Tiếng Việt | English

06/04/2020 - 14:38

Khởi nghiệp từ ống hút cỏ bàng

Với mong muốn thay đổi thói quen sử dụng các loại ống hút nhựa, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng và gây hại đến môi trường, chị Trần Thị Kim Chi, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, đã sản xuất ra những chiếc ống hút từ cỏ bàng. Sản phẩm đang được người tiêu dùng đón nhận.

Thân thiện với môi trường

Đang có công việc mua bán ổn định tại nhà, qua người quen, chị Chi nhận gia công thêm ống hút cỏ bàng. Chị bắt đầu yêu thích công việc này nên nảy sinh ý định đi thu mua, tìm hiểu và làm ống hút cỏ bàng. Chị nhận thấy, với lối sống nhanh và tiện lợi, ống hút nhựa được sử dụng như một thói quen hàng ngày trong một ly cà phê, nước ép hay ly trà sữa nhưng phải mất đến cả trăm năm mới có thể phân hủy một chiếc ống hút. Với suy nghĩ cần thay thế ống hút nhựa bằng sản phẩm thân thiện với môi trường, gần 1 năm nay, chị bắt tay vào sản xuất ống hút cỏ bàng với thương hiệu mang tên ống hút cỏ bàng xanh Đất Việt.

“Ý tưởng này tôi đem bàn bạc với chồng nhưng lúc đầu anh khuyên từ bỏ vì sợ tôi vất vả. Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Sau đó, tôi lên mạng tìm hiểu cách làm ống hút cỏ bàng và khởi nghiệp từ chính công việc này” - chị chia sẻ.

Tại khu vực xã Mỹ Hạnh Bắc, vẫn còn một số vùng đất quy hoạch nên cỏ bàng được người dân trồng khá nhiều. Thỉnh thoảng khi cần nguyên liệu, chị tự chạy xe máy đến đây để thu mua, lựa chọn những cây cỏ bàng ưng ý đem về làm sản phẩm.

Để có những ống hút cỏ bàng, chị Chi đích thân đi lựa, thu mua nguyên liệu tại xã Mỹ Hạnh Bắc

Để có những ống hút cỏ bàng, chị Chi đích thân đi lựa, thu mua nguyên liệu tại xã Mỹ Hạnh Bắc

Có mặt cùng chị tại vùng đất trồng cỏ bàng, giữa trưa nắng, chị vẫn hăng say làm việc. Chị nói: “Tôi quan niệm, đã là sản phẩm thân thiện với môi trường thì phải có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên và có sẵn trong tự nhiên. Mình phải tự đi tìm và lựa nguyên liệu thì mới yên tâm, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Một cây cỏ bàng thường tôi chỉ chọn được khoảng 2 ống. Đó là những ống to, tròn, đều, cứng, không có khiếm khuyết nào để có thẩm mỹ. Với tôi, bây giờ làm ống hút không chỉ có thêm thu nhập mà làm vì đam mê với sản phẩm. Có hôm buổi tối, cả nhà nghỉ ngơi nhưng tôi lại cặm cụi đi làm ống hút”.

Biến cỏ thành... tiền

Việc ra mắt ống hút cỏ bàng được xem là hợp thời thế, bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh. Hiện cả nước đang phát động cuộc chiến chống rác thải nhựa, đây là cơ hội thuận lợi để người tiêu dùng đến gần hơn với các sản phẩm tự nhiên.

Cỏ bàng được lựa, cắt khúc, rửa sạch,...

Cỏ bàng được lựa, cắt khúc, rửa sạch,...

Chia sẻ về quy trình sản xuất, chị thông tin, làm ống hút cỏ bàng mất rất nhiều công đoạn. Sau khi thu ống cỏ về phải dùng dụng cụ đục bỏ các ngăn bên trong ống, sau đó là cắt đoạn theo kích thước phù hợp. Khâu cắt ống cỏ rất quan trọng vì phải cắt làm sao cho ống không vỡ, không nứt, rửa, làm sạch ống,... đem sấy khô. Do đây là loại cây mọc hoang dã tự nhiên nên không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, rất an toàn. Với ưu điểm thân thiện môi trường, dễ phân hủy, màu sắc tự nhiên bắt mắt,... ống hút cỏ bàng được nhiều khách hàng tích cực đón nhận. Tuy nhiên, ống hút cỏ bàng còn khá mới mẻ, so với những sản phẩm được sản xuất công nghiệp, các mặt hàng thân thiện môi trường đòi hỏi chi phí cao về nhân công, nên hiện ống hút từ cỏ bàng có giá bán từ 900-950 đồng/ống, đắt hơn nhiều so với ống hút nhựa. Đây là một trở ngại khi đưa sản phẩm ra thị trường. Với mức giá này, chị tập trung phân phối cho các nhà hàng, khách sạn cao cấp tại TP.HCM. Hiện tại, cơ sở của chị lúc nào cũng có hàng ngàn ống hút cỏ bàng, để khi khách hàng cần là có thể cung ứng ngay. Với công việc này, không chỉ giúp gia đình chị có thu nhập ổn định mà còn góp phần tạo việc làm cho lao động nữ lớn tuổi ở địa phương.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Chung cho biết, thời gian qua, Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai đến các cấp Hội, góp phần mang đến “làn gió mới” trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được các cấp Hội trong huyện thực hiện thông qua các nguồn vốn phát triển các mô hình, tổ hợp tác,... Hội phối hợp các ngành liên quan cung cấp thông tin, tư vấn phụ nữ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh doanh, dạy nghề,... Riêng mô hình ống hút cỏ bàng của chị Chi là mô hình mới. Mô hình này vừa được huyện chọn, giới thiệu để tham dự Hội thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2020.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết