Tiếng Việt | English

24/03/2022 - 20:32

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Pháp ngữ: Nắm bắt cơ hội "vàng" hợp tác

Việt Nam khuyến khích tập trung nghiên cứu, sử dụng các công nghệ thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, chuyển đổi số trong công nghiệp năng lượng.

Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo phát biểu khai mạc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo phát biểu khai mạc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ, ngày 24/3, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ đã cùng nhau dự ba phiên thảo luận chuyên đề.

Các buổi thảo luận có nội dung về húc đẩy quan hệ đối tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Pháp ngữ; hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng bền vững tại Việt Nam và trong cộng đồng Pháp ngữ; hợp tác kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số tại Việt Nam và trong cộng đồng Pháp ngữ.

Tại các phiên thảo luận, đại diện doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đã cùng trao đổi, thảo luận cùng với các đối tác, khối Pháp ngữ để có cái nhìn toàn cảnh về môi trường kinh doanh, đầu tư, văn hóa, con người giữa hai bên, từ đó tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Tìm kiếm cơ hội trong quá trình chuyển đổi số

Chia sẻ quan điểm tại Phiên thảo luận chuyên đề về hợp tác kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số tại Việt Nam và trong cộng đồng Pháp ngữ, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng kinh tế số và chuyển đổi số là những lĩnh vực Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, kinh tế số ICT-lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, gồm các hoạt động như sản xuất sản phẩm điện tử, phần cứng, sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung số, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ viễn thông là lĩnh vực Việt Nam đạt tăng trưởng gần 10%/năm và còn nhiều dư địa để phát triển. Bên cạnh đó, kinh tế số Internet, là các hoạt động kinh tế dựa hoàn toàn vào mạng Internet như dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, kinh tế thuật toán, kinh tế chia sẻ, kinh tế việc làm tự do (Gig) và các hình thức kinh doanh trên Internet khác, cũng có đột phá thời gian gần đây.

Kinh tế số ngành - phần kinh tế được tạo ra từ việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống, gồm các hoạt động như quản trị điện tử, thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, du lịch thông minh, cũng tạo ra những giá trị gia tăng nhất định và mở ra nhiều cơ hội phát triển thời gian tới.

"Chính phủ Việt Nam đang xây dựng các chiến lược để thúc đẩy phát triển những lĩnh vực này. Chúng ta đã có Chương trình quốc gia về chuyển đổi số, trong đó xác định ba trụ cột là phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việt Nam cũng đã lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên phát triển và đưa ra rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai. Tiếp theo Chương trình quốc gia về chuyển đổi số, trụ cột Chính phủ số đã được xây dựng. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Bộ Thông tin và Truyền thông vừa trình Chính phủ dự thảo Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 tầm nhìn 2030," ông Nguyễn Trọng Đường cho biết.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự diễn đàn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự diễn đàn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ông Nguyễn Trọng Đường cho rằng đây là những yếu tố rất tốt từ phía Chính phủ trong thúc đẩy lĩnh vực này. Các doanh nghiệp Việt Nam vốn rất năng động trong lĩnh vực này. Minh chứng là năm 2021, nền kinh tế số nền tảng của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 28%, đóng góp cho nền kinh tế 9,6 % GDP.

Đến từ đất nước Rwanda, bà Lydie Hakizimana, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AIMS Global Networ, cho biết thị trường châu Phi có 140 triệu dân, trong đó khoảng 60% dân số dưới 30 tuổi. Do đó, nhu cầu kết nối, sử dụng các thiết bị số, tham gia vào nền kinh tế số và quá trình chuyển đổi số ở khu vực này rất lớn. Việt Nam, với nền kinh tế số ngày càng phát triển, là lợi thế trong tìm kiếm và tham gia các cơ hội hợp tác tại châu Phi. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước trong tìm kiếm cơ hội làm ăn kinh doanh ở lĩnh vực này.

Bà Lydie Hakizimana cũng cho biết Rwanda là một quốc gia minh bạch và có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất trong các nước châu Phi, đồng thời là một quốc gia có môi trường an toàn nhất châu Phi, do đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể yên tâm tham gia quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại đây.

Chung tay giải quyết những thách thức và thiếu hụt về năng lượng

Tại phiên thảo luận về năng lượng tái tạo, các đại biểu Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ đã cùng trao đổi về chính sách cũng như đưa ra những khuyến nghị phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo một cách tích cực, hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu ở Việt Nam cũng như các nước trong không gian Pháp ngữ.

Trong tham luận dẫn đề tại phiên thảo luận, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, đã giới thiệu về chính sách sử dụng năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo của Việt Nam. Theo đó, Nhà nước Việt Nam xác định bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng đồng bộ hợp lý, đa dạng hóa các loại hình năng lượng.

Nhà nước ưu tiên khai thác, tận dụng triệt để, hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, xanh cùng với khai thác, sử dụng hợp lý nguồn năng lượng hóa thạch trong nước.

Cùng với đó, Việt Nam khuyến khích tập trung nghiên cứu, sử dụng các công nghệ thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, chuyển đổi số trong công nghiệp năng lượng.

Trao thỏa thuận hợp tác tại diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trao thỏa thuận hợp tác tại diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tại Hội nghị khí hậu toàn cầu COP-26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng thế giới đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Những cam kết này tỏ rõ quyết tâm của Việt Nam kiên trì thực hiện chuyển dịch sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, sạch.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang rà soát, cập nhật bổ sung Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đáp ứng các cam kết tại Hội nghị COP-26, theo đó các lĩnh vực ưu tiên phát triển nguồn cung cấp điện sẽ tập trung vào nguồn cung câp thân thiện với môi trường, gồm các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, điện gió ngoài khơi. Trên cơ sở đó, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết Việt Nam đang triển khai nhiều dự án hợp tác cụ thể với các đối tác quốc tế, trong đó có các thành viên của cộng đồng Pháp ngữ.

Chia sẻ tiềm năng về năng lượng tái tạo của Cộng hòa Dân chủ Congo, bà Kisolokele Mvete, Phó Tổng Giám đốc Bộ phận một cửa thành lập doanh nghiệp của Cộng hòa Dân chủ Congo cho biết nước này có tiềm năng rất lớn về năng lượng, nhất là thủy điện, song mới chỉ khai thác được 2,5% tiềm năng. Chính vì vậy, chính quyền Cộng hòa Dân chủ Congo mong muốn hợp tác với các nước, đặc biệt là các nước trong khối Pháp ngữ để cải thiện nguồn cung cấp năng lượng, đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang tăng rất cao của cộng đồng dân cư nước này.

Trong khuôn khổ hợp tác này, Cộng hòa Dân chủ Congo ưu tiên tiếp cận và ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương về phát triển nguồn năng lượng tái tạo bền vững.

"Việt Nam cũng là một trong những đối tác có thể giúp đỡ chúng tôi, cùng hợp tác với chúng tôi để phát triển lĩnh vực năng lượng ở Congo, để có thể giải quyết được thách thức và sự thiếu hụt về năng lượng," bà Kisolokele Mvete nhấn mạnh.

Theo bà Kisolokele Mvete, mối quan hệ hợp tác công tư có thể được thực hiện để có thể phát triển hỗ trợ phát triển ngành năng lượng cho Cộng hòa Dân chủ Congo nói riêng cũng như khu vực châu Phi nói chung, để có thể phát triển một cách bền vững về năng lượng. Cụ thể, sự hợp tác này cần tập trung vào việc tăng cường tiếp cận các nguồn năng lượng mới, đào tạo các nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ.

Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nông nghiệp với các nước Pháp ngữ

Tại phiên thảo luận về thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ, trong tham luận dẫn đề, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm có vai trò quan trọng trong việc chống khủng hoảng an ninh lương thực, đây là vấn đề được các nước châu Phi quan tâm ngoài tìm kiếm hợp tác.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh Việt Nam hết sức coi trọng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có sự phát triển vượt bậc, từ nước phải đi nhập khẩu lương thực những năm 1990, cho đến nay, đã là một trong hai nước xuất khẩu gạo lớn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo đếnvới các đại biểu tại phiên khai mạc diễn đàn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo đến với các đại biểu tại phiên khai mạc diễn đàn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển ngành nông nghiệp với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ nói chung và các nước châu Phi nói riêng. Thực tế, Việt Nam đã gửi nhiều các chuyên gia, kỹ thuật viên đến các nước châu Phi đến các nước để tham gia nghiên cứu phổ biến kiến thức và phối hợp sản xuất, phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương, cho rằng cộng đồng các nước Pháp ngữ là một môi trường tư rất giàu tiềm năng, nhất là khi nhiều nước châu Phi có lợi thế nhất định về đất đai, nguồn lao động dồi dào, cùng với đó là các chính sách ưu đãi đầu tư sản xuất nông nghiệp. Trong khi các nước Pháp ngữ tại châu Âu và Bắc Mỹ, nhất là các nước phát triển lại có thế mạnh về sản xuất, với quy mô có kỹ thuật hiện đại, là những thị trường tiêu thụ lớn dù tiêu chuẩn chất lượng đặt ra rất cao và khắt khe về các sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, cộng đồng các nước Pháp ngữ và Việt Nam có nhiều sự tương đồng về các tiêu chí phát triển nông nghiệp, thuận lợi cho việc hợp tác, giao lưu thương mại và phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Ông Nguyễn Phúc Nam đã đưa ra 7 điểm thuận lợi trong hợp tác phát triển ngành nông nghiệp giữa Việt Nam và cộng đồng các nước Pháp ngữ, bên cạnh những tiềm năng như đã nêu là điều kiện thuận lợi để hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất từ các hiệp định thương mại tự do mà các bên là thành viên./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết