Trụ sở Quốc hội Mỹ. (Nguồn: AP)
Với các lý do không mới, như can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và các hành động của Moskva tại Ukraine và Syria; phát triển chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật tăng cường trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên.
Bước đi này được đánh giá là làm trầm trọng thêm các mối quan hệ song phương của Mỹ với các nước liên quan, đồng thời tác động trên diện rộng tới các vấn đề nóng khác của thế giới hiện nay và được coi là những hệ lụy của những rạn nứt trong nội bộ chính giới Mỹ.
Trước tiên là những tác động đối với quan hệ của Mỹ với các nước bị trừng phạt. Chắc chắn lệnh trừng phạt khi có hiệu lực sẽ tiếp tục là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm cải thiện quan hệ vốn giá lạnh với Điện Kremlin dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.
Sự kiện hứa hẹn kéo theo những đáp trả từ phía Nga khiến tình hình thêm căng thẳng. Giới chức Nga đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này là một hành động "rất không thân thiện" và là "tin buồn" đối với quan hệ giữa hai nước.
Các dự báo diễn biến tình hình cũng không khả quan hơn với Iran và Triều Tiên. Trong một phản ứng mới nhất, Iran tuyên bố dự luật là "một biện pháp thù địch" chống lại nước này, đi ngược lại những nghĩa vụ mà Mỹ phải thực hiện được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đồng thời khẳng định Tehran sẽ có biện pháp đáp trả.
Trong khi đó, dự luật trừng phạt của Mỹ cũng gây tổn hại tới Triều Tiên, quốc gia vẫn luôn coi các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa là một công cụ đắc lực nhằm kiềm chế cái mà Bình Nhưỡng gọi là chính sách thù địch của Mỹ.
Điều này cũng được hiểu dự luật có thể trở thành chất xúc tác để Triều Tiên trở nên mạnh mẽ hơn trong các dự định của mình, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng trong thời gian vừa qua liên tiếp thực hiện nhiều vụ thử tên lửa.
Trong động thái được xem là phản ứng sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt mới, Triều Tiên ngày 26/7 tuyên bố sẽ thực hiện đòn tấn công phủ đầu bằng hạt nhân vào Mỹ trong trường hợp Washington có những tính toán sai lầm.
Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua một hậu quả xấu của dự luật này đối với quan hệ ngoại giao của Mỹ với các đồng minh châu Âu. Từ bên kia bờ Đại Tây Dương, các nước châu Âu như Đức, Pháp đã lên tiếng chỉ trích bước đi của các nghị sĩ Đồi Capitol, cho rằng dự luật thực chất nhằm mục đích sâu xa là hướng tới chiếm lĩnh thị trường năng lượng châu Âu, nhất là khí đốt.
Cụ thể, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đang đe dọa việc cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu qua dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” và do đó, đồng nghĩa với việc đe dọa an ninh năng lượng của châu lục này.
Ngoài ra, châu Âu đánh giá lệnh trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng đến nhiều công ty châu Âu có các giao kết hợp pháp với các doanh nghiệp Nga trong các lĩnh vực như giao thông đường sắt, vận tải biển, tài chính hoặc khai thác khoáng sản.
Rõ ràng, từ góc nhìn của châu Âu, với quyết định trừng phạt, Washington theo đuổi không chỉ các mục tiêu chính trị mà cả các mục tiêu kinh tế, cụ thể là Nhà Trắng đang vận động hành lang cho các lợi ích của các công ty Mỹ, đặc biệt là các công ty năng lượng ở Lục địa Già.
Vì vậy, không loại trừ khả năng dự luật trừng phạt mới chống Nga sẽ làm bùng phát mâu thuẫn giữa Washington và các đồng minh trong EU.
Dường như EU đã sẵn sàng các phương án đáp trả. Các biện pháp mà EU có thể sẽ đưa ra bao gồm yêu cầu Tổng thống Trump đảm bảo rằng những lệnh trừng phạt mới, nếu được áp đặt, sẽ không làm ảnh hưởng tới các lợi ích của EU.
Bên cạnh đó, nếu các con đường ngoại giao không hiệu quả, EU có thể sử dụng luật pháp châu Âu để các lệnh trừng phạt của Mỹ “không được chấp nhận hoặc thực thi” trong EU.
Tiếp nữa là EU có thể chuẩn bị một số biện pháp đáp trả phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bên cạnh đó, tác động của dự luật trừng phạt cũng cần được xem xét ở diện rộng hơn. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn từ cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt tại Trung Đông, căng thẳng ngoại giao mới tại vùng Vịnh giữa các nước Arab và Qatar, thị trường dầu mỏ tiếp tục rớt giá đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu….đòi hỏi sự hợp tác đa phương, đặc biệt là của Mỹ và Nga, quyết định của Mỹ chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ trên phạm vi quốc tế.
Một tác động tiêu cực của văn kiện này phải tính tới, đó là nó làm sâu sắc hơn sự rạn nứt trong nội bộ chính giới Mỹ giữa một bên là Tổng thống Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga với một bên là các chính trị gia bảo thủ.
Hiện Tổng thống Trump đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" và phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn.
Nếu ông Trump phủ quyết dự thảo luật trên sẽ kéo theo một làn sóng mới những lời buộc tội sự hợp tác của ông với Nga. Còn nếu ông Trump chấp thuận ký thông qua dự luật này, ông lại càng khó theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập mà vốn ông Trump đang nỗ lực duy trì quyền tự do cơ động của mình.
Mọi sự chú ý giờ đây dồn vào Tổng thống Trump với câu hỏi liệu ông có đặt bút ký vào văn kiện này hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp phủ quyết, khả năng lưỡng viện Quốc hội Mỹ đồng tâm hợp sức để bác quyền này của tổng thống là rất cao. Rõ ràng, với chuyển động này, các nghị sĩ Mỹ đang đặt thêm bài toán khó cho chính quyền mới 6 tháng tuổi của Tổng thống tỷ phú Donald Trump./.
Theo TTXVN