Tiếng Việt | English

18/07/2018 - 23:25

ICT Summit: Sáu thông điệp quan trọng hướng tới Chính phủ số

Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có đủ năng lực và luôn sẵn sàng tiên phong, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế-xã hội số.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại ICT Summit 2018. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)

Sau một ngày làm việc, Diễn đàn cấp cao về công nghệ thông tin, viễn thông Việt Nam (ICT Summit) 2018 đã đưa ra sáu thông điệp chính nhằm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025.

Với chủ đề "Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số," sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức tập trung thảo luận 3 nội dung chính gồm: Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; Kinh tế số; Hạ tầng số.

Các thông điệp của diễn đàn gồm:

Thứ nhất: Đặt quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị cùng cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu các cấp, các ngành; đồng thời, thay đổi từ nhận thức đến hành vi củacác cấp, các ngành và toàn xã hội về chính phủ điện tử, kinh tế số và hạ tầng số.

Thứ hai: Đồng thuận và nỗ lực chung tay hành động quyết liệt, kịp thời và kiên trì của tất cả các chủ thể, từ chính quyền đến người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba: Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2018-2020, hướng đến 2025, bao gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý; xây dựng và phát triển hạ tầng số; đào tạo, tái đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số cho cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tư: Dành đủ nguồn lực cho xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định các mục tiêu trọng tâm ưu tiên đầu tư; chú trọng xã hội hóa, phát huy mạnh mẽ sự đóng góp của khu vực tư nhân trong tiến trình này.

Thứ năm: Đảm bảo sự tham gia tích cực, chủ động của mọi chủ thể trong xây dựng chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số, chú trọng phát huy vai trò chủ thể chính của người dân, doanh nghiệp, coi đây là nhân tố trung tâm vàđảm bảo vai trò kiến tạo của Chính phủ là yếu tố then chốt.

Thứ sáu: Tạo lập cơ chế đảm bảo thực thi và hệ thống chỉ số đánh giá chất lượng, hiệu quả thực thi; vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm về mô hình Cơ quan đảm bảo hiệu quả thực thi Chương trình chuyển đổi quốc gia của Malaysia vào thực tiễn tại Việt Nam.

Diễn đàn đánh giá cao việc thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch, trực tiếp chỉ đạo và có sự tham gia của đại diện khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong việc xác định và thực thi nhiệm vụ. 

Phía VINASA cũng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có đủ năng lực và luôn sẵn sàng tiên phong, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế - xã hội số./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết