Tiếng Việt | English

08/06/2017 - 20:41

Khi đàn ông may vá

Họ từng là thợ may nhưng khi nhu cầu sử dụng quần áo may sẵn tăng cao, số lượng người mua vải đến đặt may ít dần, họ chuyển sang sửa quần áo. Dù là thợ may hay thợ sửa quần áo, những người đàn ông ấy vẫn bám nghề may vá để mưu sinh.

Thăng trầm với nghề

Nhắc đến may vá, nhiều người nghĩ đó là việc của phụ nữ nhưng vẫn có một số đàn ông yêu thích, theo học và gắn bó với nghề này suốt mấy chục năm. Ông Nguyễn Hữu Hồng, 57 tuổi, ngụ khu phố 2, phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An gắn bó với nghề may từ năm 25 tuổi đến bây giờ. Hồi đó, ông làm 2ha ruộng ở huyện Mộc Hóa nhưng mùa màng thất bát. Thấy nghề may khi đó “ăn nên làm ra”, ông khăn gói lên Sài Gòn học nghề. Hơn 30 năm gắn bó với máy may, cây kim, sợi chỉ, ông Hồng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Vừa học nghề, vừa phụ việc ở tiệm may của anh trai, sau 6 năm, ông quay về Mộc Hóa thuê mặt bằng mở tiệm may. Vì chi phí khá cao lại ít khách, ông không trụ được nên chuyển “cơ nghiệp” về Cà Mau để mưu sinh. “Cứ nghĩ đến Cà Mau sẽ ổn vì chi phí thuê mặt bằng rẻ hơn Mộc Hóa. Vậy mà, chỉ được 3 năm, tôi phải tiếp tục di chuyển vì chủ nhà lấy lại mặt bằng. Thế rồi, tôi quyết định về TP.Tân An” - ông Hồng cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Hồng cặm cụi sửa áo cho khách

Ngôi nhà nhỏ trên đường Trương Định trở thành tiệm may của ông Hồng từ khi về TP.Tân An. Thời đó, mỗi ngày may 2 bộ áo quần, ông cũng có thể sống ổn. Còn vào dịp tết, khách đặt may nhiều nên thu nhập khá hơn. Nhưng cách đây hơn 10 năm, khi các loại quần áo may sẵn với giá cả hợp túi tiền, mẫu mã phong phú dần thay thế các bộ áo quần được đặt may ở tiệm nên các tiệm may dần vắng khách. Kể từ đó, những thợ may như ông Hồng phải chuyển sang nghề sửa quần áo. “Quần áo may sẵn tuy kiểu mẫu đẹp nhưng ít khi vừa với nhiều người, vì vậy, khách hàng thường sửa lại nên những người thợ sửa quần áo như tôi mới có “đất sống”. Tâm lý khách hàng khi mua một bộ quần áo mới thường thích mặc ngay nên khi nhận sửa, tôi cố gắng làm xong sớm để giao cho khách. Có như vậy, khách hàng mới hài lòng và tìm đến mỗi khi cần sửa áo quần” - ông Hồng chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ với ông Hồng, ông Lê Văn Phụng, 65 tuổi, cùng chiếc máy may cũng rong ruổi khắp nẻo đường mưu sinh. Khởi nghiệp với nghề thợ may từ năm 20 tuổi ở Campuchia được vài năm, ông cùng vợ lên Tây Ninh mở tiệm may. “Hồi đó, người ta đặt may nhiều nên sống được với nghề. Nhưng rồi, khi qua thời hưng thịnh, gia đình lại xảy ra chuyện nên tôi tiếp tục rong ruổi nơi khác lập nghiệp. Đến năm 1999, tôi đến TP.Tân An làm nghề sửa quần áo” - ông Phụng chia sẻ.

Lấy công làm lời

Nếu so với may một bộ quần áo, tiền công sửa một chiếc áo, quần chẳng là bao nhưng những người đàn ông làm nghề may vá vẫn bám nghề vì đó là kế mưu sinh. Đóng nút một chiếc quần jean, ông Nguyễn Hữu Hồng lấy tiền công 5.000 đồng, còn lên lai quần hay bóp cái áo, khách trả cho ông 20.000 đồng. Tính ra, mỗi ngày, ông Hồng kiếm thu nhập gần 100.000 đồng. Số tiền không nhiều nhưng để làm hài lòng khách, ông phải tỉ mỉ trong lúc cắt, sửa. Hơn nữa, khi khách giao sửa những loại khó như quần áo rách phải đắp vá, ông vẫn vui lòng nhận và làm thật đẹp. Chỉ có như vậy, nghề sửa quần áo mới thu hút khách tìm đến. Tiền công sửa quần áo cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Hồng. “Hiện tại, vợ tôi mỗi tuần phải chạy thận 3 lần ở Bệnh viện Đa khoa Long An. Con gái thì đang học Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Ngoài thu nhập từ nghề sửa quần áo, gia đình thuộc diện hộ nghèo nên được hỗ trợ nhiều chính sách” - ông Hồng tâm sự.

Mỗi ngày, ông Lê Văn Phụng ngồi từ 7 đến 17 giờ để nhận quần áo sửa cho khách

Khá hơn ông Hồng, ông Lê Văn Phụng vẫn dành dụm được gần 1 triệu đồng mỗi tháng từ tiền công sửa quần áo. “Một ngày, tôi kiếm được hơn 200.000 đồng. Trừ chi phí nhà trọ và thuê mặt bằng hàng tháng gần 2,5 triệu đồng, tôi ăn uống tiết kiệm và còn dư một ít. Hơn nữa, tôi sống một mình nên chi phí sinh hoạt cá nhân cũng không tốn kém nhiều” - ông Phụng nói.

Nhưng, để có nguồn thu nhập ấy, ông Phụng phải lao động cật lực. Tuy nghề sửa áo quần không nặng nhọc nhưng ông phải ngồi suốt ngày, ít có thời gian nghỉ ngơi. Mỗi ngày, trên chiếc xe đạp cũ, ông đi từ nhà trọ đến chợ Tân An (phường 1) và ngồi từ 7 đến 17 giờ để nhận sửa từng chiếc áo, quần hay giỏ xách. Buổi tối, ông “tăng ca” đến 23 giờ bên chiếc máy may trong căn phòng trọ để kiếm thêm thu nhập. Ông Phụng cho biết: “Vì sửa quần áo ở Tân An hơn 10 năm, được nhiều người biết đến nên lượng khách hàng cũng nhiều. Thông thường, khi nhận áo quần, tôi nói khách ngày hôm sau đến lấy và phải giữ đúng lời hứa. Ngoài sự tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ, chữ tín cũng quan trọng để có nhiều khách. Khi khách nhận áo quần, mặc vừa vặn, thể hiện sự hài lòng, thì lần sau họ sẽ ghé lại”.

Lấy công làm lời, những người đàn ông làm nghề may vá không ngại mệt nhọc vẫn ngày ngày cặm cụi bên chiếc máy may để mưu sinh. Hơn nữa, với họ, ngày nào còn được làm nghề mình yêu thích thì đó cũng là một niềm vui trong cuộc sống./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết