Các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Đồn Sen Bụt thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Trị và người dân xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị tại cột mốc biên giới 579 trên tuyến biên giới Việt-Lào. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Ngày 16/6, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra hội nghị tổng kết công tác hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào giữa tỉnh Quảng Trị của Việt Nam và 2 tỉnh Savannakhet, Salavan của Lào.
Thực hiện Kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào được Chính phủ hai nước phê duyệt, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Quảng Trị cùng với hai tỉnh Savannakhet và Salavan đã tích cực, chủ động, hợp tác chặt chẽ hoàn thành Kế hoạch tổng thể công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam-Lào đi qua địa phận 3 tỉnh.
Đường biên giới Việt Nam-Lào dài gần 2.340km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Trong đó, tỉnh Quảng Trị có chung đường biên giới chiều dài 206km với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan.
Thực hiện Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào năm 1977, trong giai đoạn 1978-1987, hai nước đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa với 199 vị trí mốc trên tổng số 214 cột mốc. Trong đó, tuyến biên giới Quảng Trị-Savannakhet có 14 vị trí mốc trên tổng số 17 cột mốc; tuyến biên giới Quảng Trị-Salavan có 11 vị trí mốc trên tổng số 13 cột mốc.
Sau gần 30 năm, hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước Việt Nam-Lào được xây dựng từ những năm 90 đã bị xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý đường biên giới giữa hai nước trong tình hình mới.
Nhằm hoàn thiện chất lượng đường biên giới, xây dựng hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, dự án "Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào" đã được hai Chính phủ phê duyệt và cho phép triển khai thực hiện từ năm 2008.
Quảng Trị và Savannakhet vinh dự được Chính phủ hai nước Việt Nam-Lào chọn là hai địa phương đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Sự kiện được đánh dấu ngày 22/7/2008 với lễ khởi công xây dựng công trình mốc đôi 605 đầu tiên tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Đensavẳn.
Đến ngày 31/8/2012, cột mốc 638, cột mốc cuối cùng trên thực địa được khánh thành, hoàn thành tổng thể công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan, vượt mức kế hoạch đề ra.
Từ đầu năm 2013 đến nay, Ban Chỉ đạo cắm mốc 3 tỉnh Quảng Trị-Savannakhet-Salavan tiếp tục phối hợp chặt chẽ tiến hành khảo sát, đề xuất lên Ủy ban Biên giới quốc gia hai nước xây dựng các kè chống sạt lở, bảo vệ sự an toàn các chân đế mốc: 579, 588, 617, 636, 592, 609, 585, 586 - đây là những mốc nằm ở vị trí hiểm trở, sườn núi dốc, vực sâu có nguy cơ sạt lở cao.
Việc hoàn thành Kế hoạch thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam-Lào nói chung giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Savannakhet và Salavan nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng.
Hệ thống mốc quốc giới hiện đại, rõ ràng sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ biên giới, mở rộng hợp tác thương mại, thúc đẩy đầu tư và thúc đẩy giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, du lịch giữa các vùng biên giới hai nước, góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố an ninh quốc phòng vùng biên giới, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Với hệ thống mốc giới mới hiện đại và trường tồn, đường biên giới hai nước Việt Nam-Lào sẽ trở thành nơi gặp gỡ của tình hữu nghị, hợp tác chặt chẽ vì sự giàu mạnh của hai nước Việt Nam-Lào, xứng đáng với lòng mong đợi của nhân dân và quyết tâm của lãnh đạo hai nước./.
Trần Tĩnh/TTXVN