Tiếng Việt | English

15/09/2022 - 13:40

Doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất

Các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Long An đang nỗ lực, từng bước chuyển đổi số (CĐS) phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường hỗ trợ, hợp tác

Việc CĐS giúp DN phá bỏ các rào cản, kết nối thông minh, đa chiều, đa chức năng. Từ đó, DN sẽ cải thiện hoạt động, các luồng công việc diễn ra mạch lạc, ít bị phụ thuộc vào nguồn nhân lực bởi hầu hết công việc và quy trình sẽ được tự động hóa. Các hoạt động của DN tận dụng tốt các yếu tố công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.

Doanh nghiệp tăng cường ứng dụng nền tảng số từng bước đưa tự động hóa vào sản xuất

Vì thế, hiện nay, tỉnh tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ cũng như kết nối các đơn vị hợp tác hỗ trợ các DN, nhất là DN vừa và nhỏ CĐS thành công. Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều là vừa và nhỏ. Mặc dù các đơn vị bước đầu tiếp cận, CĐS để phù hợp nhưng việc CĐS mới chỉ dừng ở mức cơ bản như tiếp thị, bán hàng trực tuyến, sử dụng phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, khai báo thuế, bảo hiểm trực tuyến, giao tiếp nội bộ qua các ứng dụng mạng xã hội,… rất ít DN thực hiện CĐS toàn diện trong quản trị DN. Quá trình CĐS, DN gặp phải lo ngại chi phí CĐS cao, phải thay đổi thói quen và tập quán kinh doanh cũng như thiếu nhân lực nội bộ và hạ tầng số.

Bên cạnh đó, nhiều DN không biết bắt đầu từ đâu, CĐS như thế nào cũng như không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai. Để tháo gỡ, tỉnh tổ chức một số hoạt động giới thiệu, tăng cường kết nối để các đơn vị tìm kiếm tiếng nói với nhau, hướng dẫn DN tiếp cận các dịch vụ, giải pháp sử dụng nền tảng số để CĐS thành công. Mặt khác, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 856/KH-UBND, ngày 21/3/2022 về việc thực hiện Chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ CĐS trên địa bàn tỉnh, tổ chức hội thảo giải pháp CĐS cho DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Tỉnh lựa chọn kết nối một số DN tiên phong, chuyên gia hướng dẫn, hỗ trợ DN từng bước thực hiện CĐS phù hợp với từng DN cụ thể. Về mặt quản lý nhà nước, Sở phối hợp các đơn vị liên quan tập trung hướng dẫn, thúc đẩy các DN trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, chủ động tham gia để đẩy nhanh CĐS, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh.

Thông qua sự kết nối của tỉnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn được các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn các giải pháp chuyển đổi số

Là đơn vị tiên phong, thời gian qua, Viettel hỗ trợ, giới thiệu khá nhiều chương trình, phần mềm, nền tảng số,...giúp các DN từng bước CĐS phù hợp và thành công trong xu hướng hiện nay. Đại diện Trung tâm SME Viettel - Nguyễn Hoàng Quốc Tuấn cho biết: Hiện nay, Viettel xây dựng hệ sinh thái giải pháp viễn thông-công nghệ thông tin để hỗ trợ CĐS cho DN. Viettel đẩy mạnh hạ tầng kết nối di động băng rộng 4G/5G, cố định băng rộng và hạ tầng Clouds; nền tảng số hướng dẫn quản trị DN hợp nhất (kế toán - nhân sự - văn phòng số,...), đẩy mạnh thanh toán điện tử, thương mại điện tử và quảng cáo số;...

Đơn vị đề xuất, tỉnh tăng cường tổ chức hội chợ trực tuyến để quảng bá sản phẩm dịch vụ cho hộ gia đình, DN vừa và nhỏ trên các sàn thương mại điện tử. Địa phương cần đẩy mạnh chương trình hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ mới thành lập CĐS, đặc biệt trong năm đầu tiên; hiệp hội DN tăng cường tổ chức một số hoạt động để các nhà cung cấp giải pháp CĐS chia sẻ, hướng dẫn các DN ứng dụng các giải pháp.

Theo đại diện Công ty (Cty) Cổ phần Misa - Huỳnh Văn Thành, Cty hiện cung cấp nhiều nền tảng để hỗ trợ DN CĐS: Nền tảng quản lý toàn diện các mảng nghiệp vụ trong DN và tạo sự liên kết chặt chẽ, nền tảng quản trị tài chính - kế toán, hóa đơn điện tử, quản trị nhân sự,... Với nền tảng của chúng tôi, các ứng dụng được tách nhỏ phù hợp với nhu cầu của DN. Các ứng dụng được kết nối chặt chẽ giúp các bộ phận trong DN giảm sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực. DN được thừa hưởng các quy trình, tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, dễ dàng nhanh chóng cập nhật, chi phí đầu tư phù hợp đối với thực tế hoạt động của DN,...

Chuyển đổi phù hợp

Hiện nay, CĐS là một xu thế tất yếu của các DN trong bối cảnh nền kinh tế thị trường có nhiều thay đổi, nhất là thời hậu Covid-19. Xu hướng CĐS đang ảnh hưởng và lan rộng đến rất nhiều ngành nghề, hướng đến mục đích giúp DN gia tăng giá trị, đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao hơn. Mặt khác, CĐS là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KT - XH có hiệu quả của mỗi địa phương, quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số để thích ứng với tình hình mới và tận dụng những cơ hội do CĐS mang lại.

Để kịp thời nắm bắt thời cơ cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện hiện tại, một số DN trên địa bàn tỉnh từng bước triển khai, thực hiện và xem CĐS là một trong những giải pháp để DN đổi mới, phát triển nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu đang thay đổi của khách hàng, gia tăng hiệu quả hoạt động cũng như tiết kiệm chi phí,...

Công ty TNHH Chutex International từng bước chuyển đổi số trong quá trình hoạt động

Hoạt động trên địa bàn huyện Đức Hòa, Cty TNHH Chutex International bắt đầu thực hiện CĐS để phục vụ tình hình sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới. Giám đốc Cty TNHH Chutex International - Erng Sow Ngoh cho biết: Cty chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu nên việc CĐS trong hoạt động kinh doanh là một yêu cầu cấp bách. Việc kết nối với khách hàng ở nước ngoài trên nền tảng số hết sức quan trọng. Ở đó, chúng tôi có thể giới thiệu, quảng bá hình ảnh, gắn kết khách hàng các nước cũng như nhận các hợp đồng, gửi mẫu mã sản phẩm cho khách hàng tham khảo,... Đồng thời, tại Cty, chúng tôi từng bước ứng dụng các nền tảng số vào hoạt động từ khâu quản trị nhân sự, các thiết bị tự động hóa, đến hoàn thành sản phẩm,... Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đại diện Cty Cổ phần thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) - Hồ Triết Hưng cho rằng: DN phải thay đổi, thích ứng, chủ động CĐS trong giai đoạn hiện nay mới có thể sản xuất, kinh doanh an toàn, ổn định và hiệu quả. Cty nghiên cứu, chuyển đổi mô hình sản xuất, từng bước ứng dụng các thành tựu của khoa học-công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Cty tăng cường tham gia, quảng bá sản phẩm trên các kênh, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, ưu tiên sử dụng các thiết bị hiện đại và tự động hóa để hạn chế phụ thuộc vào nhân sự. DN cần các cơ quan nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn phương pháp chuyển đổi và xây dựng mục tiêu, kế hoạch cụ thể để CĐS phát huy được hiệu quả đề ra.

Chủ cơ sở Gỗ mỹ nghệ và trang trí nội thất Hoàng Oanh Long An (huyện Cần Giuộc) - Nguyễn Hoàng Khen cho hay: Cơ sở áp dụng những công nghệ tiên tiến mới như trang bị máy móc kết nối mạng, phần mềm để tạo ra các sản phẩm tinh xảo, chính xác, đem lại hiệu quả cao, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của khách hàng, phù hợp với thị trường. Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhất là vốn để chúng tôi có thể tiếp cận, CĐS thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần vào phát triển KT - XH địa phương./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết