Tiếng Việt | English

27/04/2024 - 09:15

Giữ nét đẹp Đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ là loại hình nghệ thuật truyền thống và được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. ĐCTT hình thành, duy trì, phát triển trong dân, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân. Trải qua hàng trăm năm với bao thăng trầm, biến đổi, ĐCTT vẫn tồn tại, không thể thiếu trong đời sống thường ngày bình dị của người dân Nam Bộ nói chung và Long An nói riêng.

Người dân vẫn dành sự quan tâm nhất định đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (Trong ảnh: Khán giả xem Hội thi Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Long An lần thứ III năm 2024)

Nhận được thông tin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thi ĐCTT Nam Bộ lần thứ III năm 2024, ông Võ Minh Hoàng (Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT huyện Vĩnh Hưng) triển khai ngay cho các thành viên trong CLB. Thông tin hội thi được tổ chức lại sau một thời gian “vắng bóng” làm các tài tử phấn khởi.

Ông Hoàng vui vẻ nói: “CLB vừa nhận được thông tin là bàn bạc ngay xem ai sẽ tham gia và chuẩn bị tiết mục gì. Chúng tôi chơi tài tử vì đam mê nhưng nếu chỉ tự ca, tự nghe thì cũng không vui lắm. Có hội thi là anh em khắp nơi có dịp gặp nhau, thắng thua không quan trọng, quan trọng là được học hỏi, chia sẻ để có thêm động lực”.

CLB ĐCTT huyện Vĩnh Hưng thành lập và duy trì đến nay 20 năm. Người tham gia CLB đều vì đam mê mà ngồi lại với nhau, cùng học hỏi, tập luyện.

Đam mê chính là động lực giúp nghệ nhân, tài tử khắp các vùng trong tỉnh không quản khó khăn, chung tay duy trì, phát triển và lưu truyền ĐCTT Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tài tử Nguyễn Kim Liên (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) chia sẻ, bà “bén duyên” với ĐCTT từ khi còn trẻ. Gia đình không ai theo nghệ thuật hay chơi ĐCTT nhưng lại rất ủng hộ khi bà tham gia CLB ĐCTT của thành phố. “Ba mẹ tôi xưa hát cũng hay nhưng có lẽ vì hoàn cảnh khó khăn nên không có cơ hội tham gia ca hát như tôi bây giờ. Mỗi khi nghe tôi ca một bài bản mới, êm tai, ba tôi vui” - bà Liên nói.

Mỗi khi địa phương có giao lưu hay hội thi ĐCTT, bà đều sắp xếp thời gian tham gia, không đăng ký dự thi thì cũng tới nghe, cổ vũ và học hỏi.

Với người dân Nam Bộ nói chung và Long An nói riêng, ĐCTT vốn là một thú chơi tao nhã, dành cho tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi hay nghề nghiệp. Hầu như các nghệ nhân, tài tử đều có công việc chính và ĐCTT là một đam mê không thể nào từ bỏ.

Tài tử Đặng Minh Mưa (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Cả nhà tôi ai cũng đam mê ĐCTT. Lúc rảnh rỗi, đờn ca giúp tôi cảm thấy vui vẻ, thoải mái tinh thần hơn. Có cơ hội là tôi tham gia các hội thi, hội diễn, giao lưu tại địa phương, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa có thêm động lực. Tôi chơi ĐCTT tới nay cũng đã mấy mươi năm rồi và vẫn rất say mê”.

Những “say mê” đó là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ cho đến hôm nay. Các CLB ĐCTT có mặt ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh và duy trì sinh hoạt đều đặn. Các lớp dạy ĐCTT thu hút đông đảo học viên và những hội thi, hội diễn ĐCTT vẫn có sức hút nhất định với người dân.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh khẳng định: “ĐCTT đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân Long An, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc”.

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Vĩnh Hưng vẫn duy trì sinh hoạt từ khi thành lập đến nay

Theo ông Nguyễn Thành Thanh, việc giữ gìn, phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện cam kết với UNESCO; thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đặc biệt là Nghị quyết số 51-NQ/TU, ngày 04/01/2023 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Long An vốn là một trong những “cái nôi” của nhạc tài tử Nam Bộ, là địa phương góp phần làm cho loại hình nghệ thuật này “đơm hoa, kết trái” và ngày càng lan tỏa.

Giữa cuộc sống hiện đại thì đâu đó ở các vùng quê, thậm chí giữa lòng TP.Tân An, tiếng đờn ca vẫn réo rắt vang lên như sợi dây kết nối giữa hiện tại và quá khứ, như lời nhắc nhở chúng ta trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết