"Người dân tin tưởng mới báo tin"
Reng... reng... reng... tiếng chuông điện thoại đường dây nóng của Công an huyện Bến Lức vang lên lúc 22 giờ. Tại phòng trực ban, cán bộ ngay lập tức bắt máy. Đầu dây bên kia là một người dân báo tin, vừa đi qua Đường tỉnh 830, đoạn thuộc ấp 1A, xã An Thạnh, khu vực gần đường rẽ vào cao tốc Trung Lương - TP.HCM có một nhóm hơn 10 thanh niên đang dựng xe máy tụ tập, trên tay cầm hung khí như mã tấu, kiếm,... Thấy vậy, những người qua đường đều hết sức sợ hãi. Mong các anh kiểm tra, giải quyết, xử lý,...
Bảng cảnh báo tội phạm có kèm số điện thoại đường dây nóng của công an được gắn bên đường
Ngay lập tức, Công an huyện phân công một số cảnh sát hình sự và thông tin với Công an xã An Thạnh để đến hiện trường. Đúng như trình báo, tại đây, lực lượng công an can thiệp, ngăn chặn kịp thời vụ đánh nhau và yêu cầu 15 thanh, thiếu niên có liên quan về trụ sở để làm rõ vụ việc; đồng thời, thu giữ gần 20 hung khí như dao, mã tấu, lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật. “Hôm đó, tôi cứ nghĩ sẽ xảy ra một vụ hỗn chiến nhưng rất may, lực lượng công an có mặt kịp thời ngăn chặn” - bà Nguyễn Thị Lý - người dân ở gần khu vực, kể.
Đó là vụ việc xảy ra vào cuối tháng 6/2021 mà Công an huyện Bến Lức đã nhanh chóng giải quyết sau khi tiếp nhận tin báo của người dân qua đường dây nóng điện thoại. Để người dân thông tin, phản ánh, tố giác tội phạm, Công an huyện chỉ đạo công an các xã, thị trấn tham mưu Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) cùng cấp khảo sát, lắp đặt cố định các biển cảnh báo phòng, chống tội phạm.
Trên các biển cảnh báo thể hiện nội dung khuyến cáo, cảnh báo, kêu gọi người đi đường cảnh giác, phòng, chống các loại tội phạm trên tuyến giao thông như trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản. Đồng thời, trên bảng có in số điện thoại đường dây nóng của Công an huyện, xã, thị trấn để người dân dễ dàng, nhanh chóng trình báo khi phát hiện tội phạm hoặc những nguy cơ mất an ninh, trật tự (ANTT).
Hiện trên địa bàn huyện lắp đặt 200 bảng cảnh báo tội phạm trên các khu dân cư, các tuyến đường ở huyện, trong đó nhiều nhất là các tuyến trọng điểm về ANTT như Quốc lộ 1, Đường tỉnh 830, 830C, 816, 832,... “Bảng cảnh báo tội phạm, in số điện thoại của công an được bố trí, lắp đặt ở những nơi thông thoáng, có đèn chiếu sáng vào ban đêm nên người đi đường dễ nhìn thấy. Nhiều lần đi ban đêm qua những đoạn đường vắng, khu dân cư còn ít người, nhìn thấy những bảng cảnh báo này cũng phần nào an tâm. Hơn nữa, bọn tội phạm khi thấy có nhiều bảng cảnh báo cũng lo sợ, nhiều khi không dám ra tay bởi biết rằng công an có thể xuất hiện bất cứ lúc nào” - anh Lê Văn Linh (xã Thạnh Đức) bày tỏ.
Để đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ huy Công an huyện Bến Lức thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở anh em thực hiện tốt công tác trực, tiếp nhận tin báo, tuyệt đối không được lơ là với những phản ánh, tin báo từ người dân.
“Tôi thường xuyên quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ về tinh thần trách nhiệm trong công việc. Mỗi khi tiếp nhận thông tin về ANTT, tội phạm, phải nhanh chóng kiểm tra, xác minh, báo cáo để xử lý kịp thời, giải quyết nhanh chóng. Người dân tin tưởng thì mới gọi báo cho công an, như vậy lực lượng công an phải có trách nhiệm lắng nghe, tiếp nhận, giải quyết nhanh chóng, kịp thời" - Thượng tá Trương Nhật Minh - Trưởng Công an huyện Bến Lức, nhấn mạnh.
Tăng sự kết nối với người dân
Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội hay nhiều công việc khác, nếu nhận được sự đồng tình, hỗ trợ, giúp đỡ của người dân thì khó thành dễ, hiệu quả sẽ cao. Đó chính là bài học dân vận mà cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Bến Lức luôn được nhắc nhở, yêu cầu thấm nhuần và thực hiện tốt.
“Những mô hình, phong trào BVANTQ, phòng, chống tội phạm hoặc như đường dây "nóng" tiếp nhận tin báo tội phạm cũng chính là sợi dây kết nối, tăng thêm sự gắn kết, gần gũi giữa công an, người dân và ngược lại” - Thượng tá Trương Nhật Minh nhấn mạnh.
Từ tin báo của người dân qua đường dây nóng, Công an huyện Bến Lức kịp thời ngăn chặn một nhóm thanh niên đánh nhau và tịch thu nhiều hung khí
Từ đầu năm 2021 đến nay, thông qua tin báo của người dân qua đường dây nóng đã giúp Công an huyện Bến Lức từ huyện đến xã xác minh, làm rõ 218 vụ, 539 đối tượng, triệt xóa 82 điểm tệ nạn xã hội, giải tán gần 200 nhóm thanh, thiếu niên tụ tập đêm khuya có biểu hiện gây rối trật tự công cộng,... Nhờ đó, góp phần quan trọng giữ vững tình hình ANTT tại địa phương.
Ngoài in số điện thoại vào bảng cảnh báo tội phạm, những năm qua, Công an huyện Bến Lức còn triển khai, thực hiện mô hình Móc khóa ANTT. Đến nay, toàn huyện cấp phát được gần 52.000 móc khóa cho người dân, với kinh phí xã hội hóa gần 400 triệu đồng.
Trên móc khóa cấp phát cho người dân đều có in số điện thoại đường dây nóng của lực lượng công an. Thông qua số điện thoại này, Công an huyện tiếp nhận được nhiều tin báo, tố giác tội phạm, gây rối ANTT, tệ nạn xã hội để kịp thời ngăn chặn, xử lý, bắt giữ.
Ông Lâm Văn Hùng (xã Mỹ Yên) gắn móc khóa này vào chìa khóa xe máy để thường xuyên mang theo bên người. Nếu phát hiện sự việc, tình huống mất ANTT, trộm, cướp, ông gọi báo cho lực lượng công an. “Có lần tôi báo tin trộm, chỉ một lúc sau, công an đã có mặt tại hiện trường” - ông Hùng kể. Cũng theo ông Hùng, cầm trên tay hàng ngày nên số điện thoại "nóng" của công an đã thuộc lòng. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhìn vào đó thì ông như được nhắc nhở phải nêu cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm.
Cùng với nhiều giải pháp, phương án thì phương thức công khai số điện thoại “nóng” nhận tin báo, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội như thời gian qua được đánh giá cao. Đặc biệt, cách làm này còn góp phần đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền về phong trào TDBVANTQ; nâng cao tinh thần cảnh giác và ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT. Thiết thực và ý nghĩa hơn là qua đường dây "nóng", công an và người dân càng gắn kết hơn, cùng tương trợ nhau giữ gìn sự yên bình của xóm, ấp./.
Lê Đức