Độc đáo chợ phiên đồ xưa, cũ giữa lòng thành phố
Không ồn ào và hối hả như các phiên chợ khác, phiên chợ đồ xưa, cũ nằm lặng lẽ trong không gian hoài niệm của Điểm dừng chân Hương Vàm Cỏ (phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An). Đây là nơi để những người có chung niềm đam mê sưu tầm đồ xưa, cũ gặp gỡ, trao đổi và mua bán những món đồ độc đáo.
Cứ vào lúc 7 giờ ngày thứ ba, thứ năm và chủ nhật hàng tuần, những người đam mê đồ xưa, cũ mang theo hàng chục món đồ đến phiên chợ
Cứ vào lúc 7 giờ ngày thứ ba, thứ năm và chủ nhật hàng tuần, những người đam mê đồ xưa, cũ mang theo hàng chục món đồ đến phiên chợ. Nói là "chợ" nhưng thực chất là diễn ra trong khuôn viên của Điểm dừng chân Hương Vàm Cỏ và hoạt động theo giờ cố định từ 7-12 giờ. Sau khi bày biện, sắp xếp trên các gian hàng, mọi người lại cùng nhau xem, thẩm định giá trị và lựa chọn cho mình những món đồ ưng ý.
Ông Bùi Tâm Thiện (phường 4, TP.Tân An) chia sẻ: “Phiên chợ được mở không chỉ bán hàng mà hơn hết là tạo ra không gian để những người đam mê sưu tập đồ xưa đến đây để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoặc đơn giản là cho nhau xem những món đồ “độc” mới sưu tập được. Ban đầu chỉ là nơi tụ họp anh em, bạn bè thân quen có chung sở thích mê đồ cổ, đồ xưa. Gần đây, các "tín đồ" giới thiệu với nhau nên ngày càng đông người tham gia”.
Ấn tượng với chúng tôi nhất là ông Tống Đơn Phiêu (phường 3, TP.Tân An) trong bộ đồ bà ba, chạy xe máy cổ chở theo thùng đồ đến tham gia phiên chợ. Ông Phiêu có niềm đam mê mãnh liệt với đồ xưa, cũ tại TP.Tân An. Mục đích chính ông tham gia phiên chợ để giao lưu kết bạn, trau dồi kiến thức, học hỏi lẫn nhau chứ không phải vì lợi ích kinh tế. Theo chia sẻ của ông Phiêu, đồ xưa có tuổi đời trước năm 1975, còn đồ cũ thì cách nay khoảng 30 năm, trong vòng 10 năm trở lại đây thì là đồ mới.
Phiên chợ đồ xưa, cũ là nơi để những người có chung niềm đam mê gặp gỡ, trao đổi và mua bán những món đồ độc đáo
Khi đến với phiên chợ này, những người đam mê đồ xưa, cũ có thể tìm thấy nhiều món đồ có thời gian từ vài chục năm cho đến hàng trăm năm như chén, dĩa, tô bằng sành, sứ, bình hoa, đèn dầu, điện thoại để bàn, bàn ủi con gà,... Nhiều dụng cụ làm nông như cày, cuốc, máy quạt lúa,... cũng được trưng bày tại đây. Điều đặc biệt, tại phiên chợ còn có những kỷ vật chiến tranh như bộ đàm thoại chuyên dùng của bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, chiếc bi đông đựng nước, hộp đựng cơm, vật dụng nhà bếp,... Theo những người sưu tầm, phải mất rất nhiều công sức để tìm kiếm, sưu tập được những món đồ quý.
Không chỉ có những người lớn tuổi đam mê đến với phiên chợ đồ xưa, cũ mà nhiều người trẻ cũng đến tham quan các gian hàng với mong muốn tìm hiểu những món đồ gắn bó với một thời kỳ lịch sử của dân tộc, của ông bà ngày xưa sử dụng. Anh Nguyễn Huỳnh Tony (phường 4, TP.Tân An) bày tỏ: “Tôi thường xuyên tham gia phiên chợ đồ xưa, cũ để chiêm ngưỡng những món đồ cổ. Ngoài ra, tôi còn được học hỏi kinh nghiệm để xác định đâu là đồ cổ, đồ xưa và đồ cũ từ những chú, bác đi trước truyền lại và sưu tầm được nhiều món mà trước giờ chưa từng thấy”.
Cuộc sống hiện đại, nhịp sống ngày càng hối hả, những món đồ xưa cũ dường như đang dần bị lãng quên. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những người có niềm đam mê sưu tầm các món đồ đã nhuốm màu thời gian. Và, phiên chợ đồ xưa, cũ với “hồn muôn năm cũ” trở thành nơi lưu giữ những giá trị nhân văn của cuộc sống, lịch sử, văn hóa./.
Huỳnh Hương
- Công trình xử lý khẩn cấp sạt lở ở xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa hoàn thành đưa vào sử dụng (22/12)
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên trên Biển Đông, hướng thẳng Nam bộ, Tây nguyên (22/12)
- Thời tiết hôm nay 22/12: Bắc Bộ rét, Nam Bộ sáng lạnh (22/12)
- Hơn 106 tỉ đồng trợ cấp tết cho các đối tượng (21/12)
- Trao quà cho người dân biên giới (21/12)
- Nghề từ lũy tre làng (21/12)
- Tất bật chuẩn bị chăm lo tết cho đoàn viên, người lao động (21/12)
- Biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới, hướng vào vùng biển Nam bộ (21/12)