Tiếng Việt | English

23/10/2021 - 06:51

Khó thu gom, tái chế ô tô, xe máy cũ vì... thiếu cơ chế

Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định về lộ trình nhưng việc thu gom, tái chế ô tô, xe máy cũ sẽ vấp phải không ít những khó khăn khi thiếu cơ chế.

Thiếu cơ chế, khó thực hiện thu gom tái chế phương tiện giao thông

Mới đây, để góp ý với Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) về Dự thảo Nghị định Luật BVMT 2020, ông Lê Văn Vệ đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam bày tỏ khó khăn vấp phải khi quy định doanh nghiệp phải có tỷ lệ thu gom, tái chế nhất định đối với sản phẩm như trong dự thảo Nghị định hướng dẫn luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra.

Ông Lê Văn Vệ đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam.

Ông Lê Văn Vệ đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam.

Theo ông Vệ, đặc thù của phương tiện giao thông nói chung và xe máy riêng là thời gian sử dụng dài, lại là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng của công dân, được pháp luật bảo vệ chặt chẽ. Trong khi dự thảo đề xuất là nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu gom, tái chế với tỷ lệ bắt buộc. Theo quy định thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, vì không thể thu gom được nếu người tiêu dùng không có nhu cầu thải bỏ tài sản.

“Quy định về tái chế sản phẩm ô tô, xe máy trước đây cũng đã được Bộ TN&MT nêu ra nhưng không khả thi vì một số lý do khi không có quy định về niên hạn phương tiện cũng như trách nhiệm của người sử dụng. Tại sao trong dự thảo lần này lại tiếp tục đưa ra? Vấn đề thu gom, tái chế sản phẩm đối với ô tô, xe máy cũng có thể gây bất công, vì hiện nay có một số nhà nhập khẩu ô tô, xe máy chỉ hoạt động trong thời gian ngắn rồi dừng. Như vậy, trách nhiệm thu gom những phương tiện do các đơn vị này nhập về phân phối sẽ ra sao? Trong khi những nhà sản xuất, nhập khẩu hoạt động lâu dài thì buộc phải tuân thủ. Điều này gây ra sự bất công giữa các doanh nghiệp”, ông Vệ cho hay.

Theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Bộ TN&MT cần cân nhắc kỹ vì sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi trong một sản phẩm ô tô được sản xuất, đưa ra thị trường tiêu thụ có hàng trăm, hàng nghìn bộ phận lắp ráp, đến từ nhiều đơn vị khác nhau.

Hiện nay, rất nhiều phương tiện ô tô, xe máy cũ là tác nhân gây nên ô nhiễm không khí.

Hiện nay, rất nhiều phương tiện ô tô, xe máy cũ là tác nhân gây nên ô nhiễm không khí.

Trong khi đó, nền tái chế ở nước ta chưa có công nghệ, trình độ phát triển để xử lý được toàn bộ các bộ phận của ô tô, xe máy. Đơn cử như ắc quy, việc tái chế không hề dễ dàng, phải đưa ra nước ngoài mới đủ trình độ tái chế.

“Ô tô là tài sản, cần cân nhắc khi quy định cứng về trách nhiệm thu gom, tái chế. Chúng tôi không từ chối nghĩa vụ tái chế để bảo vệ môi trường nhưng không thể thực hiện được nghĩa vụ thu hồi vì thiếu khung pháp lý. Đây là mấu chốt, mong Bộ TN&MT xem xét lại quy định về niên hạn sử dụng ô tô, xe máy”, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam bày tỏ.

Các nhà sản xuất ô tô, xe máy không thể phớt lờ nhiệm vụ bảo vệ môi trường

Chia sẻ về quy định thu gom tái chế phương tiện giao thông, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, hiện tại trên thế giới đã có nhiều nước đã đẩy mạnh tái chế ô tô, xe máy và Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định về lộ trình không sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, hiện nay, rất nhiều phương tiện ô tô, xe máy cũ là tác nhân gây nên ô nhiễm không khí. Do vậy, thời gian tới, việc tổ chức thực hiện ban đầu có khó khăn, Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội đóng góp thêm cho cơ quan Nhà nước để tạo ra sự cân bằng trong phát triển. Nhà nước tạo ra chính sách đảm bảo sự công bằng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới…

Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TN&MT.

Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TN&MT.

“Các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu ô tô, xe máy không thể đứng ngoài cuộc, nhất là tính công bằng khi các lĩnh vực khác cũng thu gom và tái chế. Đã đến lúc mỗi người một phải chung tay để hành động bảo vệ môi trường. Tất nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ có thời điểm khó khăn hay thuận lợi, nhưng dù thế nào thì cũng đã đến lúc cần phải hành động thiết thực. Cần phải thảo luận góp ý thêm về cơ chế, làm sao để thực hiện được, góp phần bảo vệ môi trường”, ông Hà chia sẻ.

Để thu gom, tái chế sản phẩm ô tô, xe máy thì các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô xe máy có nhiều cách thực hiện, trong đó có thể dùng cơ chế thị trường như khuyến khích đổi cũ lấy mới. Đồng thời, nhà nước đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế đăng ký đăng kiểm… kết hợp tuyên truyền để người dân nhận ra rằng như vậy là mang lại nhiều lợi ích thì sẽ thu gom được ô tô, xe máy cũ để tái chế.

Vấn đề trước hết là làm sao để mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải thấy rõ được trách nhiệm bảo vệ môi trường, vì cộng đồng, phát triển bền vững. Cơ chế chính sách hay cách làm sẽ từ từ cùng nhau chung tay thực hiện./.

Theo thống kê năm 2020, Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000 và hơn 730.000 ô tô, chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Trong khi đó, TP.HCM có gần 9 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được coi là 1 trong những thủ phạm gây ô nhiễm không khí đang ngày gia tăng, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết