Phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu lớn nhất là phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại. Ngoài ra, HS còn được phát triển hài hòa đức, trí, thể, mỹ; thực hành cũng như vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống. Đối với mỗi cấp học, Chương trình GDPT 2018 có những mục tiêu riêng. Trong đó, cấp tiểu học giúp HS hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn, lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản; cấp trung học thì giúp HS làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng, phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội.
Giáo viên luôn lấy học sinh làm trung tâm trong xuyên suốt tiết dạy
Chương trình GDPT 2018 được thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2, lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo đúng lộ trình đề ra. Trước khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở từng khối lớp, 100% cán bộ quản lý, giáo viên (GV) trên địa bàn tỉnh được tập huấn, triển khai các chương trình dạy học độc lập và sử dụng sách giáo khoa mới. Nhờ vậy, các trường thuận lợi trong việc tổ chức, thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là thay đổi phương pháp dạy học.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dinh (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) linh hoạt phương pháp, kỹ thuật dạy học, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. Đồng thời, trường tiếp tục phát huy thế mạnh từ phương pháp bàn tay nặn bột, sơ đồ tư duy,... lấy HS làm trung tâm, giúp các em khắc sâu kiến thức. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dinh - Trần Thị Thúy Oanh, nhờ thay đổi phương pháp dạy học trong Chương GDPT 2018, vai trò của người học được nâng lên, giúp HS năng động, tự tin hơn.
Hoạt động thực hành được chú trọng hơn trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) - Lê Thị Mai Hoằng chia sẻ: “Thực hiện Chương trình GDPT 2018, hoạt động dạy và học đa dạng, sinh động hơn. Nhiều môn học có tích hợp trải nghiệm giúp HS sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra. Nhờ những thay đổi trong phương pháp dạy học, HS không chỉ năng động mà còn rèn luyện tư duy và khả năng phản biện sớm”.
Còn nhiều khó khăn
Qua nửa chặng đường đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ngành GD&ĐT tỉnh tuy đạt một số kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu GV.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) hiện có trên 3.700 HS với 89 lớp học; có 95 cán bộ, GV, nhân viên, trong đó có 77 GV chủ nhiệm. Trường đang thiếu 12 GV chủ nhiệm và các GV môn chuyên, nhất là GV Tiếng Anh, Tin học. Trước tình trạng thiếu GV trầm trọng, trường tăng giờ dạy cho GV chủ nhiệm và hợp đồng thỉnh giảng GV.
Giáo viên phát huy năng lực, sở trường của học sinh trong quá trình dạy
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Phú - Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: “Trường ưu tiên GV biên chế chủ nhiệm các lớp 1, 2, 3 - lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018. Riêng GV thỉnh giảng, trường thẩm định kỹ về chuyên môn và theo sát trong quá trình dạy học để kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở. Mặc dù hợp đồng được GV thỉnh giảng nhưng trường vẫn trong tình trạng thiếu GV. Do đó, GV chủ nhiệm của trường dạy luôn một số môn chuyên như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật,...”.
Các trường THCS và THPT cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu GV, nhất là GV các môn mới. Theo Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập (huyện Mộc Hóa) - Nguyễn Tấn Hải, trường thiếu GV dạy các môn: Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương,... bởi GV chỉ được đào tạo đơn môn và chưa có GV môn mới. Vì vậy, trường phân công GV luân phiên dạy từng phân môn và dạy môn mới.
Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa) - Đặng Văn Sáu cho biết: Hiện các trường THPT trên địa bàn chưa có GV Âm nhạc, Mỹ thuật nên chưa xếp 2 môn này vào tổ hợp môn của chương trình lớp 10 năm học 2022-2023. Đây cũng là thiệt thòi của HS. Mong rằng, tỉnh sớm có giải pháp để năm học sau HS có thể lựa chọn tổ hợp có môn học này, giúp phát huy năng khiếu, đam mê của các em.
Học sinh tự tin, năng động và được rèn luyện tư duy phản biện trong quá trình học
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có số lớp cấp tiểu học là 4.316 với 5.750 GV, thiếu 445 GV; số lớp cấp THCS là 2.496 với 4.109 GV, thiếu 472 GV; số lớp cấp THPT là 1.138 với 2.299 GV, thiếu 261 GV. Dự báo năm học 2023-2024, số lớp cấp tiểu học là 4.357, nhu cầu GV là 6.535; số lớp cấp THCS là 2.500, nhu cầu GV là 4.750; số lớp cấp THPT là 1.155, nhu cầu GV là 2.598.
Trước những khó khăn trên, Sở GD&ĐT phối hợp các cơ sở giáo dục để đào tạo, bồi dưỡng GV, rà soát, đề xuất nhu cầu đào tạo GV các môn học mới như Giáo dục nghệ thuật ở cấp THPT; GV Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học. Đồng thời, Sở phối hợp ngành liên quan rà soát, điều chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu; chủ động phối hợp, liên kết các cơ sở đào tạo GV trên địa bàn và các cơ sở khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý; bảo đảm các chế độ, chính sách cho GV, cán bộ quản lý trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới;...
Hiện ngành GD&ĐT tỉnh nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 để góp phần đào tạo ra những thế hệ HS năng động, tự tin, phát huy được phẩm chất, năng lực./.
An Nhiên