Tinh thần bất khuất của người chiến sĩ
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ (AHLLVTND, LS) Phan Văn Tình sinh năm 1941, tại ấp An Hòa 1, xã Bình Phong Thạnh (nay là xã Bình An), huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Thủ Thừa - Trần Văn Tỷ kể chuyện về tấm gương chiến đấu anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Phan Văn Tình cho thế hệ trẻ
18 tuổi, chàng trai trẻ Phan Văn Tình theo tiếng gọi của non sông tham gia cách mạng. Thời gian hoạt động cách mạng chỉ vỏn vẹn 3 năm nhưng ông lập được nhiều chiến công khiến quân thù khiếp sợ. Trong đó, đặc biệt nhất là trận phục kích, chặn đánh xe Trung úy ngụy tên Tâm tại Lộ Dừa, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa. Sau khi nắm được quy luật đi lại, hoạt động của quân địch, lực lượng du kích gồm 4 người, trong đó có đồng chí Phan Văn Tình cùng tiểu đội công binh của tỉnh phục kích chặn đánh xe Trung úy Tâm, tiêu diệt 12 tên địch, thu 12 súng và máy bộ đàm.
Đến ngày 20/10/1962, địch phản kích tại ấp Bà Phổ (nay thuộc xã Bình Thạnh) khiến 3 đồng chí hy sinh. Sáng ngày 24/10/1962, địch mở cuộc càn lớn tại Mỹ An Phú, Mỹ Lạc và Bình Phong Thạnh. Chúng dùng máy bay, pháo binh, tàu chiến và bộ binh ồ ạt tấn công. Đồng chí Phan Văn Tình bị thương ở chân và bị địch bắt khi đang ẩn nấp.
Sau khi bắt Phan Văn Tình, chúng vào nhà dân lấy dây cột trâu lôi cổ ông, dùng xe RMC kéo lê ra đường đá đỏ để sỏi đá, vật nhọn cào cấu da thịt, trong khi ông cũng đang bị thương do trúng đạn. Phan Văn Tình thà chết chứ không khai báo nên bị bắn gãy chân còn lại.
Khi bị lôi đến chợ Thủ Thừa, ông chỉ vào mặt bọn giặc và dõng dạc: “Bọn bây bắn chết tao chứ đừng dụ tao hàng. Đả đảo Mỹ - Diệm, đế quốc Mỹ cút đi. Bình Phong Thạnh muôn năm!”. Giặc Mỹ không khai thác được gì nên vung lưỡi lê đâm vào cổ người chiến sĩ.
Hồi ức của đồng đội cũ
Những ký ức về LS Phan Văn Tình đến giờ vẫn mãi in hằn trong tâm trí Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) huyện Thủ Thừa - Trần Văn Tỷ, người đồng chí, đồng đội cùng vào sinh, ra tử với người chiến sĩ kiên trung ngày ấy. Điều đặc biệt giữa ông Tỷ và LS Phan Văn Tình là cả 2 được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và Đảng Cộng sản Việt Nam cùng ngày, tháng, năm. Nhỏ hơn 1 tuổi nên ông Trần Văn Tỷ luôn xem LS Phan Văn Tình như người anh trai, người thân ruột thịt.
Trường THPT Thủ Khoa Thừa đến thăm Mẹ VNAH Phan Thị Tâm, chị ruột LS Phan Văn Tình
Ông Tỷ bồi hồi: "Sáng ngày 24/10/1962, khi tôi và anh Phan Văn Tình vận động nhân dân đấu tranh chính trị thì bị địch bắn. Cùng 1 viên đạn, sau khi xuyên hông của tôi thì nằm lại ở đầu gối Phan Văn Tình. Máu chảy nhiều, chúng tôi dìu nhau lội qua sông rồi chia ra trốn, đề phòng địch giết cả hai. Tôi may mắn được một người cứu sống. Khi anh Tình trốn vào vườn mía, địch thấy dấu máu nên lần theo và bắt sống, hành hạ, kéo lê ngoài đường rồi giết chết. Sau đó, gia đình muốn chôn cất nhưng chúng còn ngăn cản, cho thi thể anh vào quan tài rồi thả trôi trên sông, đến xã Nhị Thành thì được người dân vớt lên an táng".
Quyết trả thù cho đồng đội, ngay trong buổi chiều hôm ấy, toàn thể du kích xã Bình Phong Thạnh phục kích, chặn đánh tàu của giặc khiến 26 tên bị thương và giải thoát được 20 thanh niên đang bị bắt trên tàu.
Hiện tại, dù ở tuổi thất thập nhưng ông Trần Văn Tỷ vẫn thường đến các trường học trên địa bàn huyện kể chuyện về tấm gương chiến đấu anh dũng của AHLLVT, LS Phan Văn Tình. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, giúp thế hệ hôm nay biết trân trọng thành quả hy sinh của cha anh đi trước.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Khoa Thừa (thị trấn Thủ Thừa) -Đặng Thị Thanh Hà cho biết: “Qua những buổi nói chuyện trực tiếp với nhân chứng sống như bác Trần Văn Tỷ, các em hình dung, cảm nhận được sự gian khổ, mất mát của những người đi trước một cách dễ dàng hơn là chỉ nghe qua bài giảng khô khan trên sách vở. Chúng tôi đang nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Tâm - chị ruột LS Phan Văn Tình, trên 3 năm. Đây cũng là cách để tập thể giáo viên, học sinh nhà trường thể hiện lòng biết ơn với những người không tiếc máu xương vì độc lập dân tộc”.
Đến giờ, vết đạn trên hông của ông Trần Văn Tỷ là “kỷ vật” còn lại của ông và người anh em một thời gắn bó. Chiến tranh lùi xa nhưng vết thương năm nào vẫn chưa thể “lành” trong tâm trí người đồng đội cũ. Với ông Trần Văn Tỷ, những kỷ niệm bên đồng chí, đồng đội, người vĩnh viễn nằm lại vì độc lập, tự do như hôm nay không thể nào quên.
Khi đó, sự hy sinh của LS Phan Văn Tình là động lực để ông cùng đồng đội quyết tâm chiến đấu, tiếp tục sứ mệnh mà LS Phan Văn Tình còn dang dở. Hiện tại, dù tuổi cao, sức khỏe bắt đầu suy giảm nhưng ông vẫn miệt mài làm nhiệm vụ giáo dục truyền thống, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, lòng cảm phục với những người ngã xuống cho thế hệ trẻ hôm nay biết trân trọng giá trị của độc lập, tự do.
LS Phan Văn Tình được truy tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 20/10/1994 và được thờ cúng tại đình An Hòa I, xã Bình An từ năm 2006 đến nay. Được biết, ấp An Hòa I (nay thuộc xã Bình An, huyện Thủ Thừa), quê hương của LS Phan Văn Tình, lúc bấy giờ chỉ có 11 hộ gia đình với 18 thanh niên nhưng tham gia cách mạng đến 13 người và người còn sống duy nhất là ông Trần Văn Tỷ. Hiện tại, cả ấp có 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngày nay, tên AHLLVTND, LS Phan Văn Tình được đặt cho một con đường tại thị trấn Thủ Thừa nhằm ghi khắc công lao của người anh hùng bất khuất, nhắc nhở thế hệ hôm nay về lòng biết ơn với người ngã xuống vì độc lập dân tộc./. |
Cát Tường