Tiếng Việt | English

20/04/2021 - 09:50

Hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 10/3 Âm lịch hàng năm, người dân cả nước hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Cội nguồn ấy chính là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Tên đường Hùng Vương mang sứ mệnh giáo dục người dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc

Nhớ về cội nguồn - nghĩ đến trách nhiệm

Giỗ Tổ là dịp để mỗi người nghĩ về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, chung một nguồn cội. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang giá trị lòng yêu nước, niềm tự hào của những người cùng chung dòng máu Lạc Hồng.

Là một trong những người con phương Nam luôn vọng về Quốc Tổ, hàng năm, chị Nguyễn Thị Nhi (thường trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) đều đến Khu tưởng niệm các Vua Hùng tại TP.HCM dâng hương, dâng hoa lên Quốc Tổ theo nghi thức cổ truyền. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên gia đình chị thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế và hạn chế tập trung nơi đông người. “Thể hiện tấm lòng thành kính hướng về những người có công dựng nước, năm 2020 và năm nay, gia đình tôi làm một mâm cơm cúng các Vua Hùng. Tôi và các thành viên trong gia đình tâm niệm luôn cố gắng lao động, phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương, đất nước” - chị Nhi chia sẻ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Làm theo lời dạy của Bác, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã Long Hiệp, huyện Bến Lức luôn phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm trên mọi mặt trận. Nổi bật là công tác về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.

Bí thư Đoàn xã Long Hiệp - Trương Thanh Hiếu chia sẻ: “Thời gian qua, Đoàn Thanh niên xã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thuyết các Vua Hùng. Qua đó, góp phần giáo dục đoàn viên, thanh niên về cội nguồn của dân tộc, thấu hiểu các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất nước, con người Việt Nam được vun đắp, hình thành từ thời đại Hùng Vương. Là thế hệ trẻ, chúng tôi sẽ cố gắng học tập, lao động, sản xuất để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống con Lạc, cháu Hồng”.

Nhớ về cội nguồn, cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, tại Long An có nhiều tuyến đường được đặt theo tên các anh hùng, liệt sĩ có công lớn đối với quê hương, đất nước. Tại TP.Tân An, tuyến đường mang tên Hùng Vương là tuyến đường chính của thành phố. Tên đường mang sứ mệnh truyền tải thông tin đến người dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Xứng danh ngôi trường mang tên Hùng Vương

Hàng năm, cứ gần đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, học sinh Trường THPT Hùng Vương, phường 5, TP.Tân An lại được nhà trường tổ chức cuộc thi tìm hiểu về truyền thuyết các vua Hùng. Đề thi bao gồm 18 câu hỏi trắc nghiệm và 2 câu hỏi tự luận, xoay quanh nội dung về một số lễ phẩm chính diễn ra trong nghi thức tế lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; nghi lễ hát trong hội đền Hùng; phân tích, làm rõ về truyền thuyết các vua Hùng và cảm nhận của thế hệ trẻ đối với công lao to lớn của các vị vua Hùng. Hội thi còn góp phần xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; thực hiện nhiệm vụ hoạt động trong năm học 2020-2021 của Đoàn trường THPT Hùng Vương.

Trường THPT Hùng Vương lược trích tiểu sử truyền thuyết Quốc Tổ Hùng Vương và đặt tại vị trí trang trọng trong khuôn viên trường

Ngoài ra, nhà trường còn lược trích tiểu sử truyền thuyết Quốc Tổ Hùng Vương và đặt tại một vị trí trang trọng trong khuôn viên trường. Đây là hình thức tuyên truyền trực quan sinh động để rèn luyện, giáo dục học sinh.

Thông qua mỗi câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước hay câu nói bất hủ của Bác Hồ tại Đền Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đã gieo vào lòng các em tinh thần yêu nước, những ý niệm “Uống nước nhớ nguồn” và yêu thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc,... Cũng từ đó, hướng các em đến những hoạt động lành mạnh, ý nghĩa và có chung cảm nhận được học tại ngôi trường mang tên vua Hùng thật sự là niềm vinh dự.

Em Võ Lê Minh Nguyên - học sinh lớp 12A5, Trường THPT Hùng Vương, chia sẻ: “Được tham gia hội thi và được thầy, cô giáo dạy những bài học về truyền thuyết Vua Hùng giúp em hiểu hơn về cội nguồn dân tộc. Em cảm thấy tự hào vì được học tập và trưởng thành dưới mái trường mang tên Quốc Tổ. Em sẽ cố gắng học thật tốt và không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, sau này trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội”.

Trường tổ chức cho học sinh tìm hiểu truyền thuyết các Vua Hùng được lồng ghép trong Hội thi Rung chuông vàng

Truyền thuyết các vua Hùng còn được giáo viên bộ môn Lịch sử, Ngữ văn lồng ghép giảng dạy trong các tiết học; giáo dục ngoài giờ; những tiết ngoại khóa và lồng ghép trong Hội thi Rung chuông vàng. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương - Đỗ Thành Hưng thông tin: “Trước đây, nhà trường vừa tổ chức cho học sinh tham dự hoạt động hướng nghiệp tại các trường đại học trên địa bàn TP.HCM, vừa dẫn các em dâng hương, tham quan Khu tưởng niệm các Vua Hùng. Năm nay, trường không tổ chức hoạt động này do chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

Công đức các Vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng, dân tộc  tôn thờ, biết ơn. Đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước của dân tộc. Ý thức thờ phụng các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước. Nhớ về nguồn cội, thế hệ hôm nay càng tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc và không ngừng nỗ lực học tập, công tác, lao động, sản xuất xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng đặc biệt quốc gia. Nơi đây thờ phụng các vị Vua Hùng đã có công gây dựng nên nhà nước Văn Lang tồn tại qua 18 đời, trong thời kỳ này là buổi sơ khai hình thành nên một nước Văn Lang độc lập. Dân tộc Việt Nam từ đây phát triển trải qua hàng ngàn năm đến bây giờ. Di tích Đền Hùng trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Việt nói riêng, văn hóa phương Đông nói chung và được UNESCO công nhận là một trong những kỳ quan văn hóa phi vật thể của loài người cần được bảo tồn và phát triển.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết