Học sinh thắp hương nhà bia của địa phương
Tự hào lịch sử địa phương
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, HS có nhiều cơ hội được học tập, tham gia các hoạt động trải nghiệm gắn với giáo dục truyền thống lịch sử, nhất là lịch sử địa phương. Trường Tiểu học Bình Thạnh (huyện Thủ Thừa) thực hiện đa dạng các hình thức giáo dục truyền thống lịch sử cho HS, giúp các em nắm kiến thức cơ bản về lịch sử và hiểu về vai trò, ý nghĩa của lịch sử để thêm yêu và tự hào về lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử địa phương nói riêng.
Cô Đinh Thị Trinh - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2, Trường Tiểu học Bình Thạnh, cho biết: “Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tiết học Lịch sử trở nên sinh động hơn. Tôi không chỉ truyền thụ kiến thức qua lời giảng mà còn qua các đoạn video clip, hình ảnh,... gắn liền với nội dung kiến thức; đồng thời, tạo điều kiện cho các em phát huy năng lực, sự hiểu biết và đam mê môn Lịch sử. Riêng những phần có liên quan lịch sử địa phương, tôi mở rộng nội dung kiến thức để các em hiểu kỹ hơn và khắc sâu kiến thức”.
Với tiết Giáo dục địa phương, HS được học chủ đề về lịch sử. Đó có thể là sơ lược về di tích lịch sử (DTLS), các danh nhân lịch sử, truyền thống "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc" của quê hương,… Trong tiết học, giáo viên luôn phát huy tính chủ động của HS, lắng nghe chia sẻ, nhận xét của các em bởi có những kiến thức rất quen thuộc với các em.
“Ngoài gắn với các môn học, trường còn thực hiện nhiều hoạt động khác để giáo dục truyền thống lịch sử cho HS. Trong đó, trường mời cựu chiến binh của địa phương đến kể những mẩu chuyện về lịch sử cho HS nghe. Nhờ vậy, HS thêm trân trọng công lao của ông cha, những người đã dũng cảm bảo vệ nền độc lập dân tộc, từ đó khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào lịch sử dân tộc” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thạnh - Trần Tiến Lợi chia sẻ.
Học sinh Trường THCS &THPT Mỹ Bình (huyện Đức Huệ) tham gia vệ sinh tại Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh
Với lợi thế gần Khu DTLS Cách mạng tỉnh, Trường THCS&THPT Mỹ Bình (huyện Đức Huệ) có nhiều thuận lợi trong giáo dục truyền thống lịch sử cho HS. Trường ký kết liên tịch với Khu DTLS Cách mạng tỉnh, tạo điều kiện cho HS tham quan, thắp hương, tổ chức các hoạt động và tham gia vệ sinh tại khu di tích.
Em Lê Thị Hiền Thục - HS lớp 11A1, Trường THCS&THPT Mỹ Bình, thổ lộ: “Em rất tự hào về truyền thống lịch sử của đất nước, trong đó có lịch sử địa phương. Được tham quan, nghe thuyết minh về Khu DTLS Cách mạng tỉnh, em hiểu hơn về lịch sử quê hương mình. Em còn tích cực tham gia dọn vệ sinh khu di tích khi khu di tích đón các đoàn khách đến tham quan, góp phần để lại những hình ảnh đẹp của khu di tích và dâng lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương”.
Ngoài ra, Trường THCS&THPT Mỹ Bình còn tổ chức cho HS tham quan các khu DTLS trong tỉnh như Ngã tư Đức Hòa, Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ,... thông qua hoạt động trải nghiệm. Qua đó, các em có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử địa phương để thêm yêu và tự hào truyền thống lịch sử của dân tộc.
Bồi đắp tình yêu lịch sử cho học sinh
Không chỉ giáo dục truyền thống lịch sử cho HS qua hoạt động học, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức) còn tạo điều kiện cho HS tham gia nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn nhằm bồi đắp kiến thức lịch sử, giúp khơi gợi lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức) tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Nếu những bài học lịch sử trong các tiết dạy có vẻ khô khan thì việc HS chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức lịch sử sẽ dễ dàng tiếp thu và hiệu quả hơn rất nhiều. Tìm được sự thú vị của lịch sử, HS không chỉ được mở rộng kiến thức mà còn hiểu những giá trị truyền thống để thêm tự hào và nỗ lực tiếp bước, xứng đáng với thế hệ đi trước. Hàng năm, HS Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với hình thức thi trực tuyến cá nhân. Đây là một trong những sân chơi trí tuệ bổ ích, tạo điều kiện cho HS chủ động tìm hiểu kiến thức lịch sử nhằm giáo dục truyền thống và bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Bên cạnh đó, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tổ chức kết nạp Đoàn cho HS tại "địa chỉ đỏ", nhất là tại Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, giúp các em tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam, lịch sử địa phương bởi đó là quá trình bảo vệ dân tộc, gắn bó mật thiết với Nhân dân, rất nhiều thế hệ người dân Việt Nam đã đứng lên đấu tranh, anh dũng hy sinh để bảo vệ đất nước.
Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ còn tổ chức cho HS thi kể chuyện về tấm gương Bác Hồ trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Nhờ vậy, nhiều HS chủ động tìm hiểu các câu chuyện lịch sử về Bác Hồ, từ đó hiểu thêm lịch sử của dân tộc và rút ra nhiều bài học giá trị có thể vận dụng trong cuộc sống. Các câu chuyện được kể dưới cờ còn giúp lan tỏa trong toàn thể HS.
Em Nguyễn Nhất Duy - HS lớp 11A1, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, bày tỏ: “Tham gia các hoạt động gắn với giáo dục truyền thống lịch sử, em mở rộng thêm nhiều kiến thức mới. Lịch sử cũng trở nên hấp dẫn và thú vị hơn với HS chúng em. Càng tìm hiểu về lịch sử, em càng tự hào và thêm trân trọng nền hòa bình của dân tộc. Là thế hệ trẻ kế thừa truyền thống ông cha, em sẽ cố gắng học tập, tích cực tham gia các hoạt động phong trào, nhất là hoạt động tình nguyện như Thứ bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh để rèn luyện bản thân, ngày càng trưởng thành, xứng đáng với những người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước”.
Giáo dục truyền thống lịch sử cho HS có ý nghĩa rất lớn, giúp khơi dậy tinh thần đam mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử dân tộc, từ đó bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc và phát huy trách nhiệm của thế hệ trẻ trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Đặng Tuấn