Tiếng Việt | English

30/07/2023 - 08:16

Đồng bằng sông Cửu Long "nơm nớp" lo sạt lở 

Hiện nay khu vực ĐBSCL đã và đang xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông khá phức tạp và nghiêm trọng. Những vụ sạt lở đã gây thiệt hại nặng nề đến tài sản và đe dọa đến tính mạng của người dân. Khác với những năm trước, tình trạng sạt lở năm nay diễn ra sớm hơn và mức độ thiệt hại nặng nề hơn.

Tỉnh Cà Mau đang chịu tác động nặng nề của sạt lở cả bờ sông và bờ biển. Tổng chiều dài các đoạn bờ biển bị sạt lở khoảng 188/254 km. Trong giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha. Qua khảo sát, hiện tổng chiều dài các đoạn bờ sông, kênh rạch bị sạt lở và có nguy cơ của Cà Mau là khoảng 365 km/8.000 km. Riêng đối với sạt lở bờ sông trong hơn 10 năm qua đã làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và 237 căn nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân, tổng thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỷ đồng. 

Ông Phạm Văn Quân, ở ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, một trong những hộ dân ở ngay cạnh vị trí sạt lở lo lắng: "Trước chỗ đó cũng làm kè bê tông cốt thép kiên cố lắm nhưng chịu không nổi. Khoảng hơn 2h sáng chuyển xào xào, rắc rắc, rồi tuột từ từ xuống vậy đó. Bất an mấy đêm nay tôi có ngủ được đâu, sợ nó sạt tới hoài, giờ nứt vô tới trong này nữa rồi. Bởi sâu quá, nếu nó cạn cũng không đến nỗi, tôi di dời đồ đạc từ từ lên. Nếu cứ để vầy thì mà không khắc phục thì sẽ lở tiếp tục".

Từ đầu năm đến nay, riêng huyện Đầm Dơi đã xảy ra 140 vụ sạt lở đất, làm thiệt hại 26 nhà dân, hư hỏng hoàn toàn 265m kè bê tông, 2,3 km lộ đan, mất khoảng 4.100 m2 đất;… ước tổng thiệt hại gần 11 tỷ đồng. Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 114 km bờ sông sạt lở đặc biệt nguy hiểm.


Sạt lở lớn trên sông Rạch Mọp (huyện Long Phú, Sóc Trăng)

Tương tự ở Cà Mau, tình trạng sạt lở bờ sông ở tỉnh Sóc Trăng cũng diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng cả về số vụ lẫn tính chất sạt lở. Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, sạt lở nóng nhất đang xảy ra ở các huyện Long Phú và Kế Sách.  Ông Phan Hoài Điệu, người dân sinh sống ở dọc sông Rạch Mọp, xã Song Phụng, huyện Long Phú, khu vực có đoạn vừa sạt lở nghiêm trọng vào tháng 6 vừa rồi cho biết: "Mấy ghe sà lan lớn đi cận mé mình quá rồi nó bị xói mòn rồi nó bị sụp. Nói chung chỗ này bị sạt lở lần này nữa là 4 lần rồi, chứ sông này hồi đó nhỏ xíu à. Cái nhà lớn của bà nội tôi ngày xưa là tuốt ngoài đó, ngoài dòng chảy đó đó, bây giờ nó vô tới gần 40m rồi, nó cứ sụp hoài vậy đó".

Tại tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 87 vụ sạt lở, (tăng 57 vụ so cùng kỳ năm ngoái) làm mất 2.806m bờ sông cùng với các công trình, cây trồng ven sông, ảnh hưởng đến hơn 100 hộ dân,  ước thiệt hại 7,8 tỷ đồng (tăng 4,7 tỷ đồng so cùng kỳ năm ngoái).


Sạt lở tại Sóc Trăng gây thiệt hại nhiều căn nhà

Vụ sạt lở gần đây nhất xảy ra ngày 6/7, tại ấp An Hội, xã Tân An Hội, huyện Măng Thít làm lở đê bao có chiều dài 16m, rộng 8m. Địa điểm sạt lở thuộc dự án công trình đê bao sông Măng. Sạt lở gây thiệt hại đường đan dài 16m, ăn sâu vào đất liền 3,5m.

Mới đây tại xã Lộc Hòa, huyện  Long Hồ, trong lúc địa phương đang tiến hành gia cố bờ bao đã bị sạt lở trước đây ở ấp Phước Hiệp, thì mới đây tại vị trí này lại tiếp tục sạt lở với chiều dài gần 80 mét làm ảnh hưởng đến khoảng 30 hộ dân đang sinh sống. Sau khi sự cố sạt lở xảy ra lãnh đạo các sở ngành và các địa phương đã đến hiện trường thăm hỏi tặng quà động viên các hộ gia đình có nhà cửa bị ảnh hưởng.


Sạt lở sông Giao Hòa, huyện Châu Thành, Bến Tre

Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm: "Sở Nông nghiệp khảo sát thăm dò, trình UBND tỉnh phương án hướng xử lý. Địa phương hỗ trợ cho dân đồng thời khảo sát đánh giá toàn bộ công trình để có hướng xử lý. Giao địa phương tiếp tục theo dõi và nhắc nhở bà con cố gắng hạn chế thiệt hại cả về tính mạng và tài sản".

Vào những ngày đầu mùa mưa này trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã liên xảy ra nhiều điểm sạt lở ven sông. Chỉ tại địa bàn sông Phú Phong, thuộc xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vừa xảy ra 2 điểm sạt lở lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và nhà ở của người dân. 


Sạt lở ven sông Phú Phong, huyện Châu Thành, Tiền Giang.

Chị Nguyễn Thị Hoa hộ dân ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong có căn nhà có nguy cơ sụp xuống dòng nước lo ngại: “ Lâu rồi nó sạt lở dữ lắm, thấy thời gian này nước chảy nhiều, nước lớn sóng đẩy vô đất rớt xuống. Nó nứt vô tới sân nhà luôn rồi, nước chảy tông vô, khi nước thấp thì từ cầu chảy vòng vô đây. Mình sợ ảnh hưởng lắm, sợ tiếp tục sụp lún bên kia và vô xung quanh đây nữa”.

 Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 66 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 11,7 km, cần nguồn kinh phí khắc phục khoảng 133,5 tỷ đồng.


Sạt lở sông Ba Rài huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Còn mới đây, tại bờ sông Giao Hòa, thuộc Tổ nhân dân tự quản số 1, ấp Hòa Hưng Thạnh, xã Giao Long (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cũng đã liên tiếp xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Hơn 35 mét đường ven bờ sông này bị sụp hoàn toàn xuống sông với chiều rộng hơn 6 mét. 

Ông Thái Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Long chia sẻ:  “Ngay khu đó cái đường giao thông đâu còn đi được, bị đứt luôn rồi, mình rào lại rồi.  Dân đi ở phía trên có con đường vòng đi hơi xa một chút. Khả năng nếu có mưa to hay nước ngập thì sẽ bị sạt lở nữa. Địa phương đã kiến nghị về huyện, huyện kiến nghị về trên, rất mong dự án xây âu thuyền An Hóa sớm khởi công để cho bà con được an toàn”.


Đầu năm đến nay, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau chịu thiệt hại nặng nề, ước gây thiệt hại gần 11 tỷ đồng

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có trên 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 140km. Trong đó có nhiều điểm “nóng” về sạt lở như: ven bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam), sông Bến Tre (TP. Bến Tre), sông Giao Hòa (huyện Châu Thành); sạt lở cồn Phú Đa, (huyện Chợ Lách); cồn Thành Long (huyện Mỏ Cày Nam).


Tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 200 vụ sạt lở bờ sông, hầu hết đều gây thiệt hại về hạ tầng giao thông

ĐBSCL là vùng đất yếu có sông ngòi chằng chịt, lượng phương tiện giao thông thủy đi lại nhiều cùng với tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra khó lường; việc khai thác cát lậu không đúng nơi quy định là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở hiện nay. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có hàng trăm điểm sạt lở và được dự báo là chưa có dấu hiệu dừng lại./.

Thạch Hồng, Trần Hiếu, Chanh Tuy, Chu Trinh/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết