Tiếng Việt | English

24/05/2017 - 03:59

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An đóng góp dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chiều ngày 23/5, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An có bài phát biểu đóng góp Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau đây, Báo Long An Online đăng tải nội dung của bài phát biểu.

Nhìn chung, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phác thảo được nội dung, biện pháp và tổ chức điều hành cho chính quyền các cấp trong tổ chức tiến hành hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bao gồm: Tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết). Từ đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa tự mình vươn lên trong cạnh tranh phát triển bền vững.

 Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An có bài phát biểu đóng góp Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Dự thảo Luật cơ bản đáp ứng được yêu cần bức xúc hiện nay của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận tín dụng ưu đãi, công nghệ mới, trong tạo nguồn vốn, trong tìm hiểu thị trường,... Nghiên cứu kỹ Dự thảo Luật và các ý kiến của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Kinh tế, chúng tôi đồng tình cao với các nội dung đã tiếp thu chỉnh sửa. Tuy nhiên, tôi nhận thấy còn những vấn đề cần được bổ sung điều chỉnh nhằm bảo đảm được mục tiêu cơ bản của Luật:

Đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ

Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 về đối tượng áp dụng: “Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này” được hỗ trợ.

Vấn đề cần bàn là nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải là nguồn lực lớn, nên cũng cần thu hẹp phạm vi và đối tượng hỗ trợ, để bảo đảm hiệu quả, khả thi, không nên bình quân dàn đều. Giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, với doanh nghiệp vừa, có sự khác nhau rất lớn về năng lực và quy mô (có khi đến hàng trăm, hàng nghìn lần), nên không thể hỗ trợ bằng như nhau.

Do vậy, cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh (với quy mô từ 10 - 20 tỉ đồng doanh thu và hoặc từ 20 - 30 lao động trở xuống), vì đây là nhóm doanh nghiệp rất yếu thế, gặp nhiều khó khăn, lúng túng, vướng mắc. Đồng thời, cần xem xét loại trừ một số đối tượng không nên hỗ trợ, dù đó là doanh nghiệp vừa hay nhỏ, nếu như là công ty đại chúng (có vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng trở lên và có từ 100 cổ đông trở lên), những doanh nghiệp bài bản, có quy mô tương đối lớn. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc diện được hỗ trợ cũng cần loại trừ cả các công ty đại chúng.

Hỗ trợ tiếp cận tín dụng

Đối với biện pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng quy định tại Điều 8, tôi cho rằng, cần xác định rõ những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (so với doanh nghiệp có quy mô lớn) không hẳn là chỉ có vấn đề lãi suất cao mà còn tồn tại một số vấn đề cần tháo gỡ:

- Vấn đề thứ nhất: Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường yếu kém về năng lực tài chính, vốn ít và các giá trị tài sản của họ rất thấp, cho nên không có đủ tài sản thế chấp vay ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này dự thảo đưa ra hai công cụ chính: Thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng và tăng cường các biện pháp cho vay tín chấp trên cơ sở đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, với quy định hiện tại về Quỹ Bảo lãnh tín dụng thì tính khả thi rất hạn chế, xét theo kinh nghiệm 16 năm triển khai Quỹ Bảo lãnh tín dụng ở Việt Nam – tức là không có gì mới.

Tôi kiến nghị, hình thức có thể mở rộng cho khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là cho vay có bảo đảm tài sản bằng động sản. Đây là hình thức mà theo thông lệ quốc tế, dư nợ cho vay về tài sản bảo đảm là động sản chiếm tới 70% tổng dư nợ. Trong khi ở Việt Nam, đến thời điểm này, dư nợ cho vay có bảo đảm tài sản bằng động sản mới chiếm khoảng 30%.

Dự thảo cần có quy định rõ hơn về một số nguyên tắc cơ bản của nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khác với bảo lãnh tín dụng thông thường ở chỗ nào. Chẳng hạn như: Tỷ lệ vốn vay được bảo lãnh; cần hay không tài sản thế chấp thứ cấp (loại tài sản không đủ tiêu chuẩn để thế chấp vay vốn thông thường) trong trường hợp khoản vay được chấp thuận bảo lãnh, nhất là trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong quan hệ bảo lãnh,… Đây mới là vấn đề cốt lõi của quy định này.

- Vấn đề thứ hai: Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không là đối tượng quan tâm của các tổ chức tín dụng, do chi phí giao dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay cao hơn so với cho doanh nghiệp lớn vay. Để khuyến khích các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay thì Nhà nước cần có quy định rõ về việc lấy dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tổ chức tín dụng là một trong các tiêu chí khi xem xét cho phép các tổ chức này tham gia các chương trình của Nhà nước. Những nội dung khuyến khích các tổ chức tín dụng này cần được cụ thể hóa trong Luật chứ không thể nêu một cách chung chung như hiện nay,...

- Vấn đề thứ ba: Bảo lãnh tín dụng (quy định tại Điều 9): “Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổ chức tài chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận”.

Như vậy, theo dự thảo nếu tổ chức này là “tổ chức tài chính” có “chức năng bảo lãnh tín dụng” mà không có quy định nào về tính chất pháp lý của tổ chức này: Có phải tổ chức tài chính nằm trong phạm vi áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng không? Nếu không thì nằm ở đâu? Nếu có thì tổ chức này là tư nhân hay Nhà nước? Nếu Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổ chức tài chính, thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng, hoạt động kinh doanh thì việc bảo lãnh thua lỗ ai chịu trách nhiệm? Tiền dùng để bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lấy từ đâu? doanh nghiệp nhỏ và vừa nào sẽ được hưởng bảo lãnh?...

Mức hỗ trợ thuế

Tại Điều 10, Luật có quy định: “Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Tôi cho rằng, quy định như thế nhưng vấn đề cốt lõi về cơ chế hỗ trợ thì lại chưa được đề cập. Chẳng hạn, mức thuế suất thấp hơn là thấp hơn bao nhiêu? Một mức thấp hơn hay nhiều mức thấp hơn khác nhau? Đối tượng được hưởng phải đáp ứng các điều kiện nào hay cứ là doanh nghiệp nhỏ và vừa là được hưởng?.../.

Chia sẻ bài viết