Quang cảnh Hội thảo Quốc tế về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền và sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo quốc tế về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền và sở hữu trí tuệ nhằm phổ biến thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tranh chấp liên quan đến tên miền “.vn” và sở hữu trí tuệ, đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia và cộng đồng làm căn cứ điều chỉnh, hoàn thiện chính sách xử lý vấn đề xung đột tên miền-sở hữu trí tuệ phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, Bộ luôn coi thông tin và truyền thông là phương thức để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia về không gian mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin, viễn thông, Internet và đã đạt được những thành quả nhất định.
Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục xây dựng các chính sách, quy định về Internet, đặc biệt là về giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền “.vn” bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, tăng cường tính minh bạch đối với pháp luật về viễn thông, công nghệ thông tin nói chung và những quy định về tên miền Internet nói riêng.
Việc tên miền trùng hoặc giống với tên thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, tên tác giả, tác phẩm là vấn đề thường gặp khi giải quyết các vụ việc tranh chấp tên miền do thông lệ chung quốc tế coi tên miền Internet và sở hữu trí tuệ là hai lĩnh vực độc lập.
Giải quyết vấn đề này, hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đang tồn tại song song hai cách hiểu khác nhau, thuộc về lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học-Công nghệ.
Trong các văn bản chuyên ngành thông tin và truyền thông, các xung đột trong trường hợp đăng ký, sử dụng tên miền trùng hoặc giống tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền tác phẩm, tác giả... được coi là các vụ việc tranh chấp.
Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, từ cấp luật (Luật Công nghệ thông tin) cho tới nghị định của Chính phủ (Nghị định số 72/2013/NĐ-CP), hay thông tư do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành (Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT) đều quy định đây là tranh chấp tên miền, được xử lý theo các hình thức quy định tại Luật Công nghệ thông tin (theo ba hình thức thông qua thương lượng, hòa giải; thông qua trọng tài; khởi kiện tại tòa án).
Tuy nhiên, do Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại quy định coi đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nên các văn bản dưới Luật về vấn đề này (lĩnh vực Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý) đang áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó có đưa nội dung xử lý thu hồi tên miền như là một biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh (Nghị định số 99/2013/NĐ-CP), có nghĩa là sử dụng biện pháp hành chính để xử lý vụ việc tranh chấp tên miền.
Để giải quyết hài hòa vấn đề giữa quyền và lợi ích của các bên khi xung đột xảy ra, trong Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch để thống nhất khi xử lý các vụ việc liên quan./.
Xuân Tùng/Vietnam+