Tiếng Việt | English

24/05/2023 - 08:05

Hãy là người tiêu dùng thông minh!

Thực phẩm là một trong những nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cùng những chất dinh dưỡng, vi chất có lợi cho sự phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần của con người. Cuộc sống ngày càng tiến bộ và hiện đại, nguồn thực phẩm cũng vì thế mà đa dạng, phong phú hơn cả về chủng loại lẫn nguồn gốc. Bên cạnh đó, lại xuất hiện thêm những loại thực phẩm bị nhiễm bẩn, nhiễm độc trên thị trường, gây hoang mang, lo lắng cho toàn xã hội.

Vừa qua, tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) có 5 trường hợp nhập viện do ngộ độc botulinum từ món chả lụa kẹp trong bánh mì được mua từ người bán dạo. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất chả lụa này mới hoạt động gần 2 tháng và đây là cơ sở hoạt động “chui”, không có giấy phép kinh doanh, biển hiệu,...

Theo các chuyên gia, đa số các cơ sở sản xuất quy mô lớn hoặc các doanh nghiệp đều có ý thức gìn giữ thương hiệu, chất lượng sản phẩm nên chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP). Đáng lo nhất hiện nay là thực phẩm chế biến ở quy mô sản xuất hộ gia đình, người dân tự chế biến để bán khắp cả nước thông qua mạng xã hội. Những người chế biến thực phẩm chưa được tập huấn kiến thức về ATTP. Nơi chế biến khó bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP. Qua các đợt thanh, kiểm tra chuyên ngành về vệ sinh, ATTP cũng cho thấy, vi phạm chủ yếu vẫn được ghi nhận tại các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ quy mô hộ gia đình. Trong khi lực lượng quản lý còn mỏng nhưng số lượng cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ, lẻ lại quá nhiều, do vậy, phần đông chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ.

Đến thời điểm này, tuy pháp luật không cấm người dân chế biến, sản xuất thực phẩm để tự tiêu dùng hoặc kinh doanh. Tuy nhiên, hộ gia đình hoạt động kinh doanh thương mại dưới bất cứ hình thức nào cũng phải tuân thủ các quy định về vệ sinh, ATTP. Bên cạnh đó, để bảo đảm ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng các kiến thức về vệ sinh, ATTP; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành quản lý; “mạnh tay” xử lý các trường hợp vi phạm, tiêu hủy thực phẩm không bảo đảm an toàn. Đặc biệt, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tốt nhất là có đầy đủ thông tin về thành phần nguyên liệu, công ty, nhà máy, trang trại sản xuất, hạn sử dụng, đã qua kiểm định; tuyệt đối “nói không” với hàng hóa trôi nổi, không tem nhãn, giá rẻ bất thường;...

Những vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng trong thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động. Trước tình hình đó, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, trang bị cho mình những kiến thức nhất định trong lựa chọn thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết