn người dân sản xuất nông nghiệp theo hình thức tự phát, chưa có mô hình chuyên canh và phương pháp sản xuất khoa học. Nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để sản xuất nên sản lượng sau thu hoạch thường không ổn định. Một số loại cây của tỉnh được trồng với diện tích lớn, nhưng chỉ có một số ít vùng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP, do người dân thường chạy theo lợi nhuận nên phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật để rút gắn thời gian thu hoạch."

Giám đốc Sở Công Thương Long An - Đặng Văn Lớp

Mở rộng thị trường

Nhằm xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản đặc sản của tỉnh, những năm gần đây, Sở Công Thương Long An hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa với những kết quả: HTX Rau an toàn Long Khê cung ứng mỗi ngày khoảng 600kg rau an toàn cho các đơn vị như Siêu thị CitiMark, MaxiMark, Nhà hàng tiệc cưới Đông Phương và Trường Mẫu giáo Tân Bình (bình quân 100-200kg/đơn vị). HTX Rau an toàn Phước Hòa, sau quá trình đàm phán với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (Satra), mỗi ngày, cung ứng khoảng 700-800kg rau an toàn.

Ngoài ra, theo báo cáo của Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền, tổng sản lượng mặt hàng nông sản (rau các loại, dưa hấu, thanh long, khổ qua) vào chợ khoảng 50 tấn/đêm, thịt heo (từ các lò giết mổ ở tỉnh Long An) khoảng 180 tấn/đêm, thịt vịt khoảng 1,5 tấn/đêm và mặt hàng thủy, hải sản (cá lóc, ếch, tôm sú) khoảng 15 tấn/đêm. Công ty TNHH MTV The Furuit Republic Cần Thơ ký 200 hợp đồng bao tiêu chanh không hạt với Long An (diện tích khoảng 200ha), hàng năm thu mua khoảng 5.000 tấn chanh không hạt (có 1.000 tấn chanh không hạt đạt tiêu chuẩn GlobalGAP) và cử nhân viên hỗ trợ kỹ thuật nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Công ty bao tiêu sản phẩm theo cơ chế giá thị trường.


Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình trồng rau thủy canh tỉnh Lâm Đồng

Thông qua các hội nghị kết nối cung - cầu năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, có các đơn vị như: HTX Sản xuất Thương mại Thủ công mỹ nghệ Tân An, Công ty TNHH MTV Hồng Gia Phú, HTX Rau an toàn Long Khê, HTX Thanh long Long Trì, HTX SX nông nghiệp Thuận Bình, Cơ sở SX nước mắm Vĩnh Hương ký được các hợp đồng nguyên tắc với các doanh nghiệp phân phối chủ lực ở TP.HCM.

Ngoài ra, thực hiện chương trình kết nối giữa doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp và tìm đầu ra cho các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Công ty TNHH Ba Huân thu mua trứng đạt trên 30 triệu trứng/năm theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm ở huyện Cần Giuộc và Cần Đước; Công ty TNHH San Hà thu mua khoảng 3.479,1 tấn gà/năm, sản phẩm được thu mua tại huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Thạnh Hóa, trong đó có khoảng 500 tấn gà chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Cần Giuộc.

Từ thực tế cho thấy, nếu khắc phục được những hạn chế nêu trên, sớm hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh từ sản xuất đến phân phối thì sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, giá cả hợp lý, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh nông sản./.

Mai Hùng Dũng

Chia sẻ bài viết