Tiếng Việt | English

26/11/2021 - 09:55

Động cơ khiến Nga - Trung tiến tới hợp tác quân sự “chưa từng có”

Sự sâu sắc trong mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện nay được đánh giá là chưa từng có tiền lệ, trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước này và phương Tây leo thang nghiêm trọng.

Tiến triển chưa từng có trong hợp tác quân sự Nga - Trung

Một vài tuần sau khi các tàu chiến di chuyển quanh đảo chính của Nhật Bản, các máy bay ném bom của quân đội Nga và Trung Quốc đã di chuyển vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Nhật Bản và Hàn Quốc, buộc Seoul phải điều động tiêm kích để phản ứng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Ngày 23/11, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đã gặp báo giới để thể hiện "mối lo ngại sâu sắc" về các cuộc tuần tra chung diễn ra vào tuần trước, đồng thời cho biết các động thái của Moscow và Bắc Kinh rõ ràng cho thấy "tình hình an ninh khu vực quanh Nhật Bản đang diễn biến nghiêm trọng".

Trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đưa ra bình luận này, những người đồng cấp Nga và Trung Quốc đang tổ chức một hội nghị trực tuyến, nơi họ tán dương những cuộc tập trận trên không và trên biển là "những sự kiện lớn" và đặt bút ký một hiệp định mới nhằm làm sâu sắc quan hệ quốc phòng giữa 2 nước.

Ngày 23/11, Nga và Trung Quốc đã ký kết một "lộ trình" nhằm thúc đẩy mối quan hệ quân sự. Đây là một diễn biến mới quan trọng và có thể tạo nên sự dịch chuyển to lớn trong phần còn lại của thế kỷ này. AP đưa tin, các Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Trung Quốc đã "thể hiện sự quan tâm chung đến việc tăng cường các cuộc tập trận quân sự và các cuộc tuần tra chung của 2 nước".

Thỏa thuận được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng hòa ký kết đã đánh dấu sự phát triển chưa từng có trong sự hợp tác quân sự giữa hai nước.

"Đây là mối quan hệ tốt nhất, thân thiết nhất và mạnh mẽ nhất của hai quốc gia kể từ giữa những năm 1950", Nigel Gould-Davies, học giả cấp cao chuyên nghiên cứu về Nga và khu vực Á - Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tến (IISS) cho hay.

Điều gì khiến Nga – Trung ngày càng xích lại gần nhau?

Nga và Trung Quốc không chỉ xích lại gần nhau về quốc phòng mà còn cả trên mặt trận ngoại giao và kinh tế.

Về chính sách đối ngoại, Nga và Trung Quốc có cùng hướng tiếp cận trong vấn đề Iran, Syria và Venezuela. Gần đây, hai nước này đã hối thúc Liên Hợp Quốc dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp khi hai nhà lãnh đạo này đã gặp nhau hơn 30 lần kể từ năm 2013. Ông Tập Cận Bình thậm chí còn gọi Tổng thống Putin là "người bạn tốt nhất".

Với Trung Quốc, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và là nguồn nhập khẩu dầu khí lớn thứ hai của nước này. Với Nga, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và là một nhà đầu tư quan trọng đối với các dự án năng lượng, trong đó có dự án  nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng Yamal ở Vòng Bắc Cực và đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) - dự án khí đốt lớn nhất trong lịch sử nước Nga trị giá 55 tỷ USD.

Nhà quan sát Gould-Davies nhận định, động lực chính đằng sau những động thái xích lại gần nhau của Nga và Trung Quốc là sự bất đồng với phương Tây.

Hôm 23/11, Trung Quốc cáo buộc Mỹ "gây ra những rủi ro cho sự an toàn và hủy hoại sự ổn định khu vực" sau khi tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Milius của Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan. Dù vậy, Hạm đội 7 của Mỹ đã gọi việc đi qua này là nhằm thể hiện "cam kết của Mỹ với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Trong khi đó, căng thẳng giữa Nga và Mỹ cũng leo thang sau khi các quan chức tình báo Mỹ cảnh báo các đồng minh châu Âu rằng Nga đã triển khai khoảng 100.000 binh lính và đạn pháo tới biên giới với Ukrraine, đồng thời đang cân nhắc các biện pháp quân sự với Ukraine. Phía Moscow đã bác bỏ cáo buộc này và gọi đó là một tuyên bố gây kích động.

Mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Trung Quốc hiện nay thực sự khiến phương Tây lo ngại. Các bản đánh giá của tình báo Mỹ đều đưa Trung Quốc, Nga và sự hợp tác giữa 2 nước này là những mối đe dọa lớn nhất với Mỹ và NATO.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Financial Times, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định, ông không coi Nga và Trung Quốc là 2 mối đe dọa tách rời nhau.

"Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với nhau. Có nhiều sự phân biệt rạch ròi giữa Nga và Trung Quốc, hoặc châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu nhưng đây là một môi trường an ninh lớn và chúng ta phải giải quyết các vấn đề cùng nhau", ông Stoltenberg cho hay.

Nhà quan sát Alexander Gabuev thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow thì cho rằng, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc còn "chịu ảnh hưởng bởi những nhân tố cơ bản khác, bên cạnh mối quan hệ với phương Tây". Theo chuyên gia này, với việc 2 nước chia sẻ đường biên giới kéo dài 4.300 km, cũng như từng xảy ra xung đột biên giới năm 1969, Nga và Trung Quốc hiểu tình hình sẽ trở nên nguy hiểm và cả hai sẽ phải trả giá đắt như thế nào nếu trở thành kẻ thù của nhau./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết