Tiếng Việt | English

24/10/2020 - 07:05

Hàng triệu người dân châu Âu phải chịu cảnh phong tỏa do COVID-19

Trước làn sóng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong những ngày qua, nhiều nước châu Âu đã công bố các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và quyết liệt hơn.

Đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại bến xe buýt ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại bến xe buýt ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước làn sóng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong những ngày qua và nguy cơ các bệnh viện bị quá tải, phải chuyển bệnh nhân ra nước ngoài điều trị, Ủy ban quốc gia về COVID-19 của Vương quốc Bỉ đã công bố các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và quyết liệt hơn tới người dân.

Theo Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, những biện pháp này có hiệu lực ngay lập tức và thời hạn trong một tháng.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu tại buổi họp báo sáng 23/10, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng các biện pháp phòng dịch mới này nhằm mục đích tránh tiếp xúc giữa các cá nhân, giúp các bệnh viện không bị quá tải, cho phép trẻ em tiếp tục được tới trường, các doanh nghiệp tiếp tục được hoạt động và bảo đảm tối đa sức khỏe tinh thần cho người dân.

Các biện pháp mới về phòng dịch COVID-19 của Bỉ gồm các cuộc thi đấu thể thao chuyên nghiệp vẫn được phép tổ chức, song sẽ không có khán giả; các trận đấu thể thao nghiệp dư với đối tượng trên 18 tuổi sẽ phải tạm ngừng, trong khi các trận thi đấu thể thao với các đối tượng dưới 18 tuổi vẫn được phép tổ chức nhưng mỗi trẻ chỉ được phép có bố hoặc mẹ đi theo cổ vũ.

Ngoài ra, cấm dùng đồ ăn và uống gần nơi thi đấu và khán giả bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Các hoạt động tập luyện thể thao trong nhà vẫn được phép diễn ra, song cần phải giữ khoảng cách 1,5m. Các bể bơi vẫn mở cửa và các trường tiểu học và trung học vẫn duy trì hoạt động.

Các sự kiện văn hóa như chiếu phim, biểu diễn kịch, hòa nhạc... vẫn được phép diễn ra, nhưng tối đa là 200 người tham dự cho mỗi sự kiện cùng với các quy định về phòng dịch nghiêm ngặt.

Các công viên giải trí buộc phải đóng cửa, trong khi các vườn thú vẫn được phép mở cửa.

Bên cạnh đó, Chính phủ Bỉ đề nghị duy trì hình thức làm việc từ xa. Tuần trước đó, ủy ban trên cũng đã ban bố hàng loạt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt khác như các quán bar, nhà hàng, quán cà phê phải đóng cửa trong vòng một tháng.

Kể từ đầu tháng 6 vừa qua, giới chức Bỉ đã được các chuyên gia y tế cảnh báo về khả năng dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại nước này. Và thực tế, số ca lây nhiễm đã tăng theo cấp số nhân.

Trong đợt dịch này, giới trẻ tại Bỉ là những đối tượng nhiễm bệnh nhiều nhất, tuy nhiên, đa số những người này có triệu chứng bệnh không nghiêm trọng, nhưng lại là nguồn siêu lây nhiễm.

Bỉ là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 tính theo đầu người cao nhất thế giới. Kể từ đầu đại dịch COVID-19 tới nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 270.132 ca nhiễm và 10.588 ca tử vong do COVID-19.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Warsaw, Ba Lan. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Warsaw, Ba Lan. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này sẽ đóng cửa nhà hàng, quán bar trong 2 tuần và hạn chế các cuộc tụ tập từ 5 người trở lên.

Thủ tướng Morawiecki cũng kêu gọi những người từ 70 tuổi trở lên, nên ở trong nhà; học sinh lớp lớn sẽ phải chuyển sang học trực tuyến.

Bộ Y tế Ba Lan cho biết nước này ngày 23/10 ghi nhận thêm 13.632 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 228.318 ca. Ba Lan có thêm 153 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 4.172 ca.

Không chỉ Ba Lan, nhiều nước khác ở châu Âu như Nga, Ukraine và Slovakia ngày 23/10 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong 24 giờ qua.

Cụ thể, Nga có 17.340 ca nhiễm mới, Ukraine 7.517 ca và Slovakia 2.581 ca.

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ Anh đã quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nhiều khu vực của nước này nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và vùng Madrid (Tây Ban Nha) cấm người dân tụ tập vào tối muộn.

Quang cảnh tại thành phố Manchester (Anh) trong ngày 23/10 vắng lặng và yên ắng khác thường sau khi chính phủ nước này áp đặt biện pháp nghiêm ngặt nhất tại thành phố này và các khu vực lân cận.

Hạt Nam Yorkshire cũng sẽ được đặt trong tình trạng cảnh báo "rất cao" vào ngày 24/10, với nhiều quán rượu và tụ điểm phải đóng cửa, trong khi các hộ gia đình khác nhau sẽ không được tụ tập trong không gian kín.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manchester, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manchester, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các biện pháp mới nhất này đồng nghĩa với việc 7,3 triệu người dân ở xứ England sẽ phải trải qua các hạn chế nghiêm ngặt nhất, bắt đầu từ cuối tuần này.

Trong khi đó, nhà chức trách xứ Wales đã yêu cầu hơn 3 triệu người dân phải ở nhà, bắt đầu từ 18 giờ (giờ địa phương, tức 24 giờ theo giờ Việt Nam), đóng cửa các cửa hàng bán lẻ không liên quan đến thực phẩm, quán càphê, nhà hàng, quán rượu, khách sạn, nhà nghỉ trong 2 tuần.

Trong thời gian gần đây, Anh đang phải đối phó với số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao trở lại.

Dịch bệnh cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 44.000 người nước này - mức cao nhất trên toàn châu Âu.

Chính phủ Anh không tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, thay vào đó, áp đặt phong tỏa đối với những khu vực có nguy cơ cao nhất.

Để bảo vệ nền kinh tế cũng như tránh phải áp đặt thêm các biện pháp phong tỏa, Anh đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 và truy vết trên diện rộng.

Tính đến nay, chi phí của chương trình này lên tới 12 tỷ bảng (16 tỷ USD). Tuy nhiên, số người được xét nghiệm và truy vết vẫn kém xa mục tiêu chính thức.

Theo các nhà khoa học Anh, chương trình này chỉ góp phần không đáng kể đến việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Cùng ngày, chính quyền vùng Madrid của Tây Ban Nha cũng ban hành lệnh cấm các hộ gia đình khác nhau tụ tập trong không gian kín từ 24 giờ đêm đến 6 giờ sáng, đồng thời quyết định giảm 50% số lượng người ăn, uống tại các nhà hàng quán bar. Các nhà hàng và quán bar này cũng sẽ phải đóng cửa vào 24 giờ.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: THX/TTXVN)

Không chỉ vậy, các rạp chiếu phim, phòng tập thể dục tại đây cũng sẽ phải giảm 50% công suất, các khu ký túc xá phải đóng cửa lúc 24 giờ và số người được phép tụ tập trong khoảng thời gian từ 6-24 giờ vẫn không được quá 6 người.

Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 24/10 - khi lệnh phong tỏa một phần, kéo dài 2 tuần ở Madrid và một số thành phố lân cận kết thúc.

Chính quyền vùng Madrid đã công bố quyết định trên một ngày sau khi cuôc họp giữa chính quyền trung ương và giới chức y tế địa phương không đạt được đồng thuận về việc áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Hai vùng khác của Tây Ban Nha là Castilla và Leon và Valencia thông báo sẽ tự áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm, trong khi vùng Andalucia ở miền Nam sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại thành phố Granada.

Đầu tuần này, Tây Ban Nha đã ghi nhận 1 triệu ca mắc COVID-19. Đây là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có số người nhiễm bệnh lên tới hơn 1 triệu người.

Tuy nhiên, phát biểu trên truyền hình ngày 23/10, Thủ tướng Pedro Sanchez cho rằng con số thực tế số ca mắc COVID-19 tại Tây Ban Nha phải lên tới hơn 3 triệu người./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết