Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia; đẩy mạnh CĐS trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Đồng thời, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, CĐS quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt một số kết quả tích cực. Đối với dịch vụ công trực tuyến: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%). Kinh tế số ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số đạt 50.350 doanh nghiệp/mục tiêu 48.000 doanh nghiệp (đạt 104,9%). Triển khai dịch vụ công thiết yếu: 43/53 dịch vụ (đạt 81,1%),…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để hoàn thành mục tiêu của Chương trình CĐS quốc gia và Đề án 06. Theo Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; còn có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ; có những việc chúng ta nhìn thấy “nguy cơ” khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đề ra, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về CĐS quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ vừa diễn ra vào ngày 10/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá thẳng thắn, rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; đồng thời, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá thời gian tới.
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao xây dựng, kết nối, tích hợp, chia sẻ các nền tảng số và cơ sở dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng; tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân; đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục hành chính; đẩy mạnh phát triển kinh tế số như thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH;...
Trước yêu cầu từ thực tiễn, để tiếp tục đẩy mạnh CĐS, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CĐS, nhất là phát triển kinh tế số, xây dựng cơ sở dữ liệu; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong CĐS quốc gia; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ, ngành, địa phương mình, chia sẻ cơ sở dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương khác, tập trung về cơ sở dữ liệu quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng, CĐS thì phải chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có CĐS. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm CĐS thì cũng không có CĐS.
CĐS là khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH. Năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững”. Đây cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của CĐS, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Do đó, để CĐS đạt hiệu quả, bên cạnh sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, rất cần sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới./.
Hoàng Trà