Tiếng Việt | English

17/02/2022 - 09:03

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chi phí sản xuất tăng cao, giá nông sản giảm, tiêu thụ khó khăn,... Do đó, để giảm chi phí đầu tư, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần quan tâm ứng dụng khoa học - kỹ thuật và áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Chi phí sản xuất tăng cao do giá vật tư nông nghiệp tăng

Chi phí sản xuất tăng cao do giá vật tư nông nghiệp tăng

Chi phí sản xuất tăng

Theo tính toán của nông dân, nếu trước đây, chi phí sản xuất cho 1ha lúa chỉ từ 10-12 triệu đồng thì nay khoản đầu tư ban đầu này đã tiêu tốn từ 8-20 triệu đồng. Cùng với đó, tình trạng sâu, bệnh và hạn mặn ở cuối vụ (đối với các huyện phía Nam) luôn là một trong những nỗi ám ảnh của nông dân. Ông Đỗ Văn Hào (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Năng suất và sản lượng lúa những năm qua đạt khá tốt, vụ sau luôn cao hơn vụ trước nhưng chi phí đầu vào, nhất là các loại vật tư nông nghiệp cũng tăng qua từng vụ nên lợi nhuận không cao hơn trước bao nhiêu”.

Theo phân tích của Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - Lê Thanh Tùng, trong cơ cấu giá thành sản xuất lúa thì giống chiếm 9%, phân bón chiếm 22%, thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%, lao động chiếm 28%,... Do đó, khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư đầu vào tăng sẽ kéo theo giá thành sản xuất tăng. Mặt khác, dù chưa có một nghiên cứu khoa học chính thức nào nhưng theo phản ánh từ thực tiễn sản xuất của nông dân, việc lạm dụng quá nhiều các loại phân bón, thuốc hóa học vào các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa đã làm chất lượng hạt gạo không còn được mùi vị thơm ngon vốn có.

Bà Nguyễn Thị Bảy (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) cho biết: “Trước đây, nhiều loại gạo như Tài nguyên, Thơm lài,… khi nấu lên thì dù ở khoảng cách xa cũng có thể ngửi được mùi thơm. Còn bây giờ, mùi vị thơm ngon tự nhiên của hạt gạo dần mất đi do người dân lạm dụng quá nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.

Kéo giảm chi phí sản xuất

Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng lợi nhuận trong sản xuất, trước mắt nông dân nên chủ động kéo giảm chi phí. Các chuyên gia cho rằng, việc hạ giá thành sản xuất lúa không chỉ có ý nghĩa gia tăng lợi nhuận mà còn giúp ngành lúa gạo Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh và thuận lợi hơn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh việc cắt giảm lượng phân bón, nông dân cần khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp của mình để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều mô hình canh tác lúa thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế dần các loại phân vô cơ và phân hóa học. Điển hình như ở Hợp tác xã (HTX) Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng), hơn 1 năm nay, HTX đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng phân hữu cơ từ lục bình để thay thế dần cho các loại phân hóa học trên các diện tích canh tác và bước đầu đã cho những kết quả rất khả quan.

Giám đốc HTX Cây Trôm - Bùi Văn Tuấn cho biết: “Do phân hữu cơ chủ yếu cho tác dụng lâu dài, không tức thời như phân vô cơ, nên chỉ cần không nóng vội thì hiệu quả mà phân hữu cơ mang lại sẽ cao hơn, trong khi đó chi phí lại khá rẻ so với các loại phân bón khác. Thời gian tới, HTX sẽ dần thay đổi phương thức canh tác, tập quen dần với các loại phân hữu cơ để mang lại hiệu quả lâu dài trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường”.

Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra các cống đầu mối để tránh rò rỉ

Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra các cống đầu mối để tránh rò rỉ

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu bón phân theo cách thủ công thông thường, cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 50% hàm lượng dinh dưỡng; trong khi đó, nếu áp dụng kỹ thuật vùi phân có thể tăng tỷ lệ được hấp thụ lên 80%, vừa giảm lượng phân bón thực tế mà vẫn đạt hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Trong bối cảnh giá nhiều loại phân bón vẫn đang ở mức cao, các địa phương nên khuyến cáo nông dân giảm lượng phân đạm, kali trong 1-2 vụ, thực hiện bón vôi khi xới đất vẫn bảo đảm năng suất cho cây lúa mà chi phí lại giảm đáng kể. Chính vì vậy, việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân vừa tiết kiệm chi phí để hạ giá thành sản xuất, vừa bảo vệ môi trường. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hành canh tác đúng kỹ thuật, phát huy tối đa hiệu quả của phân bón, vật tư nông nghiệp để giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh bền vững cho lúa gạo của tỉnh. Song song đó, ngành cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm có nguồn giống chất lượng cao”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết