Tiếng Việt | English

11/11/2022 - 08:39

Đoàn kết + khát vọng + ý chí = thành công

Những ngày này, nhiều ấp, khu phố trong tỉnh Long An tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (Ngày hội) nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2022). Đây là ngày hội lớn ở xóm, ấp, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Chia sẻ niềm vui với người dân, các đồng chí lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã về dự Ngày hội, góp phần động viên, lan tỏa tinh thần đoàn kết thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Với những hoạt động đã và đang diễn ra ở các khu dân cư, Ngày hội chính là dịp biểu thị tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí và hành động trong xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương. Ngày hội đã huy động sự tham gia của nhiều hộ gia đình trong xóm, ấp, cùng bắt tay chuẩn bị, cùng đánh giá những nỗ lực vượt khó và cả những hạn chế, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Ngày hội tạo cơ hội cho mọi người gặp gỡ, giao lưu, thảo luận chuyện xóm làng, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,...

Ngày hội còn biểu dương, tôn vinh những người có thành tích xuất sắc đóng góp xây dựng quê hương, góp phần nhân rộng những điển hình tiên tiến để ngày càng có nhiều tấm lòng tốt, việc làm thiết thực, hiệu quả vì cộng đồng. Đặc biệt, Ngày hội chính là cơ hội phát huy truyền thống hiếu học, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” khi dành những phần quà cho học sinh giỏi, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Qua đó, động viên các em phấn đấu học giỏi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tình làng, nghĩa xóm khắng khít, môi trường xã hội an toàn, thân thiện, đáng sống.

Trải qua 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, khi tỉnh là tâm dịch, chúng ta càng thấy rõ vai trò, ý nghĩa của tinh thần đoàn kết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. MTTQ cùng các tổ chức thành viên tham gia tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách chống dịch của Đảng, Nhà nước; huy động sự đóng góp công sức, phương tiện, lương thực, thực phẩm chăm lo cho người dân gặp khó khăn, công nhân bị ngưng việc, mất việc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh,...

Nhờ vậy, tỉnh đã vượt qua khó khăn, sớm mở cửa phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Trải qua dịch bệnh nguy hiểm, chúng ta càng thấy rõ sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, của ý Đảng - lòng dân hòa quyện. Qua đó, càng khẳng định đại đoàn kết chính là động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng, bài học quý giá nhất đúc kết từ cha ông để vận dụng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, việc đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là một bộ phận người dân có đời sống còn khó khăn, sản xuất không thuận lợi, vật giá tăng cao; tình hình ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, tranh chấp đất đai, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và an ninh, trật tự; lối sống thực dụng, thiếu sự gắn kết cộng đồng,...

Do đó, đoàn kết không thì chưa đủ, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Quán triệt, vận dụng tốt nội dung này là giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Quyết tâm chính trị cao phải đi liền với hành động để biến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trở thành hiện thực. Trong đó, việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Để biến khát vọng thành hiện thực, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng thì từng gia đình, từng người dân phải nỗ lực, hăng say lao động, sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong cộng đồng cần xây dựng các tổ, nhóm cùng tham gia sinh hoạt chính trị, văn hóa, pháp luật, cùng góp vốn, hỗ trợ nhau làm kinh tế. Người đã thành công thì giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, cây giống, con giống với người khó khăn,... Được như vậy, các xóm, ấp sẽ xóa dần hộ nghèo, cận nghèo; tăng hộ khá, giàu; tăng gia đình văn hóa; thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đây là việc làm khó nhưng nếu phát huy sức mạnh đại đoàn kết, có khát vọng và ý chí vươn lên thì sẽ thành công.

Ngày hội chính là dịp để mọi người siết chặt tinh thần đoàn kết, gia tăng tình làng, nghĩa xóm, chia sẻ những điều tử tế, lan tỏa khát vọng vươn lên và nghị lực vượt khó, cùng chung tay xây dựng khu dân cư văn minh, giàu đẹp./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết