Tiếng Việt | English

10/12/2024 - 08:19

Phòng tránh tai nạn làm việc trong không gian hạn chế, không gian kín

Minh họa: Internet

I. Làm việc trong không gian hạn chế là gì?

Theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BLĐTBXH, không gian làm việc hạn chế được xác định khi có đầy đủ các đặc điểm sau:

- Đủ lớn để chứa người lao động làm việc;

- Về cơ bản không được thiết kế cho người vào làm việc thường xuyên;

- Có một trong các hạn chế hoặc kết hợp các hạn chế sau:

+ Hạn chế không gian, vị trí làm việc;

+ Hạn chế việc trao đổi không khí với môi trường bên ngoài;

+ Hạn chế lối vào, lối ra bởi vị trí hoặc kích thước (không thuận lợi cho việc thoát hiểm).

II. Các loại hình tai nạn do làm việc trong không gian kín

1. Các loại hình tai nạn trong sản xuất công nghiệp:

- Làm việc khi bảo trì, sửa chữa trong các hệ thống xử lý hơi lò đốt, hố gas, hệ thống xử lý nước thải;

- Làm việc trong các kho kín chứa hóa chất, hầm tàu;

- Làm việc, sửa chữa/bảo trì các đường ống, hầm, lò.

2. Các loại hình tai nạn trong sản xuất nông nghiệp:

- Xuống các hầm chứa động cơ máy tàu, sà lan;

- Vào các kho có đặt thuốc xông chống mối mọt, côn trùng, ngũ cốc, các loại hạt, lương thực.

3. Các loại hình tai nạn trong sinh hoạt:

- Sưởi ấm trong nhà kín;

- Chạy máy nổ (động cơ đốt trong) dưới hầm nhà, nhà để xe chung cư, trong khu vực kín;

- Thao/vét giếng đào trong mùa khô;

- Vệ sinh hầm biogas.

III. Nguyên nhân:

Các yếu tố nguy hiểm, có hại trong không gian hạn chế là những yếu tố có thể gây ra chết người, thương tích, mệt mỏi, suy nhược,... gồm:

- Hàm lượng oxy trong không khí không đủ để cung cấp cho người vào làm việc bên trong (nhỏ hơn 19,5% so với thể tích bên trong không gian hạn chế);

- Không khí có chứa chất độc hoặc chất nguy hiểm có thể xâm nhập qua hệ hô hấp của con người (chất độc và chất nguy hiểm ở dạng khí, hơi hoặc bụi);

- Hóa chất có khả năng gây ra phơi nhiễm hóa chất do tiếp xúc qua da;

- Các chất dễ cháy, nổ có thể tồn tại ở dạng rắn, lỏng, bụi, hơi hoặc khí nếu gặp nguồn nhiệt có thể gây cháy, nổ;

- Vi sinh vật có hại.

IV. Quy định khi vào làm việc và ra khỏi không gian hạn chế

- Người sử dụng lao động hoặc người quản lý trực tiếp tại cơ sở sản xuất phải bảo đảm hoàn thành việc đánh giá rủi ro và kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho con người trước khi cấp phép, chấp thuận cho con người vào không gian hạn chế;

- Không ai được phép vào bên trong không gian hạn chế nếu chưa được cấp phép, chấp thuận bởi người có trách nhiệm tại đơn vị;

- Lối vào không gian hạn chế phải gắn biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và cấm người không có nhiệm vụ liên quan. Khi không có người bên trong và người canh gác vắng mặt thì các lối ra vào không gian hạn chế phải được che chắn phù hợp để ngăn không cho người không có thẩm quyền, không được cấp phép vào bên trong không gian hạn chế.

Làm gì để kiểm soát các yếu tố nguy cơ xảy ra tai nạn khi làm việc trong không gian kín:

Kiểm soát hàm lượng oxy: Bảo đảm hàm lượng oxy trong không gian kín không thấp hơn 19,5% so với thể tích bên trong. Sử dụng các thiết bị đo oxy để kiểm tra định kỳ.

Kiểm soát chất độc và chất nguy hiểm: Sử dụng hệ thống thông gió hiệu quả để loại bỏ chất độc và chất nguy hiểm từ không gian kín. Sử dụng trang bị bảo vệ cá nhân phù hợp để bảo vệ hệ hô hấp và da khỏi phơi nhiễm.

Kiểm soát khả năng nhìn: Bảo đảm ánh sáng đủ và kiểm soát ánh sáng để tránh mất khả năng nhìn và biến dạng không gian.

Kiểm soát vi sinh vật: Áp dụng các biện pháp vệ sinh đặc biệt để ngăn chặn sự phát triển và lây nhiễm của vi sinh vật có hại trong không gian kín.

V. Khi thấy nạn nhân gặp sự cố cần làm thế nào?

• Những người được cử tham gia vào lực lượng ứng cứu trong không gian hạn chế phải được đào tạo, huấn luyện.

• Bảo đảm trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ cần thiết cho đội cứu nạn, cứu hộ.

• Chuẩn bị dụng cụ và thiết bị cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp. Các loại dụng cụ cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp như bình oxy, bình chữa cháy, dây cứu nạn, đèn, cáng và các thiết bị cứu thương khác.

Đầu tiên hãy di chuyển nạn nhân khỏi nơi nguy hiểm, nguồn ngạt khí: Nếu có thể, hãy di chuyển ra xa nguồn ngạt khí ngay lập tức để hít không khí trong lành.

Hỗ trợ hô hấp: Khi có người bị ngạt, việc cấp cứu ngay tại chỗ rất quan trọng. Trong trường hợp ngưng tim, ngưng thở, người bệnh cần phải được xoa bóp tim ngay và hà hơi thổi ngạt, thực hiện hồi sức tim phổi (CPR)./.

Khoa Bệnh nghề nghiệp - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Chia sẻ bài viết