Tiếng Việt | English

07/12/2017 - 19:03

Hội Nhà báo lên tiếng về văn bản "kỳ lạ" của Cơ quan điều tra Công an huyện Thạnh Hóa vụ 3 phóng viên, nhà báo bị hành hung

Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An vừa có công văn “phản ứng” với văn bản thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Thạnh Hóa trả lời vụ 3 phóng viên bị hành hung.

Chiều ngày 07/12, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An – Phạm Văn Dũng ký công văn gửi UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Công an huyện Thạnh Hóa đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm vụ hành hung 3 phóng viên Báo, Đài Long An vào sáng ngày 27/9/2017. Đồng thời, “phản ứng” với văn bản thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạnh Hóa. 

Công văn nêu rõ, ngày 05 và 06 /12/2017, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An tiếp nhận đơn, thư khiếu nại của 3 phóng viên, nhà báo Phạm Đức Cảnh, Cao Thị Kim Ngân (Đài phát thanh và truyền hình Long An) và Nguyễn Thị Mận (Báo Long An). Nội dung khiếu nại không đồng ý với nhiều nội dung, lý do trong văn bản thông báo không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an huyện Thạnh Hoá tại Thông báo số 256 ngày 14/11/2017 về “Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố” mà đương sự vừa nhận được ngày 29/11/2017.

Các phóng viên, nhà báo trên yêu cầu Hội Nhà báo tỉnh sớm có ý kiến nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhà báo, phóng viên tác nghiệp theo quy định của Luật Báo chí năm 2016.

Công văn cũng nêu rõ, căn cứ vào nội dung đơn, thư khiếu nại của 3 phóng viên, nhà báo và văn bản số 256 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an huyện Thạnh Hoá, (do 3 phóng viên, nhà báo cung cấp) Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An nhận thấy: Dù chưa được cấp thẻ Nhà báo nhưng ông Phạm Đức Cảnh và bà Cao Thị Kim Ngân hiện là 2 phóng viên đang tham gia hoạt động báo chí của Đài phát thanh và Truyền hình Long An.

Việc cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an huyện Thạnh Hoá cho rằng, 3 phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp mặc trang phục không đeo logo báo, đài là không đảm bảo yếu tố “đang thi hành công vụ” là bất hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật. Khi tác nghiệp ở Thạnh Hoá, 3 phóng viên, nhà báo trên được sự phân công của lãnh đạo Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình và thực hiện đề tài theo định hướng của cơ quan, đơn vị ( Cơ quan điều tra lại cho rằng phóng viên đi không có kế hoạch cụ thể bằng văn bản).

Đài còn trang bị máy quay phim có logo của Đài và có lệnh điều xe chở phóng viên xuống khu vực trên để tác nghiệp. Đây vẫn được xem là hoạt động báo chí của cơ quan báo chí; nhà báo, phóng viên đi tác nghiệp theo yêu cầu của cơ quan, theo đúng các quy định của pháp luật thì phải được xem là người đi thực hiện nhiệm vụ, kể cả khi tác nghiệp ngoài giờ.

Công văn của hội Nhà báo tỉnh Long An

Hoạt động tác nghiệp của nhóm nhà báo, phóng viên trong trường hợp này là ngoài Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, không nằm trong khu vực cấm quay phim, chụp ảnh nên phù hợp với quy định của pháp luật, phải được các cơ quan nhà nước bảo hộ.  Nhóm nhà báo, phóng viên tác nghiệp bên ngoài nhà máy xử lý rác thì không có trách nhiệm phải giới thiệu với người làm việc trong khu vực nhà máy.

Những người trên không chỉ có hành vi hành hung 3 nhà báo, phóng viên, mà còn thu giữ trái phép phương tiện tác nghiệp (giật máy quay, rút thẻ nhớ). Do đó, Hội Nhà báo tỉnh đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Do tính đặc thù của nghề nên nhà báo, phóng viên luôn cần được bảo đảm sự thuận lợi, an toàn trong tác nghiệp, theo đó tại điều 9 Luật Báo chí 2016, nghiêm cấm: “Đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Trong đơn, thư khiếu nại, kiến nghị của các phóng viên, nhà báo Phạm Đức  Cảnh, Cao Thị Kim Ngân và Nguyễn Thị Mận không đồng ý và bức xúc với nội dung  văn bản thông báo cho rằng các phóng viên, nhà báo tác nghiệp chưa đảm bảo yếu tố thi hành công vụ. Các phóng viên cũng đề nghị cơ quan chức năng phải làm rõ động cơ, mục đích của các đối tượng khi  hành hung, đe doạ, cản trở nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp. Hành động hành hung phóng viên của các đối tượng có ai chỉ đạo, yêu cầu không? Việc này cần dược làm sáng tỏ, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm minh tránh tạo tiền lệ xấu về sau.

Luật Báo chí 2016 quy định: Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách pháp nhân là tổ chức có nhiệm vụ, quyền hạn “tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí” ( điểm g, khoản 2, điều 8), “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam” ( điểm a, khoản 2, điều 8) .

Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Long An kính đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi ngăn cản, hành hung phóng viên, nhà báo khi đang tác nghiệp theo Luật Báo chí năm 2016 nhằm ngăn ngừa xảy ra các vụ việc tương tự và để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho những người làm báo khi đang tác nghiệp./.

                                            Lê Đức

 

Chia sẻ bài viết