Tiếng Việt | English

05/10/2018 - 22:20

Iran bị Mỹ “gọi tên” trong chiến lược chống khủng bố 2018

Mỹ đặt mục tiêu đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0, với cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo là “ngân hàng” tài trợ khủng bố.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “ưu tiên” trừng phạt Iran và các nhóm vũ trang nhận hỗ trợ từ Tehran. Điều này được thể hiện cụ thể trong bản chiến lược chống khủng bố Mỹ công bố ngày 4/10, nhằm tăng cường sức ép từ Washington với Tehran.

Iran bị Mỹ “gọi tên” trong chiến lược chống khủng bố 2018. Ảnh: Adobe Stock

Iran bị Mỹ “gọi tên” trong chiến lược chống khủng bố 2018. Ảnh: Adobe Stock

Chiến lược chống khủng bố 2018

Bản chiến lược do Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton công bố lần này thể hiện rõ mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở khu vực Trung Đông, phong tỏa chương trình tên lửa chiến lược của nước Cộng hòa Hồi giáo. Mỹ muốn buộc Iran trở lại bàn đàm phán bằng việc áp đặt lại các lệnh trừng phạt mạnh mẽ.

Bản chiến lược chống khủng bố này được công bố lần đầu tiên năm 2011 dưới thời Tổng thống Barack Obama, với mục tiêu nhắm tới lúc này là các mối đe dọa từ mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt. Trong bản chiến lược 2011, Iran chỉ được nhắc đến duy nhất một lần trong phần cuối của văn bản này và được gọi là “quốc gia đang hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố”.

Chiến lược mới dưới thời chính quyền Donald Trump nêu đích danh Iran là trung tâm trong các mối quan ngại của Mỹ.

“Mỹ đối mặt với những mối đe dọa khủng bố từ Iran, khi nước này vẫn nhà trợ khủng bố tiềm năng nhất”, Cố vấn An ninh John Bolton tố Iran trước các phóng viên.

Theo ông Bolton, các mối đe dọa từ khủng bố và thách thức an ninh vẫn hiện hữu dù các lực lượng do Mỹ hỗ trợ đã giành được những chiến thắng trước nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại nhiều khu vực ở Syria và Iraq trong vài năm qua.

Dầu mỏ- Mục tiêu trừng phạt chính

Sự đối đầu và thù địch giữa Washington và Tehran đang không ngừng gia tăng sau khi Tổng thống Trump tháng 5 vừa qua tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran và P5+1. Cùng với quyết định này, Mỹ cũng áp đặt trở lại hàng loạt trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.

Kế hoạch mở rộng trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran sẽ bao gồm các lệnh trừng phạt mới với lĩnh vực dầu mỏ từ ngày 4/11 tới. Cố vấn Bolton tuyên bố kế hoạch sẽ buộc các nhà nhập khẩu dầu thô của Iran giảm lượng nhập khẩu xuống mức “zero”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nổi tiếng với “tư tưởng diều hâu” nhắm tới Iran. Ông Bolton tin rằng áp đặt lại các lệnh trừng phạt đã gây “áp lực chồng lên áp lực” với các nhà lãnh đạo Iran. Bản chiến lược chống khủng bố của chính quyền Mỹ sẽ vạch ra kế hoạch hành động chi tiết cho quân đội và giới tình báo, cũng như sự hợp tác với các đối tác và đồng minh. Kết hợp với đó, Mỹ sẽ sử dụng các lệnh trừng phạt hay các “công cụ tài chính” để gia tăng sức ép.

Từ việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đến tái áp đặt trừng phạt Iran đều là hành động đơn phương từ Mỹ, mà mới đây nhất, người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Bahram Qasemi ngày 3/10 gọi là chính sách “đơn phương và nguy hiểm” của Washington. Trong khi đó, các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân 2015, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), vẫn đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này theo phiên bản không có Mỹ.  

Giới phân tích nhiều lần đặt câu hỏi rằng liệu các trừng phạt của Mỹ nhằm vào xuất khẩu dầu của Iran sẽ thành công? Các chuyên gia chỉ ra thực tế rằng Trung Quốc sẽ không giảm mà thậm chí còn tăng lượng dầu mua của Iran. Bên cạnh đó, để đối phó với trừng phạt của Mỹ, Iran cũng có thể tìm đến đồng minh Nga. Với Nga, vốn đã có sẵn hàng loạt doanh nghiệp nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ thì những doanh nghiệp này không có lý do gì để không mua dầu thô của Iran.

Một diễn biến mới nghiêng về Iran trong cuộc đối đầu với Mỹ, là việc Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ngày 3/10 ra phán quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các trừng phạt Iran có liên quan tới hàng hóa viện trợ nhân đạo và vấn đề hàng không dân dụng.

“Trên lĩnh vực nhân đạo, Mỹ phải dỡ bỏ những trở ngại về tự do xuất khẩu hàng hóa liên quan đến các vấn đề nhân đạo”, phán quyết ngày 3/10 của ICJ nêu rõ.

Phán quyết của ICJ nhận được hoan nghênh mạnh mẽ từ Tehran. “Phán quyết này một lần nữa khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào người dân và đất nước Iran là bất hợp pháp và tàn khốc”, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định.

Các phán quyết của ICJ có tính ràng buộc nhưng không có quyền lực để thực thi. Mỹ sau đó tuyên bố đáp trả rằng sẽ rút khỏi Hiệp ước Hữu nghị 1955 với Iran, vốn là căn cứ để Tehran kiện Mỹ lên ICJ vì các lệnh trừng phạt vi phạm Hiệp ước này./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết