Theo CNN, công ty Oxia Palus đã dùng trí tuệ nhân tạo (AI), tia X và kỹ thuật in 3D để tái tạo bức tranh khỏa thân nằm bên dưới họa phẩm The Blind Man's Meal (tạm dịch: Bữa ăn của người đàn ông mù) thuộc về danh họa Pablo Picasso. Họ gọi bức tranh ẩn giấu là The Lonesome Crouching Nude (tạm dịch: Người khỏa thân thu mình cô độc).
Một công ty ở Anh đã thành công khôi phục tranh của Picasso
Được biết, Picasso vẽ chồng lên bức tranh này để tạo nên kiệt tác The Blind Man's Meal vào năm 1903. Bức tranh nằm bên dưới chỉ bị lộ một phần khi các nhà nghiên cứu dùng huỳnh quang tia X (XRF) rọi lên, nhưng họ không có cách nào khôi phục mọi thứ về nguyên trạng. Giờ đây công ty Oxia Palus tuyên bố họ đã thành công "hồi sinh" bức tranh ẩn giấu bên dưới.
Để làm được điều đó, công ty sử dụng kỹ thuật XRF và xử lý hình ảnh nhằm tìm kiếm đường viền của bức tranh ẩn, sau đó huấn luyện AI phác những nét cọ theo phong cách của Picasso.
AI tiếp tục tạo ra bản đồ độ cao (heightmap - một kỹ thuật trong đồ họa máy tính) nhằm tái tạo kết cấu bề mặt của bức tranh rồi đưa hình ảnh thu được lên tấm canvas bằng kỹ thuật in 3D.
Bức họa được AI tái tạo. Ảnh OXIA PALUS
Oxia Palus là công ty của hai người sáng lập George Cann và Anthony Bourached, chuyên nghiên cứu về học máy (machine learning) tại Đại học London (Anh).
Anthony Bourached nói với CNN rằng nghệ thuật là một kho lưu trữ thông tin phức tạp, và công nghệ học máy (machine learning) đã phát triển đến mức có thể giúp chúng ta phân tích thông tin ẩn giấu trong mỗi bức họa.
George Cann cho biết Picasso vẽ bức tranh khỏa thân trong Thời kỳ Xanh, vào những năm đầu sự nghiệp, khi ông không có tiền mua vật liệu vẽ đắt đỏ nên phải miễn cưỡng vẽ chồng lên bức tranh cũ.
Cann nói: "Hy vọng Picasso sẽ vui khi biết kho báu mà ông ấy cất giấu cho thế hệ tương lai cuối cùng cũng được tiết lộ 48 năm sau khi ông qua đời, 118 năm kể từ khi bức tranh bị vẽ đè lên".
Kiệt tác The Blind Man's Meal. Ảnh OXIA PALUS
Ty Murphy - một chuyên gia về Picasso công nhận bức tranh do AI tạo ra trông giống họa phẩm từ Thời kỳ Xanh của danh họa người Tây Ban Nha, nhưng chỉ cần xem xét kỹ lưỡng, người chuyên nghiệp sẽ nhận ra đây không phải tranh gốc. Murphy mong rằng sự phát triển của công nghệ học máy và in 3D sẽ giúp tái tạo những bức tranh chân thực hơn nữa trong tương lai.
Dù có vài người trong giới nghệ thuật chỉ trích phương pháp này, nhưng Murphy không thấy có vấn đề gì với việc dùng học máy để tạo ra tác phẩm mới. Ông nhận định: "Lịch sử cho chúng ta thấy mọi người sẽ luôn bắt chước tác phẩm của những nghệ sĩ khác. Đây là một cuộc khám phá tâm trí của Picasso".
David Dibosa - giảng viên tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Chelsea (Anh) nêu ý kiến rằng không nhất thiết phải in bức chân dung lên tấm canvas, vì nhiều người sẽ dễ tiếp cận tác phẩm hơn nếu nó ở dạng kỹ thuật số.
Bức tranh được phục dựng từ tác phẩm gốc của Picasso sẽ được trưng bày tại Hội chợ nghệ thuật Deep AI ở London (Anh) trong tuần này./.
Theo thanhnien.vn