Từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó quy định 8 chính sách trợ giúp DNNVV.
Sau 7 năm triển khai thực hiện, các chương trình, chính sách trợ giúp đã đạt được một số kết quả nhất định, hỗ trợ các DNNVV khắc phụ hạn chế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện và tác động hỗ trợ của các chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Một số văn bản quy phạm pháp luật đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)
Trên “thảm” dưới “đinh” rất dễ thấy
Chia sẻ những bất cập đang tồn tại trong việc triển khai chính sách trợ giúp DNNVV thời gian qua, TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho rằng, thực trạng vẫn đang có sự bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh đối với DNNVV trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là đã xuất hiện những rào cản, hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng ngay trong những văn bản hướng dẫn thi hành, gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp.
Ví von các văn bản quy phạm pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp như những “hàng đinh” cắm dưới thảm đỏ, sẵn sàng gây “thương tích”, TS. Lê Hồng Sơn nhận diện: Các văn bản hạn chế sự phát triển của DNNVV thường này xuất hiện chủ yếu ở các Thông tư, văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, cá biệt có trong một số quy định của Chính phủ, và đặc biệt xuất hiện chủ yếu tại các văn bản của cấp chính quyền địa phương.
TS. Lê Hồng Sơn lấy ví dụ tại tỉnh Quảng Ninh, từ cuối năm 2015 đã ban hành 2 Quyết định (4088/2015/QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND) đặt ra hàng loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu, thuyền kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long - Bái Tử Long. Cụ thể Quyết định quy định rút ngắn thời hạn (niên hạn) sử dụng các phương tiện thủy từ 5 – 10 năm; Quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với tàu lưu trú (hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước cho các phòng ngủ của tàu); phải có thiết bị báo cháy ở tất cả các buồng của tàu.
Nếu các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh, tất cả các tàu, thuyền hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn buộc phải có thêm bể nước trên tàu, hệ thống dẫn nước… và điều này không thể thực hiện được với các tàu cũ đang hoạt động. Tuy nhiên, điểm chéo ngoe trong văn bản này lại là việc quy định không cho phép doanh nghiệp đóng mới tàu, thuyền đề thay thế tàu cũ.
“Quy định này là cố tình bức tử các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn, đe dọa hơn 1.000 lao động sẽ mất việc làm. Đồng thời vi phạm hàng loạt các Luật như: Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Phòng cháy chữa cháy; Luật Du lịch; Luật Giao thông đường thủy nội địa; Bộ Luật Dân sự về thẩm quyền điều kiện kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, niên hạn sử dụng phương tiện thủy….”, TS. Lê Hồng Sơn chỉ rõ.
Theo cách giải thích của TS. Lê Hồng Sơn, đã không có tính thiện chí ở phía sau những quyết định được đưa ra của UBND tỉnh Quảng Ninh. Văn bản quy định như vậy rất dễ khiến dư luận cho rằng rằng, đó là các văn bản quy phạm pháp luật làm cản trở, bức tử doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ ở vịnh Hạ Long – Bái Tử Long, nhưng mấu chốt tác dụng sẽ lại là điều kiện tốt, một sự chuẩn bị sẵn sàng cho một sân chơi nhiều lợi ích của các đại gia trước môi trường đầu tư hết sức hấp tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Một ví dụ khác cũng diễn ra chính tại tỉnh Quảng Ninh được TS. Lê Hồng Sơn đưa ra, đó chính là Công văn 1747 ngày 14/5/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh về hỗ trợ tiêu thụ xi măng được sản xuất trên địa bàn tỉnh. Công văn quy định dành quyền ưu tiên cho việc tiêu thụ xi măng của các nhà máy sản xuất đóng trên địa bàn. “Điều này vô hình chung ngăn cản việc tiêu thụ sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác trong cả nước, đồng thời vi phạm nghiệm trọng Luật Cạnh tranh”, TS. Lê Hồng Sơn cho hay.
Cũng theo TS. Lê Hồng Sơn, hiện nay nhiều địa phương còn áp dụng các biện pháp “bắt ép” doanh nghiệp bằng cách không cho điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong dự toán công trình, hoặc mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định nhưng doanh nghiệp không được truy thu, buộc doanh nghiệp vào 2 khả năng: Một là phải trả lương thấp cho người lao động, hoặc phải co kéo kinh phí từ các hạng mục khác cho việc trả lương. Tuy nhiên, với cả hai khả năng này đều chứa đựng hậu quả xấu, đồng thời vi phạm nguyên tắc pháp chế.
Hướng xử lý cho thực trạng ban hành văn bản gây khó khăn cho DNNVV hiện nay, TS. Lê Hồng Sơn cho rằng, trong quá trình soạn thảo, xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo nhất thiết phải tiến hành nghiên cứu, khảo sát, hoạch định chính sách.
“Quan trọng nhất vẫn là việc lấy ý kiến của doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động trực tiếp của nội dung dự thảo. Tạo ra cơ chế đa ngành, huy động trí tuệ tập thể để chống đơn tuyến, lợi ích nhóm và lợi ích ngành đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản. Ngoài ra, cần phát huy cơ chế hậu kiểm, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các văn bản trái luật, bãi bỏ các căn bản, quy định không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội”, TS. Lê Hồng Sơn đề xuất.
Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Người ta ví các DNNVV như những con mèo còn những doanh nghiệp, tập đoàn lớn như những con voi. Một khi có biến động, con mèo nhảy nhót và có thể thích ứng rất nhanh, linh hoạt. Trong khi đó, những con voi sẽ rất khó xoay chuyển, do đó có thể gây ra những hậu quả rất lớn cho xã hội./. |
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN