Mô hình nuôi trâu vỗ béo góp phần giúp người dân vùng biên cải thiện thu nhập
Đổi thay cuộc sống người dân vùng biên
Tân Hưng là huyện giáp ranh nước bạn Campuchia với đường biên dài hơn 15km. Trước đây, kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng hơn 50% diện tích đất không thể sản xuất, bị hoang hóa do nhiễm phèn; giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy; đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, nông nghiệp, nông thôn huyện Tân Hưng có bước phát triển vượt bậc. Sản xuất nông nghiệp từ nhỏ, lẻ, manh mún, hiệu quả thấp đến nay đã trở thành huyện trọng điểm về an ninh lương thực của tỉnh.
Bí thư Huyện ủy Tân Hưng - Nguyễn Thanh Tiệp cho biết: Để thực hiện Nghị quyết số 26 hiệu quả, huyện thực hiện quy hoạch về nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Huyện tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa vào sản xuất các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao gắn với đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Huyện từng bước đổi mới phương thức sản xuất với mô hình “Cánh đồng lớn” theo hướng sản xuất liên kết “4 nhà” và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa; đồng thời, quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Hiện tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp của Tân Hưng tăng bình quân hàng năm trên 4,5%, diện tích gieo sạ trên 76.000ha, với tổng sản lượng đạt trên 450.000 tấn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hệ thống lưới điện của huyện được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới phục vụ nhu cầu sử dụng điện của người dân khu vực nông thôn (đạt 99,8%). Hệ thống trường, lớp được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, có 58,8% số trường đạt chuẩn quốc gia bảo đảm phục vụ nâng cao chất lượng dạy và học. Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục được chú trọng, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,85%; trong đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt 85,02%; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 90,96%.
Chứng kiến biết bao đổi thay trên vùng đất bưng biền, nghèo khó ngày nào, ông Nguyễn Thành Hưng, ngụ xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, không giấu được niềm vui và mong cấp ủy, chính quyền, người dân tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt, chung sức, đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp hơn.
Còn đối với huyện Thạnh Hóa, Nghị quyết số 26 đã mang lại thu nhập cho người dân ngày càng cao hơn. Nếu như bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2010 của huyện là 13,2 triệu đồng thì đến cuối năm 2021 đạt 50 triệu đồng/người/năm. Hiện hệ thống đê bao lửng khép kín gắn với hệ thống trạm bơm điện giúp người dân chủ động tưới, tiêu và sản xuất được 35 khu với diện tích 4.180ha. 100% hệ thống giao thông đường bộ đến trung tâm các xã bảo đảm đi lại thông suốt trong mùa mưa, lũ; 100% xã có giao thông đường bộ liên ấp (đạt 100% chỉ tiêu); tỷ lệ nông dân được qua đào tạo nghề đạt 70,01%; 100% trạm y tế xã có bác sĩ, 100% xã có mạng lưới y tế ấp, chất lượng khám và chữa bệnh được nâng cao; hộ nghèo chỉ còn 1,35%.
Bí thư Huyện ủy Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Thu Trinh cho rằng, một trong những kinh nghiệm quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 26 đạt hiệu quả là người đứng đầu các cấp, các ngành phải thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu. Công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp phải kiên quyết, xây dựng các chương trình, kế hoạch phải sáng tạo, mang tính đột phá nhưng phải phù hợp với tình hình phát triển của địa phương và khu vực; phải công khai, dân chủ để người dân thực sự là chủ thể chính trong quá trình thực hiện,...
Nhiều giải pháp cho giai đoạn mới
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, đến nay, tỉnh cơ bản hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa nông sản tập trung theo từng vùng sinh thái; trong đó, vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao gồm các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười với diện tích tự nhiên khoảng 198.000ha; vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái với diện tích 103.000ha; vùng nông nghiệp ven đô có diện tích 40.000ha; vùng thủy sản nước lợ, trồng rau an toàn, lúa đặc sản - nuôi bò sữa, trâu, bò, heo với diện tích 106.000ha;... đã phát huy lợi thế cho từng loại nông sản.
Ngoài ra, các chủ trương, chính sách, dự án giảm nghèo được tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện theo hướng bền vững và xã hội hóa, tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 10,5% năm 2008 xuống còn 1,31% năm 2021 (theo chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải cho biết, tiếp sau Nghị quyết số 26, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vì vậy, tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp để thực hiện đạt kết quả các mục tiêu nghị quyết đề ra.
Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại; ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật; sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; đầu tư xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng phù hợp với phát triển KT-XH trong tình hình mới; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội giàu bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân,...
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới: Đẩy mạnh Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo lộ trình, kế hoạch đề ra; tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, trong đó chú trọng các công trình nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ ở nông thôn. Tỉnh chú trọng vận động và hỗ trợ người dân tham gia xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu nhằm đem lại sự chuyển biến tích cực ngay từng hộ gia đình, từng cộng đồng dân cư nông thôn.
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững với các giải pháp thiết thực, đồng bộ cả về giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tiếp cận thị trường và triển khai kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội, góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội. Phát triển mạnh kinh tế nông hộ theo hướng sản xuất tập trung chuyên môn hóa với quy mô trang trại, gia trại. Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò định hướng cho nông dân và hợp tác xã về quy mô, chất lượng, quy cách sản xuất nông sản; đồng thời, hợp tác xã là đầu mối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp./.
Tỉnh xác định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng và đảng viên trong thực hiện chủ trương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì thế, tỉnh sẽ tăng cường hoạt động các tổ chức đảng ở nông thôn và kiện toàn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh không ngừng mở rộng dân chủ, thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; các phong trào phải thiết thực, mang lại lợi ích cho nhân dân”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải
|
Khương Minh