Tiếng Việt | English

27/11/2023 - 11:16

Khu Di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến - nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Mỗi “địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh đều gắn với một sự kiện, mốc son lịch sử trong quá trình đấu tranh của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày nay, những “địa chỉ đỏ” này trở thành nơi giáo dục tinh thần yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tham quan Khu di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến

Cụm thi đua số 2 - Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hành trình truyền thống Long An trung dũng kiên cường tại Khu di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến

1. Di tích lịch sử (DTLS), văn hóa Ngã tư Rạch Kiến tại ấp 1, xã Long Hòa, huyện Cần Đước là nơi ghi dấu sức mạnh, lòng dũng cảm của nhân dân Cần Đước, Cần Giuộc, lập nên một chiến công oanh liệt, một “Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến” khiến quân thù khiếp sợ, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Theo thuyết minh viên tại Khu DTLS Ngã tư Rạch Kiến, năm 1996, Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là DTLS văn hóa cấp quốc gia. Năm 2011, di tích được tỉnh trùng tu, tôn tạo nhằm tái hiện diễn biến cuộc đấu tranh đầy gian khổ, sự hy sinh của quân và dân ta sau gần 1.000 ngày đêm cùng với nhiều hiện vật được trưng bày.

Nơi đây tái hiện lịch sử một thời là những sân bay dã chiến, bãi pháo, câu lạc bộ sĩ quan, khu trại quân sự của căn cứ Mỹ. Đặc biệt, di tích có mô hình tóm tắt diễn biến của Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến, tái hiện cuộc đấu tranh sau gần 1.000 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, đầy hy sinh, gian khổ của quân, dân ta.

Theo tài liệu lịch sử, ngày 20/12/1966, đế quốc Mỹ đổ quân tái chiếm Rạch Kiến với âm mưu khống chế, đánh phá vùng giải phóng Cần Đước, Cần Giuộc hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng và cứu vãn tình thế đang ngày càng suy sụp. Lúc đó, Mỹ cho máy bay chở thép, bêtông xây dựng bãi pháo, sân bay, khu bộ binh, sở chỉ huy, khu hành chính ngụy. Xung quanh khu vực này, địch còn bố trí 6 lớp kẽm gai và 3 tuyến bãi mìn rất kiên cố. Từ căn cứ này, địch liên tục bắn phá các nơi, bất kể ngày đêm.

Về phía ta, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thế trận Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được hình thành với phạm vi 12 xã: Long Hòa, Tân Trạch, Long Trạch, Long Khê, Phước Vân, Long Sơn, Long Định, Long Cang, Mỹ Lệ, Phước Tuy của huyện Cần Đước và 2 xã: Phước Lâm, Thuận Thành của huyện Cần Giuộc. Lực lượng ta được bố trí trên 3 tuyến vành đai: Tuyến 1 du kích liên xã Long Hòa, Tân Trạch bố trí hầm chông, gài mìn, lựu đạn, phục kích bắn tỉa địch; tuyến 2 do bộ đội tỉnh và bộ đội địa phương phân tán từng bộ phận nhỏ tiêu diệt địch; tuyến 3 do du kích xã, du kích mật kết hợp nhân dân bố trí hầm chông lựu đạn, tổ ong vò vẽ khắp xã chuẩn bị địa hình chiến đấu với địch. Trên vành đai diệt Mỹ, ta tổ chức đào các đoạn đê làm chướng ngại vật cản xe M113 của địch.

Sau gần 1.000 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, gian khổ, quân, dân ta tiêu diệt hàng ngàn tên lính Mỹ, làm hư hỏng 17 máy bay, 20 xe thiết giáp, thu nhiều phương tiện chiến tranh, làm cho địch phải bỏ luôn căn cứ này.

2. Phó Bí thư Huyện Đoàn Cần Đước - Đặng Vũ Khánh chia sẻ, hàng năm, các cấp bộ Đoàn, Đội trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên, thanh thiếu nhi đến tham quan tại khu di tích này nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước,... Trung bình hàng năm, có trên 12.000 lượt đoàn viên, thanh niên, đội viên và học sinh đến tham quan và tìm hiểu.

Cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tham quan Khu di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến

Cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tham quan Khu di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến

Đây cũng là nơi các cơ sở Đoàn tổ chức kết nạp Đoàn cho đoàn viên. Thông qua các hoạt động về “địa chỉ đỏ” này giúp các em hiểu biết thêm về lịch sử địa phương, qua đó hun đúc tình yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý thức được trách nhiệm của bản thân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư Chi đoàn cơ sở Tòa án tỉnh - Trương Khánh Nam cho biết: “Lần đầu về thăm khu DTLS, tôi hiểu thêm về những năm tháng chiến tranh ác liệt, lý tưởng và sự hy sinh của thế hệ cha ông. Tôi không khỏi bồi hồi và cảm phục cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của nhiều cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến. Là cán bộ Đoàn trẻ, tôi cố gắng hơn nữa để viết tiếp truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Công tác giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương thực sự tạo động lực, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong học tập, lao động, biết vượt qua khó khăn, có ý chí và khát vọng phấn đấu để trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước, làm rạng danh thêm truyền thống đất và người Long An./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết