Tiếng Việt | English

08/07/2016 - 19:31

Hiệu quả hầm biogas góp phần bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

Đi đôi với việc tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An còn phát triển chăn nuôi với số lượng đàn gia súc hàng chục ngàn con mỗi năm.

Do đó, vấn đề khắc phục, xử lý môi trường trong chăn nuôi luôn được huyện quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp. Trong đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân xây dựng hầm biogas để tận dụng khí đốt là biện pháp hiệu quả nhất. Cách làm này không chỉ giúp người dân tiết kiệm chi phí mà còn xử lý được vấn đề chất thải chăn nuôi hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Ông Sơn đang nói về hiệu quả bếp sử dụng khí biogas

 

Hơn 3 năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Cai ở ấp Kênh Giữa, xã Nhơn Ninh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hầm biogas bằng nhựa composite với thể tích 9m3 trị giá hơn 14 triệu đồng. Ông cho biết lúc đầu cũng lưỡng lự vì chi phí cao mà không biết hiệu quả ra sao nhưng qua thời gian sử dụng thấy rất hiệu quả, dù nắng mưa bất thường cũng không ảnh hưởng đến quá trình tạo gas.

Với quy mô hơn 10 con heo, gia đình ông cứ vô tư đun nấu mà không sợ hết gas và đặc biệt là gas cháy triệt để không gây mùi hôi khi đun nấu. Nhờ biogas mà mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm được vài trăm ngàn khí đốt và tiền điện sinh hoạt.

Thấy hiệu quả, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn cùng ấp Kênh Giữa cũng đầu tư xây dựng một hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Do nuôi heo gói lứa số lượng nhiều nên đây là giải pháp an toàn và hiệu quả đối với gia đình ông. Nó không những góp phần giảm chi tiêu sinh hoạt cho gia đình mà còn tận dụng được nguồn phụ phẩm phục vụ trồng trọt, nuôi cá và nhiều lợi ích khác.

Trước đây người dân sử dụng túi biogas rất nhiều nhưng hiện nay, người chăn nuôi thường lựa chọn phương pháp xây dựng hầm biogas bằng xi măng hoặc bằng nhựa composite vì có thể tích lớn và sử dụng bền lâu hơn. Tuy nhiên giá còn khá cao đối với gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ không có điều kiện. Do đó, từ cuối năm 2010, Trạm Khuyến nông (TKN) huyện Tân Thạnh phối hợp Trung tâm Khuyến nông Long An triển khai thực hiện dự án “Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Cục chăn nuôi, thuộc Bộ NN & PTNT và Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan thực hiện.

Hầm Biogas được xây âm dưới lòng đất luôn đảm bảo sạch sẽ và không chiếm nhiều diện tích mặt đất

Tùy theo loại hầm và thể tích sẽ có giá dao động từ 10-14,5 triệu đồng/hầm. Mỗi hầm xây dựng sẽ được TKN huyện hỗ trợ 1,2 triệu đồng để giảm bớt chi phí cho người dân.

Anh Lương Khắc Phẩm cán bộ kỹ thuật TKN huyện Tân Thạnh cho biết: "Qua tuyên truyền vận động người dân đã nhận thức được đầy đủ hơn về lợi ích của việc xây dựng hầm khí biogas nên tham gia ngày càng nhiều. Riêng đối với hầm biogas do TKN lắp đặt đã có hơn 100 hầm biogas và hơn 50 túi biogas. Tuy nhiên, số lượng thực tế trên địa bàn huyện rất nhiều, do người dân tự lắp đặt. Hiện TKN đang tích cực tuyên truyền để người dân nắm thông tin hỗ trợ xây lắp hầm biogas để khuyến khích người chăn nuôi tham gia nhiều hơn".

Lợi ích của việc sử dụng hầm biogas là tạo nguồn khí sinh học để đun nấu, thắp sáng và tạo ra nguồn phụ phẩm có lợi phục vụ sản xuất. Mỗi gia đình chăn nuôi từ 5 con heo hoặc 3 con trâu, bò trở lên đều có thể xây hầm biogas.

Đây thực sự là giải pháp hữu hiệu giúp các hộ nông dân trong phát triển kinh tế hộ gia đình và góp phần tích cực cùng các địa phương thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay./.

Duy Thanh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích