Tiếng Việt | English

22/06/2020 - 17:18

EVFTA sáng tạo tiền lệ hay và xây dựng thực tiễn tốt

EVFTA sáng tạo tiền lệ thương mại hay, đàm phán tốt cho EU-Việt Nam và thế giới. Một trạng thái tích cực và khẩn trương phù hợp với hiệp định mới.

Tiền lệ thương mại hay

Đó là tiền lệ của nước đang phát triển ở trình độ phát triển thấp, quy mô kinh tế nhỏ, quy mô dân số không lớn, năng lực cạnh tranh thấp và thể chế thương mại của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đàm phán kinh tế quốc tế thành công với một liên minh kinh tế - tiền tệ có trình độ phát triển cao hàng đầu thế giới, quy mô kinh tế gấp hơn 60 lần và quy mô dân số gấp gần 5 lần, năng lực cạnh tranh rất cao, thể chế thương mại kinh tế thị trường hoàn thiện.

Việt Nam nỗ lực cao nhất để kết nối chặt chẽ nhằm tăng quy mô và cường độ thương mại song phương với EU với thời hạn nhanh nhất có thể. Trong khi đó, một thành viên có vị thế kinh tế đáng kể trong EU là Anh đang đàm phán để rời khỏi khu vực này với kịch bản sớm nhất có thể kể cả trường hợp không có cam kết.


Hiệp định EVFTA có hiệu lực tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam bứt phá và hội nhập. (Ảnh minh họa)

Kể từ khi được Quốc hội thông qua đầu tháng 6/2020 và có hiệu lực đầu tháng 8/2020, thời gian chuẩn bị mọi điều kiện thực hiện Hiệp định vỏn vẹn trong 2 tháng. Đây là khoảng thời gian ngắn nhất trong lịch sử triển khai các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam so với khoảng hơn 10 hiệp định thương mại tự do khác. Đây thực sự là một tiền lệ hay, cho thấy khả năng thích nghi cao với tiền lệ mới của thương mại Việt Nam.

Một số nước lớn như: Mỹ, Trung Quốc có xu hướng tăng cường bảo hộ thương mại song phương thông qua sử dụng nhiều công cụ bảo hộ khác nhau kể cả công cụ cứng rắn, cực kỳ “khốc liệt” nhất là đánh thuế cao hàng nhập khẩu với diện rộng từ bên kia. Trong khi Việt Nam và EU lại chủ động, tích cực giảm thiểu bảo hộ, giảm thiểu rào cản và tăng cường tự do hóa theo hướng “mềm mỏng” nhất.

Thực tiễn đàm phán tốt

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đàm phán và ký kết thành công đồng thời 2 hiệp định về thương mại và đầu tư gồm EVFTA và EVIPA mặc dù trước đó cả hai bên gộp 2 hiệp định này trong cùng một văn kiện chung. EVFTA có thể có hiệu lực từ tháng 8/2020 còn EVIPA chưa có thời gian cụ thể.

Thực tiễn tốt về đàm phán kinh tế quốc tế được Việt Nam thực hiện khác với đàm phán Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo đó, sau khi nhất trí, tất cả các hiệp định có hiệu lực đồng thời. Điều này thể hiện sự sáng tạo thực tiễn tốt, bổ sung thêm vào dữ liệu thực tiễn đàm phán tốt của Việt Nam, không chỉ có giá trị với nhà đàm phán Việt Nam mà các nước quan tâm.


Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định EVFTA.

Thời gian cắt giảm gần như triệt để 99,2% số dòng thuế của bên Việt Nam kéo dài tối đa 7 năm còn EU 5 năm. Vị thế kinh tế và trình độ thương mại khác nhau đáng kể, dẫn đến thời gian và mức độ mở cửa khác nhau phản ánh cam kết khác nhau từ đàm phán. Ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) lồng ghép khéo léo với ưu đãi trong EVFTA theo hướng có lợi nhất đối với Việt Nam. Sự trùng lặp ưu đãi về mức độ và thời gian được tận dụng tối ưu thông qua đàm phán. Nguyên tắc giành sự đối xử khác biệt và đặc biệt với nước đang phát triển được Việt Nam và EU tuân thủ triệt để và vận dụng sáng tạo để “cùng thắng” trong đàm phán.

Về phía EU, thực tiễn tốt thể hiện ở đề xuất tách đàm phán thương mại chung trong giai đoạn đầu thành 2 lĩnh vực độc lập vào giai đoạn kết thúc. Theo đó, 2 hiệp định được ký kết có thời hiệu khác nhau. EVFTA có hiệu lực khi được Nghị viên EU thông qua còn EVIPA được thông qua chỉ khi tất cả 27 Nghị viện thành viên cùng nhất trí thông qua. 

Trạng thái thương mại bình thường mới

Điểm cân bằng mới quan hệ thương mại Việt Nam- EU khi hiệp định có hiệu lực tạo trạng thái thương mại bình thường mới, thương mại gia tăng đáng kể và dòng vốn đầu tư dịch chuyển quy mô lớn được cả hai bên mong đợi. Điều đó phù hợp với quy luật thương mại hàng hóa, dịch vụ và dịch chuyển vốn đầu tư quốc tế khi các loại rào cản được giảm thiểu. Lợi thế quy mô thương mại và đầu tư được tận dụng kịp thời.

Những mặt hàng có lợi thế so sánh của hai bên được phát huy như: hàng nông sản, dệt may, thủy sản của Việt Nam và máy móc, thiết bị công nghiệp, vận tải, hàng nông sản của EU. Cùng với thương mại hàng hóa, dịch vụ của hai bên sẽ thâm nhập lẫn nhau.


Với Hiệp định EVFTA, ngành thủy sản cũng sẽ có nhiều cơ hội để thâm nhập sâu vào thị trường EU.

Những lĩnh vực hấp dẫn đầu tư nước ngoài, có khả năng sinh lợi nhuận cao ở Việt Nam gắn với định hướng thu hút công nghệ cao. Công nghiệp sạch, công nghệ nguồn sẽ đón nhận làn sóng đầu tư lớn không chỉ từ EU mà từ các đối tác đầu tư khác để chọn Việt Nam làm điểm đầu tư xuất khẩu sang EU, tận dụng lớn nhất ưu đãi hiệp định cũng như các thị trường khác có quan hệ thương mại ưu đãi tương hỗ với Việt Nam. Lĩnh vực công nghiệp chế tạo và chế biến đang là lĩnh vực thu hút lớn nhất đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong đó có EU. Đầu tư nước ngoài vào công nghiệp gia tăng làm tăng cầu bất động sản công nghiệp và làm sôi động thị trường.

Cùng với biến động khu vực và thế giới như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tính thiếu an toàn của thế giới do dịch Covid-19 trong khi Việt Nam kiểm soát tốt trạng thái này. Nền kinh tế Việt Nam có độ ổn định khá cao, nhiều nguồn lực phát triển vẫn chưa được sử dụng hiệu quả như vốn đầu tư, đất đai, lao động, có nhiều dấu hiệu cho thấy, triển vọng phát triển mạnh nền kinh tế sau đại dịch.

Theo đó, tiềm lực thương mại và thu hút đầu tư của Việt Nam được cải thiện đáng kể, làm chuyển dịch cơ bản trạng thái thương mại hiện tại để đạt đến trạng thái tiếp theo.

Sẵn sàng với vận động không điểm dừng

Tiền lệ hay, thực tiễn tốt và trạng thái thương mại bình thường mới là nền tảng kinh tế - thương mại lần đầu tiên được hình thành trong thời gian ngắn. Mỗi yếu tố ảnh hưởng lan tỏa lớn nhận thức, hành động hoạch định chính sách, chiến lược doanh nghiệp và hành vi dân cư.

Để tận dụng hiệu quả các yếu tố nhất là đón nhận trạng thái thương mại bình thường mới, cần chuẩn bị sẵn sàng điều kiện, tránh bị “hụt hẫng” hoặc “choáng ngợp” với đối tượng hữu quan.

Đối với Chính phủ, việc tiếp tục thể chế hóa quy định hiệp định và đẩy mạnh truyền thông sâu rộng, quán triệt đầy đủ nội dung hiệp định đến doanh nghiệp để có đầy đủ thông tin nhằm phản ứng hiệu quả. Coi trong cải thiện môi trường kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế, giảm chi phí, hoàn thiện thể chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện và đánh giá sâu sắc quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ hiệp định để định hướng phù hợp.

Đối với doanh nghiệp, cần chủ động, tích cực xây dựng chiến lược khai thác sâu thị trường EU. Chuẩn bị nguồn hàng và lượng hàng có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn EU ổn định và lâu dài, đặc biệt, hàng có lợi thế so sánh cao. Coi trọng liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa để hình thành mạng lưới liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, thích nghi với cạnh tranh trên thị trường EU và Việt Nam, tạo lợi thế quy mô.

Cùng với đó, cần phát huy vai trò hiệp hội nghề nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khác liên quan để tăng kết nối doanh nghiệp lớn với đối tác EU cũng như đối tác khác, tận dụng mọi nguồn lực bên ngoài. Đầu tư nhiều hơn, nghiên cứu và phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin, đổi mới mô hình tổ chức theo hướng doanh nghiệp thông minh để thâm nhập sâu vào thị trường EU gắn với tạo chỗ đứng vững chắc ở Việt Nam./.  

PGS.TS.Nguyễn Thường Lạng/Đại học Kinh tế quốc dân

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết