Nét uy nghiêm, bề thế một thời của các căn nhà cổ dường như chỉ còn trong ký ức!
Nhà Trăm cột và cụm nhà cổ Thanh Phú Long là 2 khu nhà cổ được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Hai công trình này mang nhiều giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử và đang được gìn giữ từng ngày.
Mang đậm giá trị nghệ thuật, kiến trúc
Hơn 100 năm trôi qua, Nhà Trăm cột (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) vẫn lặng lẽ nép mình trong khu vườn rộng cạnh một dòng sông. Được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của nhóm thợ miền Trung, xây dựng bằng các loại gỗ tốt (cẩm lai, gõ đỏ) và ngói mua tận vùng Sông Bé lúc bấy giờ nên Nhà Trăm cột là công trình có giá trị rất lớn về kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ. Nhà Trăm cột có kết cấu kiểu nhà rường xuyên trính và mang đậm dấu ấn phong cách Huế.
Bà Trần Thị Ngõ - người trông coi ngôi nhà, cho biết: Nhà Trăm cột được ông cố của bà là ông Hội đồng Trần Văn Hoa xây dựng vào năm 1901 để ở và thờ cúng tổ tiên. Thời điểm đó, trong khi đa số người dân còn ở nhà lá thì Nhà Trăm cột trở nên nổi bật với vẻ đẹp sang trọng, bề thế. Không chỉ rộng lớn, được xây dựng bằng gỗ tốt, Nhà Trăm cột còn được trang trí bằng những đường nét chạm trổ cầu kỳ. Các kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi,... được thể hiện một cách điêu luyện và hài hòa. Nhà Trăm cột được xem là tư liệu phong phú, sinh động cho việc nghiên cứu loại hình nghệ thuật điêu khắc. Từ kỹ thuật chạm đến đề tài, cách trình bày cũng như bố cục chạm trổ đều hết sức phong phú và sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách Huế, Nam bộ và mỹ thuật phương Tây.
Nhà Trăm cột mang đậm giá trị nghệ thuật điêu khắc
Cũng như Nhà Trăm cột, cụm nhà cổ Thanh Phú Long lưu giữ nhiều giá trị lớn về kiến trúc và điêu khắc. Được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cụm nhà cổ Thanh Phú Long thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn (một dòng họ nổi danh lúc bấy giờ) và được mệnh danh là Xóm nhà giàu! Cụm nhà cổ Thanh Phú Long là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Việt Nam và kiến trúc Pháp. Cụm nhà cổ Thanh Phú Long còn là nơi lưu dấu ấn của các nghệ nhân điêu khắc thuộc dòng họ Đinh, huyện Cần Đước. Các kỹ thuật chạm độc, chạm ém mí, chạm tỉa tách,... được thể hiện một cách điêu luyện và chắc tay.
Giờ đây, giữa rất nhiều kiến trúc hiện đại thì cụm nhà cổ Thanh Phú Long không còn nổi bật, nhưng địa danh Xóm nhà giàu vẫn tồn tại như sự khẳng định vị trí thượng lưu của gia chủ một thời.
Nét uy nghiêm chỉ còn trong ký ức
Những căn nhà cổ của xóm nhà giàu nằm giữa vườn thanh long xanh mướt. Cụm nhà cổ được công nhận là di tích gồm 3 nhà, trong đó có 1 nhà đã được trùng tu, tôn tạo. Bà Nguyễn Thị Phượng - chủ nhân đời thứ tư của căn nhà cổ do ông Nguyễn Hữu Hoanh xây dựng, cho biết: “Hồi trước, nhà này xuống cấp nhất trong 3 ngôi nhà cổ ở đây nhưng sau này được Nhà nước đầu tư trùng tu nên mới giữ được như vầy”.
Bà Phượng chỉ sang căn nhà cổ bên cạnh nhà bà. Những biểu trưng của một thời vàng son, sung túc dường như không còn đọng lại trong căn nhà cổ đó. Căn nhà nằm giữa khu vườn um tùm, mặt tiền nhà xuống cấp trầm trọng và trở thành vựa chứa củi khô; tường loang lổ, cột bị vỡ từng mảng, mái ngói chuyển màu đen. Bà Phượng cho biết, dù căn nhà đó đã xuống cấp nhưng vẫn có người ở và chủ yếu sinh hoạt ở khu vực phía sau nhà. Bà kể thêm: “Sống trong căn nhà xuống cấp như vậy, ai chẳng lo sợ! Nhưng bỏ hàng tỉ đồng trùng tu, tôn tạo như cũ thì không có khả năng,...”.
Đó cũng là “cái khó” nêu trong Báo cáo về kết quả điều tra nhà cổ Long An thực hiện năm 2006. Theo báo cáo đánh giá, chủ nhân các ngôi nhà cổ trong tỉnh đang đứng trước lựa chọn sửa chữa nhà cổ chi phí cao với xây dựng nhà khang trang cấp 3, cấp 4 với chi phí thấp hơn. Từ đó, khiến việc giữ gìn và bảo tồn nhà cổ trở nên khó khăn.
Theo chủ nhân các ngôi nhà cổ hiện nay, việc trùng tu, bảo quản vượt quá khả năng của các gia đình. Các gia đình chỉ có thể nỗ lực giữ cho nhà không bị mối mọt tấn công
Bà Trần Thị Ngõ cũng đồng tình với đánh giá trên: “Nhà Trăm cột từng được Nhà nước đầu tư sửa chữa, tu bổ, kinh phí hàng tỉ đồng. Số tiền đó vượt quá khả năng của gia đình. Giờ đây, tôi chủ yếu bảo quản gỗ trong nhà, tránh mối mọt”.
Nhà Trăm cột được đánh giá là kiến trúc nhà cổ duy nhất trong tỉnh gần như còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, qua thời gian, công trình không tránh khỏi xuống cấp mặc dù đã được quan tâm trùng tu. Nét uy nghiêm, bề thế một thời dường như chỉ còn trong ký ức!
(còn tiếp)
Bài 2: Còn nhiều trăn trở
Phương Phương