Tiếng Việt | English

09/10/2020 - 15:01

Kêu gọi "sự đoàn kết mới" trong LHQ để giải quyết hậu quả COVID-19

Tại cuộc thảo luận của Ủy ban thứ 3 Đại hội đồng LHQ, đại diện nhiều nước nhấn mạnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã phơi bày và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện nay.


Nhân viên y tế kiểm tra tình trạng bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Jakarta, Indonesia ngày 25/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại diện các nước và các nhóm nước tham gia cuộc thảo luận thường niên của Ủy ban thứ 3 (còn được biết đến là Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa) của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 8/10 đã kêu gọi "sự đoàn kết mới" trong giải quyết hậu quả của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vốn đã phơi bày và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng khó có thể thay đổi hiện nay.

Tại cuộc thảo luận, đại diện một số nước nhấn mạnh đại dịch đã phơi bày và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện nay.

Đại diện của Indonesia cho rằng dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy sự bất bình đẳngkhông chỉ giữa các quốc gia, mà còn giữa các cộng đồng trong mỗi quốc gia.

Indonesia cam kết sẽ tập trung vào việc chấm dứt bạo lực đối với trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh, cũng như tăng cường sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, cũng như chính trị.

Đại diện của Cape Verde cho rằng dịch COVID-19 không nên là nguyên nhân gây ra sự chia rẽ mới giữa các quốc gia phát triển có tiềm lực để giúp giảm nhẹ tác động của đại dịch và các quốc gia đang phát triển vốn có nguồn lực tài chính hạn chế và đang đóng cửa các lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Thể hiện hy vọng về "sự đoàn kết mới", đại diện của Cape Verde đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ về chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, có thể giúp các quốc gia phục hồi nhanh chóng, đồng thời giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giữa và trong các xã hội. Cape Verde cho rằng điều quan trọng là phải thực thi quyền của trẻ em, phụ nữ, người di cư, người tị nạn, người bản địa, người khuyết tật, người già và thanh niên, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp cận chung với vắcxin và các nguồn cung thiết bị y tế.

Đại diện của Nicaragua, thay mặt cho Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (CAIS), đã kêu gọi phân phối vắcxin một cách công bằng khi có vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19, cũng như các công nghệ y tế khác nhằm chống lại dịch bệnh với giá cả phải chăng.

Đại diện của Nicaragua khẳng định cam kết của CAIS về sự công bằng, bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ, cũng như trẻ em gái trong việc thúc đẩy sự tham gia chính trị của phụ nữ.

Đại diện của Mông Cổ, cũng đại diện cho Nhóm 77 và Trung Quốc, cho rằng dịch COVID-19 là "phép thử lớn nhất mà chúng ta cùng phải đối mặt."

Ngoài việc gây ra nhiều vấn đề về nhân quyền, đại dịch cũng đặt ra một thách thức chưa từng thấy đối với sự phát triển, cản trở tiến bộ trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Đại diện của Oman cho biết từ năm 1970, nước này đã chu cấp đầy đủ sự chăm sóc y tế và giáo dục cho tất cả người dân dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử.

Định hướng này được nêu rõ trong Tầm nhìn Oman 2020 và 2040 với các nỗ lực phát triển bền vững là cốt lõi.

Văn kiện này cũng đảm bảo hệ thống luật pháp đầy đủ hướng đến bảo vệ phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em và các cộng đồng khác, hỗ trợ họ theo hướng thúc đẩy họ tham gia vào tất cả các lĩnh vực khi mà phụ nữ chiếm 40% lực lượng lao động.

Đại diện của Italy, thay mặt cho Liên minh châu Âu (EU), cho rằng nỗ lực khôi phục sau đại dịch cần phải bao gồm việc thúc đẩy và bảo vệ đẩy đủ quyền phụ nữ, cũng như quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, đối tượng vốn phải chịu nhiều hình thức bạo lực.

Ủy ban thứ 3 là một trong 6 ủy ban chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề về nhân quyền, nhân đạo và các vấn đề xã hội.

Ủy ban này nhóm họp mỗi năm 1 lần vào đầu tháng 10 và tất cả 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc có thể tham gia./.

Theo TTXVN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết