Tiếng Việt | English

17/11/2020 - 11:03

Hội thảo về tình hình Biển Đông: Thảo luận sôi nổi và thẳng thắn

Nhiều ý kiến cho rằng tuy khó tìm được mối liên hệ giữa COVID-19 và diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, song COVID-19 làm cho quan hệ giữa các nước lớn xấu đi, nhất là quan hệ cạnh tranh Mỹ-Trung.


Các Đại sứ, chuyên gia, học giả quốc tế tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trong hai ngày 16-17/11, Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động.”

Trong ngày làm việc thứ nhất đã diễn ra bốn phiên thảo luận với các chủ đề: Biển Đông trong tình hình thế giới biến động; vai trò của ASEAN với tầm nhìn sau năm 2025; tranh luận pháp lý bằng Công hàm tại Liên hợp quốc; cạnh tranh định hình công luận về Biển Đông và vai trò của báo chí.

Các phiên thảo luận diễn ra trong không khí rất sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng.

COVID-19 và cạnh tranh nước lớn

Nhiều ý kiến cho rằng tuy khó tìm được mối liên hệ trực tiếp giữa đại dịch COVID-19 và diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, song COVID-19 làm cho quan hệ giữa các nước lớn xấu đi ở Biển Đông, nhất là quan hệ cạnh tranh Mỹ-Trung.

Một số đại biểu nhận định Trung Quốc đã lợi dụng tình hình COVID-19 để gia tăng nhịp độ hoạt động trên thực địa, mở rộng kiểm soát trên Biển Đông và cố ý va chạm với nhiều nước.

Các mục tiêu cơ bản của Trung Quốc ở Biển Đông không thay đổi và gần đây Trung Quốc đẩy mạnh “lập trường quan điểm” của nước này trên khắp thế giới, gây nên phản ứng mạnh mẽ của chính phủ và người dân ở nhiều nước.

Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các hoạt động quân sự và tự do hàng hải; tỏ thái độ cứng rắn hơn trên mặt trận ngoại giao, pháp lý, phản đối trực diện yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Lập trường này phản ánh xu hướng chính sách chung của chính quyền Mỹ theo hướng ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Chính sách Biển Đông của Mỹ về cơ bản đã định hình rõ nét hơn dưới thời Tổng thống Trump nên chính quyền sắp tới sẽ ít khả năng có điều chỉnh lớn về chiến lược.

ASEAN tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương

Các đại biểu cũng nhìn nhận các nước ASEAN nhìn chung phản ứng kiềm chế để không làm căng thẳng ở Biển Đông vượt ngoài tầm kiểm soát, đồng thời tập trung ứng phó với đại dịch COVID-19, duy trì chuỗi cung ứng và phục hồi kinh tế trong nước. Tuy nhiên, nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia vẫn kiên quyết phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

ASEAN tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, vai trò trung tâm của ASEAN để giữ được vị thế trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, đồng thời nỗ lực thúc đẩy hợp tác biển trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở pháp lý cho hoạt động trên các vùng biển và đại dương.

Có ý kiến cho rằng ASEAN cần tối ưu hóa nguyên tắc đồng thuận, thúc đẩy các cơ chế tiểu đa phương giữa các nước Đông Nam Á chủ chốt có chung chí hướng để hợp tác khu vực hiệu quả hơn.

ASEAN cũng cần phải xây dựng, tăng cường các thiết chế của mình để có thể thúc đẩy hợp tác biển đa phương trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang chịu nhiều thách thức trên thế giới.

Nhiều diễn giả châu Âu khẳng định việc Liên minh châu Âu (EU) quan tâm và hiện diện nhiều hơn ở châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng trong thời gian gần đây thông qua tăng cường hợp tác an ninh với ASEAN và các nước Đông Nam Á vì muốn bảo vệ hệ thống luật pháp quốc tế, tự do thương mại và trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, có học giả quốc tế lại cho rằng sự “can thiệp” của các nước châu Âu không phải là nước ven Biển Đông lại có thể khiến tình hình phức tạp hơn.

UNCLOS 1982 có giá trị phổ quát và toàn diện

Về cuộc “tranh luận” bằng công hàm tại Liên hợp quốc trong vấn đề Biển Đông và tác động tới tương lai của tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các học giả khẳng định, UNCLOS 1982 có giá trị phổ quát và toàn diện, phạm vi điều chỉnh tất cả các vấn đề trên biển.

Công hàm của các nước đều trực tiếp và gián tiếp đề cập tới Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016 của Philippines, phản đối tất cả các yêu sách vùng biển phi lý của Trung Quốc.

Ủy ban ranh giới thềm lục địa đã trở thành nơi lưu giữ chính thức tất cả các công hàm, công thư phản đối các yêu sách vùng biển thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các chuyên gia, học giả quốc tế trao đổi bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Nhiều học giả khẳng định không tồn tại một quy chế đặc biệt nào cho phép các quốc gia lục địa được vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo, quần đảo xa bờ.

Bên cạnh đó, các công hàm/công thư trao đổi ở Liên hợp quốc đã có những đóng góp giá trị trong việc làm rõ và củng cố lập trường pháp lý của các bên liên quan, đây là nguồn tài liệu quan trọng thể hiện quan điểm của các bên yêu sách về vấn đề Biển Đông.

Cuộc tranh luận bằng công hàm là cách đấu tranh chính thức, hòa bình và mang lại sự minh bạch vì các nước yêu sách dần làm rõ các yêu sách lãnh thổ và yêu sách biển ở Biển Đông, đồng thời công bố công khai với cộng đồng quốc tế.

Diễn biến pháp lý này cũng có thể là cơ sở tham khảo cho các bên trong quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Đáng chú ý, có học giả còn đề xuất một số quốc gia ASEAN có nhiều điểm đồng trong vấn đề pháp lý có thể hướng tới một tuyên bố lập trường chung về Biển Đông.

Định hình quan điểm của công chúng ở Biển Đông

Về vai trò của truyền thông trong việc định hình quan điểm của công chúng ở Biển Đông, các đại biểu cho rằng sự cạnh tranh định hình dư luận này đã diễn ra ở phạm vi rộng, với nhiều hình thức khác nhau.

Đối với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông gắn với “giấc mộng Trung Hoa.” Tuy nhiên, việc một số cơ quan truyền thông đưa tin từ góc độ chủ nghĩa dân túy có thể làm sai lệch thông tin, có hại cho việc thúc đẩy hợp tác quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Việc cố tình che giấu thông tin và cung cấp thông tin sai lệch có thể phản tác dụng với chính chính phủ các nước.

Các học giả cũng khuyến nghị công chúng cần tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống và đối chiếu các nguồn thông tin với nhau để có được góc nhìn khoa học, chân thực nhất có thể về một vấn đề chính trị nóng bỏng như Biển Đông.

Các chuyên gia, học giả quốc tế trao đổi bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 12. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Nhiều học giả cũng cho rằng truyền thông ở Việt Nam rất cởi mở, thể hiện qua việc có nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đặt trụ sở tại Việt Nam và sự cởi mở, thẳng thắn của các cơ quan chính phủ Việt Nam đối với các nhà báo quốc tế.

Ngày 17/11, hội thảo sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ hai với 4 phiên thảo luận chính gồm: Xây dựng các quy tắc ứng xử để tránh va chạm tại Biển Đông; nguồn cá, nghề cá và bảo vệ tài nguyên sinh vật biển; nghiên cứu khoa học biển; khai thác tài nguyên biển bền vững và Phiên đặc biệt cho phép giới trẻ chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết