Hộp nhựa, túi ni lông được các hàng quán tại TP.HCM sử dụng thường xuyên. Trong ảnh: shipper lấy hàng từ một quán cơm ở quận Bình Thạnh trưa 03/11 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Không chỉ vậy, theo các chuyên gia y tế, đồ ăn nóng đựng trong các túi ni lông hay bao xốp còn làm giảm độ ngon và ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Vừa đắt vừa mất ngon
Bà Khiếu Thị Thảo (ngụ quận 5, TP.HCM) cho hay vào những ngày cuối tuần, bà thường chọn ăn tiệm thay vì đặt đồ ăn về nhà. Bà Thảo cho hay bà cảm thấy đồ ăn khi ship về giảm mất khoảng 30% độ ngon, nhất là với các món cơm như cơm tấm, cơm gà...
"Tôi không thích hương vị đồ ăn trộn lẫn vào nhau. Các món như cơm tấm, cơm gà khi đặt về thường quán sẽ để luôn phần thịt trên cơm; nước xốt, mỡ từ thức ăn, dưa món theo đó chảy ra làm cơm bị ỉu và nhão, hấp hơi, không giữ được hương vị nóng sốt như ăn tại quán", bà Thảo nhận xét.
Còn với các món nước, bà Thảo cho hay bà cũng e ngại khi nhìn những bọc ni lông gói nước dùng. "Nước nóng bỏ vào túi ni lông sờ vào thấy nhão nhoét, chỉ sợ ăn vào ung thư", bà Thảo nói.
Trong khi đó, chị Lê Thị Linh Chi (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại Gò Vấp) cho rằng ngoại trừ các thương hiệu F&B có chuỗi nổi tiếng thì các tiệm cơm bình dân khi bán online qua ứng dụng đa phần thường bị đẩy giá, chưa kể cả tiền ship.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một quán ăn vặt trên đường Tôn Đản (quận 4), giá các món khoai lang lắc, bánh gạo, combo đùi gà kèm khoai tây... dao động 20.000 - 27.000 đồng/suất. Thế nhưng, trên ứng dụng đặt đồ ăn giá lại đẩy lên 30.000 - 45.000 đồng/suất, tăng tới 50%.
Gần đó, một quán phở cũng ở trên cung đường này niêm yết giá các món phở, miến, mì gà chỉ 40.000 - 45.000 đồng/phần, trong khi Tuổi Trẻ khảo sát trên ứng dụng giao đồ ăn giá hiển thị lên tới 63.000 - 77.000 đồng/phần.
Nhiều chủ quán ăn xác nhận giá bán đồ ăn trực tiếp tại quán vẫn rẻ hơn trên nền tảng công nghệ.
Anh Minh Hòa, chủ chuỗi quán ăn đặc sản miền Trung, cho biết dù giá trên app cao hơn bán tại chỗ nhưng sau khi trừ các loại phí và khuyến mãi cho khách, có khi quán thu lại còn ít hơn bán tại chỗ. Phần lớn các quán lớn đều thích bán bên ngoài hơn vì đỡ mất phần chiết khấu với app.
Một suất ăn thường có lãi từ 25 - 30%, nhưng bán trên app chủ quán phải chiết khấu từ 20 - 25% tùy cửa hàng. Chưa kể quán ăn phải liên tục chạy quảng cáo, khuyến mãi đậm trên app để có "vị trí" trên gian hàng tiếp cận khách tốt hơn.
Chị Quỳnh Thư, chủ một quán bún bò ở quận Bình Thạnh, cho rằng tỉ lệ khách đặt qua app vẫn chiếm 60% doanh thu, còn lại khách đến ăn trực tiếp.
App giúp tăng khách, tăng doanh thu song lợi nhuận không đạt được như mong muốn vì nhiều chi phí như chiết khấu với app, quảng cáo, mua thêm túi ni lông, muỗng, dây thun, hộp xốp... để mang đi.
Rác bủa vây theo đơn hàng
Theo ghi nhận thực tế của Tuổi Trẻ, một suất cơm, bún, phở,... thải ra ít nhất 3-4 loại rác như hộp nhựa, túi ni lông, muỗng, dao nhựa tùy loại, chưa kể các loại đồ ăn bằng gỗ công nghiệp dùng một lần như đũa, dao, khăn...
Đa phần các loại dụng cụ này đều là loại túi dai, nhựa cứng khó phân hủy. Cụ thể, một suất bún nước thông thường gồm: 1 bọc đựng bún, 1 túi ni lông đựng nước dùng, 1-2 túi nhỏ đựng gia vị như mắm, ớt tươi xắt lát, 1 hộp đựng các loại nước chấm nhỏ (nếu khách yêu cầu), 1 đôi đũa và 1 túi ni lông để đựng tất cả các thứ trên.
Với một suất cơm bình dân nếu không tính dụng cụ ăn uống như muỗng nhựa, đũa... cũng phải thải ra ít nhất 3-4 thứ gồm khay hoặc hộp nhựa đựng cơm, thức ăn, 1 túi nhựa, 1 túi đựng gia vị, 1 túi đựng canh và 1 túi lớn bọc ngoài.
Còn đơn hàng đồ uống online cũng thải 2-3 loại rác thải nhựa như ống hút, muỗng nhựa, túi ni lông bọc ngoài,...
Nhiều chuyên gia cho rằng dù hầu hết các loại túi ni lông hay hộp xốp hiện nay đã được sản xuất với chất liệu tốt, khả năng chịu nhiệt cao, nhưng thị trường vẫn sẽ luôn có những loại chất lượng thấp, giá rẻ phục vụ mục đích tối ưu chi phí của nhiều người bán hàng.
Theo các chuyên gia, khi nhiệt độ cao đến mức 70 - 80oC có thể làm nhiều loại ni lông nóng chảy hoặc giãn ra, vô tình giải phóng các loại hóa chất có hại trong ni lông.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết do tính tiện lợi hiện nay nên việc sử dụng túi chất dẻo (túi ni lông), hộp xốp trở nên khá phổ biến.
Đối với hộp xốp đựng thực phẩm được sản xuất từ nhựa polystyrene (PS), bản thân nó không phải là chất độc hại nếu ở giai đoạn nguyên khai. Thế nhưng khi sử dụng nhiều lần để đựng thực phẩm mặn và chua như cá kho, dưa chua, thịt đông... sẽ gây ra hiện tượng hòa tan.
Lúc này polystyrene sẽ tách ra thành styren, khi ăn các phân tử styren vào cơ thể, chúng là tế bào phi sinh học rất nguy hiểm có thể gây ung thư tử cung ở nữ giới, gây vô sinh, dậy thì sớm...
Đối với túi ni lông được làm từ polyethylene (PE) ban đầu an toàn nhưng khi tái sử dụng nhiều lần để đựng thực phẩm có tính mặn và axit sẽ gây ra hiện tượng lão hóa, tương tự như hộp xốp các phân tử ethylene sẽ dễ đi vào cơ thể, gây độc hại và có thể gây ung thư.
Một mối nguy nữa là các bao bì dùng một lần này khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường, gây hại cây trồng, gây hại vi sinh vật, gây ô nhiễm nguồn nước./.
Núi rác thải từ đồ ăn giao tận nhà
Rất nhiều hàng hóa đặt mua online hiện nay phải dùng các bao bì bằng chất liệu khó phân hủy như thế này - Ảnh: Washington Post
Theo trang Development Asia, Trung Quốc ngày nay đang có thị trường đặt đồ ăn qua mạng lớn nhất thế giới. Tính tới năm 2021, nó đã là ngành công nghiệp trị giá 58,7 tỉ USD, chiếm hơn một nửa thị trường này toàn cầu.
Cùng với Trung Quốc, thị trường đặt đồ ăn online ở Đông Nam Á cũng đã tăng trưởng gần như gấp ba lần vào năm 2020 (có tác động đáng kể của đại dịch COVID-19) và tăng hơn 30% vào năm 2021.
Cùng với sự phát triển của dịch vụ giao hàng online, đặc biệt là đặt đồ ăn qua mạng, vấn đề rác thải từ bao bì đi kèm cũng phát sinh đáng lo ngại.
Theo trang Takeaway Packaging, ở quy mô toàn cầu, một chuỗi thức ăn nhanh nổi tiếng như McDonald trong mỗi phút sẽ tạo ra khoảng 3 tấn rác bao bì, gần 2 triệu tấn mỗi năm. Từ đây, chúng ta có thể hình dung được lượng rác này sẽ nhân lên bao nhiêu nữa với sự "đóng góp" của các thương hiệu lớn khác như KFC, Burger King, Starbucks, Domino’s...
Hiện chưa có một thống kê đầy đủ nào về tình hình rác thải bao bì trên toàn cầu, ở đây chỉ nêu ra một số thống kê "báo động".
Báo cáo về tình trạng rác thải bao bì của Nghị viện châu Âu công bố trên trang web của cơ quan này vào tháng 3-2023 cho biết trong các năm 2009 - 2020 tổng lượng rác bao bì thải ra đã tăng 20% (tương đương mức tăng 13 triệu tấn) tại EU.
Cụ thể, năm 2020, lượng rác bao bì là 79 triệu tấn (tương đương 177kg/người, so với mức trung bình 150kg/người vào năm 2009). Giấy và bìa các tông chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các loại vật liệu bao bì (41%), kế đó là nhựa (19,5%), thủy tinh (19%), gỗ (15%) và kim loại (5%).
Hai loại vật liệu bao bì có xu hướng tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2009 tại EU là nhựa (tăng 27%) và giấy, bìa các tông (tăng 25%).
Tại Anh, mỗi năm ước tính khoảng 2,2 triệu tấn rác nhựa có nguồn gốc từ bao bì đóng gói đồ ăn giao nhanh được thải ra.
Tại Hàn Quốc, nghiên cứu công bố cuối năm ngoái trên trang Science Direct nhận thấy doanh số bán đồ ăn online đã tăng trưởng trung bình 85% trong vòng bốn năm tính tới năm 2020, đạt 14,3 tỉ USD doanh thu vào năm 2020, với khoảng 2,1 tỉ hộp đồ ăn làm từ nhựa đã được sản xuất cùng năm đó.
|
Giảm độ ngon
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phú Nguyễn - bếp trưởng một hệ thống nhà hàng, khách sạn - khẳng định việc giao đồ ăn qua mạng tận nơi chắc chắn sẽ giảm chất lượng món ăn, tùy thuộc vào quãng đường giao từ người bán tới người mua.
"Với món nóng thí dụ như phở bò, việc giữ nóng lâu không ăn liền làm bánh phở mất độ dai, thịt bò thì dai hơn (với bò tái, khô và bở đối với bò nạm...). Nước dùng sẽ không còn cảm giác thơm ngon như ăn trực tiếp tại quán do các loại rau mùi cho vào túi nước dùng bị chín", ông Phú cho biết.
"Với món lạnh lại càng dở hơn. Thí dụ như salad, thường món salad khi ăn tại chỗ thì rau còn mát, giòn do được chế biến và phục vụ trực tiếp lúc rau vừa ở trong tủ giữ mát ra.
Còn lúc mình cho vào hộp và đem đi giao thì bị mất nhiệt, không còn đủ lạnh để rau giữ được độ giòn, và còn chưa kể đến việc trong quá trình giao, shipper cho vào thùng chung với một số loại thực phẩm có nhiệt độ thì salad còn mất nhiệt nhanh hơn nữa", ông Phú ví dụ thêm.
|
Cần nhiều bên chung tay
Bà Nguyễn Thị Hoài Linh - giám đốc quốc gia Tổ chức hành động vì môi trường và phát triển (ENDA) tại Việt Nam - đề xuất cần đẩy mạnh truyền thông, thay đổi ý thức người dùng, hành vi người tiêu dùng để hạn chế sử dụng túi ni lông, rác thải bọc ni lông.
Sắp tới khi EPR (cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) đi vào thực thi sẽ tăng chi phí các sản phẩm túi ni lông... từ đó các đơn vị kinh doanh, người tiêu dùng cũng sẽ dè dặt hơn trong việc giảm sử dụng túi ni lông.
|
Nguy cơ sức khỏe từ túi ni lông
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hộp xốp được sản xuất từ nhựa polystyrene (PS) là vật liệu an toàn nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, đối với người tiêu dùng chỉ sử dụng hộp xốp chứa đựng, bảo quản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm đúng các quy định về an toàn thực phẩm.
Sử dụng hộp xốp theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất. Hộp xốp sản xuất từ PS chỉ dùng để chứa đựng, bảo quản thực phẩm đối với thực phẩm có nhiệt độ dưới 70oC.
Ngoài ra, các loại hộp xốp chỉ nên dùng một lần và tạm thời, không dùng hộp xốp để chứa đựng và bảo quản thực phẩm trong thời gian dài ngày.
Đặc biệt, không dùng hộp xốp chứa đựng các loại thức ăn, đồ uống đang nóng, thức ăn có nhiều mỡ, dầu ăn, nước sôi, đồ chua (dưa muối, salad trộn giấm, nước chanh, nước chè chanh...).
|
Đức Thiện (Theo Tuổi Trẻ)
Nguồn: https://tuoitre.vn/do-an-mua-qua-app-nguon-rac-thai-khong-lo-dang-bao-dong-20231103231747649.htm