Tiếng Việt | English

30/07/2018 - 12:02

Đưa các anh về với đồng đội

Một khu đất nhỏ, cỏ mọc um tùm ở ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là nơi chôn cất nhiều liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sau quá trình tìm kiếm, đến nay, hơn 110 bộ hài cốt liệt sĩ (HCLS) được tìm thấy và đưa về nghĩa trang an táng.

Đội K73 quy tập hài cốt liệt sĩ  ở khu vực Gò Sói năm 2017

Đội K73 quy tập hài cốt liệt sĩ ở khu vực Gò Sói năm 2017

Gò Sói - nơi ở “tạm” của nhiều liệt sĩ 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bến Lức là một trong những chiến trường ác liệt. Trên mảnh đất này, nhiều chiến sĩ của ta đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc khi tuổi đời còn rất trẻ. Máu của họ tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của con người vùng đất này cả trong thời chiến lẫn thời bình. Ngày đó, Gò Sói, ấp 6, xã Bình Đức, là nơi chôn cất nhiều liệt sĩ. Đó là gò đất cao, hoang vu, khoảng 0,5ha, cây cỏ mọc um tùm. “Nghe chính quyền và những người lớn tuổi ở địa phương cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều liệt sĩ được đưa về đây an táng nên thỉnh thoảng tôi ghé vào thắp nhang. Gần đây, hay tin HCLS ở khu vực này được ngành chức năng tìm thấy, đưa về nghĩa trang huyện an táng, người dân trong vùng ai cũng vui. Vậy là các anh được về bên đồng đội, có người nhang khói!” - ông Nguyễn Văn Hoàng, người dân ở xã Bình Đức, bày tỏ.

Khu vực Gò Sói hoang vu, cây cỏ mọc um tùm là nơi an nghỉ của nhiều liệt sĩ trong nhiều năm qua

Khu vực Gò Sói hoang vu, cây cỏ mọc um tùm là nơi an nghỉ của nhiều liệt sĩ trong nhiều năm qua

Ông Nguyễn Văn Nghiệm, ngụ ấp 6, xã Bình Đức, là người biết rất rõ về câu chuyện an táng HCLS ở khu vực Gò Sói bởi ông từng là bộ đội địa phương, chiến đấu ở địa bàn Bến Lức từ năm 1959 đến 1969. Ông còn là người trực tiếp chôn cất nhiều liệt sĩ ở đây. Theo ông Nghiệm, từ năm 1959 đến 1975, có ít nhất 135 liệt sĩ được đưa đến Gò Sói chôn cất, trong đó, nhiều nhất là vào năm 1963 với 64 người. Liệt sĩ đưa về đây an táng hầu như không biết tên, địa chỉ cụ thể. Trở về sau cuộc chiến, ông Nghiệm mang vết thương trên thân thể, được Nhà nước công nhận là thương binh 3/4. Ông về địa phương (ấp 6, xã Bình Đức) sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp.

Đi tìm đồng đội

Khu vực Gò Sói khá hẻo lánh, cây, cỏ mọc um tùm. Trải qua thời gian, những ngôi mộ đất của liệt sĩ bị san bằng vì mưa gió. Từ ngày đất nước hòa bình, ngành chức năng đến khu vực này tìm kiếm HCLS đưa về quê hoặc nghĩa trang an táng. “Năm 2016, ngành chức năng quy tập được 75 bộ HCLS ở khu vực Gò Sói. Biết còn rất nhiều đồng đội khác chưa được tìm thấy, tôi lại tiếp tục ra đây, cố nhớ lại những khu vực, địa điểm chôn cất các anh rồi đến gặp chính quyền, ngành chức năng cung cấp thêm thông tin về số lượng liệt sĩ để có kế hoạch tiếp tục tìm kiếm” - ông Nghiệm cho biết. Năm 2017, Đội K73, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về Gò Sói tiếp tục tìm kiếm, quy tập. Từ sự chỉ dẫn của ông Nghiệm, Đội K73 quy tập được thêm 36 bộ hài cốt, đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện an táng.

Ông Nguyễn Văn Nghiệm là người từng chôn cất liệt sĩ ở khu vực Gò Sói. Ông cũng là người nhiệt tình chỉ dẫn ngành chức năng tìm kiếm, quy tập  hài cốt liệt sĩ ở khu vực này

Ông Nguyễn Văn Nghiệm là người từng chôn cất liệt sĩ ở khu vực Gò Sói. Ông cũng là người nhiệt tình chỉ dẫn ngành chức năng tìm kiếm, quy tập 
hài cốt liệt sĩ ở khu vực này

Dù tuổi cao, sức yếu, chân bị thương, đi lại khó khăn nhưng nhiều ngày, giữa cái nắng oi bức, ông Nghiệm vẫn trực tiếp chống gậy ra khu vực Gò Sói chỉ dẫn cán bộ, chiến sĩ khai quật. Theo lời kể của Trưởng ấp 6, xã Bình Đức - Nguyễn Văn Hậu, cứ mỗi khi đào lớp đất sâu, nhận định có HCLS, ông Nghiệm lại nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ cẩn thận, đào nhẹ tay kẻo làm các anh đau./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết