Tiếng Việt | English

31/05/2018 - 14:47

Giữ gìn hồn Việt

Áo dài, áo bà ba là những trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc. Thợ may áo dài, áo bà ba là những người góp phần nâng niu, gìn giữ hồn Việt.

Thợ may áo dài, áo bà ba không đơn giản chỉ là may trang phục mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc

Thợ may áo dài, áo bà ba không đơn giản chỉ là may trang phục mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc

Nét đẹp phương Nam

Tiệm may Ngọc Quyên nằm ở góc đường Phan Văn Đạt, phường 3, TP.Tân An. Chủ tiệm may - chị Kim Trang có hơn 20 năm gắn bó với nghề may áo dài và áo bà ba. Chị học may từ thời con gái. Mấy chục năm qua, tiệm may của chị được nhiều người tìm đến vì ưng ý, hài lòng từng đường kim, mũi chỉ.

Trước kia, áo bà ba là trang phục quen thuộc của phụ nữ Nam bộ, còn ngày nay, trang phục truyền thống này dần vắng bóng. Chiếc áo bà ba với hàng nút thắt bằng vải lại càng hiếm thấy vì ít có thợ may biết và chịu khó làm một cách tỉ mỉ. Chủ nhà may Kim Long, chuyên may áo dài và áo bà ba tại huyện Châu Thành, cũng khẳng định điều này. Chị nói: “Chỉ có những thợ may lâu năm mới biết thắt nút áo bà ba bằng vải. Người may áo bà ba bây giờ ít làm kiểu này lắm, chủ yếu dùng nút nhựa”.

Tuy vậy, nhiều người vẫn thích chiếc áo bà ba với hàng nút thắt thủ công bằng chính loại vải mình chọn may. Chiều lòng khách hàng, chị Trang tỉ mỉ cắt từng dây vải, may và thắt thành nút áo. Theo chị Trang, khách hàng thích loại nút này thường là những người mặc áo bà ba lâu năm, muốn giữ nét truyền thống.

“Cuộc sống ngày càng hiện đại, áo bà ba cũng có nhiều thay đổi cho phù hợp. Đó là những kiểu áo cách tân với tay lỡ, cổ áo may nhiều kiểu khác nhau, áo bà ba không có túi,...” - chị Trang chia sẻ. Tuy nhiên, dù thay đổi thế nào, áo bà ba vẫn mang nét đẹp phương Nam giản dị, truyền thống.

Giữ gìn truyền thống

Chị Thanh Tuyền - chủ Nhà may Tuyền ở phường 2, TP.Tân An, cho biết, ngày nay, áo dài và áo bà ba đều cách tân. Chị chia sẻ: “Ngoài áo dài truyền thống, bây giờ có nhiều loại áo dài tà ngắn, mặc cùng quần ống rộng, ống đứng, thậm chí quần jeans. Áo dài cưới cũng có nhiều nét cầu kỳ hơn. Tùy sở thích và vóc dáng, người may tư vấn để khách hàng có được bộ áo dài đẹp nhất”.

Chỉ có những thợ may lâu năm mới biết thắt nút áo bà ba bằng vải

Chỉ có những thợ may lâu năm mới biết thắt nút áo bà ba bằng vải

Dù tuổi đời còn trẻ nhưng chị Tuyền có 10 năm kinh nghiệm may áo dài, áo bà ba. Lúc bắt đầu nghề may, chị đã chọn học may áo dài và gắn bó đến nay vì đó là nét đẹp truyền thống của dân tộc. May áo dài cũng là góp phần giữ gìn hồn Việt. Mặt khác, chị thích tự tay tạo ra những chiếc áo dài đẹp cho khách hàng. Chị bộc bạch: “So với những loại trang phục khác, áo dài và áo bà ba khó may hơn. Người may phải tỉ mỉ, chính xác trong từng khâu. Ngày nay, ngoài kiểu dáng đa dạng, vải may áo dài, áo bà ba có nhiều hoa văn nên người may phải biết cách cắt sao cho phù hợp, tôn thêm vẻ đẹp của chiếc áo. Điều đó đòi hỏi người thợ phải chịu khó học hỏi và có nhiều kinh nghiệm”.

Để chiếc áo dài, áo bà ba tôn thêm vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ, cần nhiều yếu tố, trong đó có sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Họ phải đặt hết say mê vào từng đường kim, mũi chỉ. Người may áo dài, áo bà ba - những loại trang phục truyền thống của dân tộc cũng được gọi là những người góp phần nâng niu, giữ gìn hồn Việt./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết