Tiếng Việt | English

13/11/2020 - 09:41

Giữ phim trường làm du lịch

Mới đây, đoàn làm phim Gái già lắm chiêu V đã quyết định trao tặng bối cảnh “Bạch Trà Viên” cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để biến nơi đây thành địa điểm tham quan cho khách thập phương.

“Bạch Trà Viên” của phim “Gái già lắm chiêu V”

“Bạch Trà Viên” của phim “Gái già lắm chiêu V”

Trước đó, tại bãi đất trống rộng gần 500m2 tại cung An Định, 2.000 cây bạch trà được đoàn làm phim Gái già lắm chiêu V chuyển từ miền Bắc vào để tạo thành “Bạch Trà Viên”. Ngoài ra, tại nơi đây, đoàn làm phim còn trồng thêm nhiều loại cây trái đặc trưng xứ Huế gồm thanh trà, hồng Huế, cam sành, chanh; làm đài phun nước, tượng nữ thần,... Đây là bối cảnh lớn trong dự án Gái già lắm chiêu V với kinh phí 2 tỉ đồng.

Việc giữ phim trường để làm du lịch không hiếm nhưng cũng khá khó khăn. Pháo đài Ricasoli của quần đảo Malta ở Địa Trung Hải là phim trường chính của phim Troy (2004) bởi cảnh thành Troy huyền thoại đã được đoàn làm phim của Hollywood quay vào năm 2003. Sau thành công vang dội của bộ phim đậm tính sử thi này, du khách từ mọi nơi trên thế giới tìm đến Malta tham quan. Điều đáng tiếc cho Malta là đoàn làm phim của Hollywood đã tặng con ngựa gỗ trong phim Troy cho tỉnh Canakkale (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi có di chỉ thành Troy. Điều này khiến du khách đến với pháo đài Ricasoli ở Malta bị hụt hẫng khi không chiêm ngưỡng được sự hiện diện của con ngựa Troy như
trong phim.

Ở nước ta, năm 2016, trước khi đoàn làm phim Hollywood của đạo diễn Jordan Vogt-Robert rời đi, tỉnh Ninh Bình đã mong muốn giữ lại phim trường Kong: Skull Island. Tuy nhiên, vì lý do bảo mật nội dung phim, phim trường đã được tháo dỡ. Năm 2017, Kong: Skull Island chính thức công chiếu và đạt doanh thu 562 triệu USD trên toàn thế giới. Nhờ bản vẽ của đoàn làm phim để lại, tỉnh Ninh Bình đã phục dựng lại bối cảnh làng thổ dân đúng với hình ảnh trên phim vào năm 2017. Đặc biệt, vào dịp lễ hội Tràng An, 50 diễn viên đóng vai thổ dân trong phim cũng được mời đến để tái hiện hình ảnh trong phim. Kết quả là trong 2 năm 2017-2019, phim trường đã đón được hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan.

Tuy nhiên, Tràng An là nơi có dấu tích cư trú lâu nhất của người Việt cổ nên theo khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), nếu để phim trường Kong: Skull Island tồn tại lâu dài thì những hoạt cảnh hư cấu sẽ có thể khiến du khách hiểu sai lệch về những giá trị cốt lõi của di sản nơi đây. Bởi vậy, dù là điểm hút khách trong thời gian qua, vào tháng 9-2019, phim trường này cũng đã đóng cửa và bị tháo dỡ. Dự kiến, nơi đây sẽ xây dựng một làng Việt cổ để thay thế.

Việc phim trường Kong: Skull Island tại vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được phục dựng vào năm 2017 rồi lại đóng cửa và bị tháo dỡ trong năm 2019 cho thấy việc giữ bối cảnh phim để làm du lịch cũng lắm gian nan!./.

Nguyễn Văn Toàn

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích