Hiện nay, trước thực trạng nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Vì vậy, cơ cấu lại đầu tư từ ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cân đối nguồn vốn đầu tư trên các lĩnh vực theo hướng tập trung hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tình trạng nợ công tại các cơ quan, đơn vị là việc làm cấp bách.
Thực tế, nhu cầu chi ngân sách nhà nước để phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng tạo áp lực lớn cho ngân sách, khiến bội chi ngân sách nhà nước tăng cao, việc giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản cao hơn kế hoạch đã làm tăng nợ công. Để kiểm soát chặt chẽ nợ công, đòi hỏi thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chấp hành nghiêm việc quản lý, phân bổ phù hợp và gắn với việc thực hiện các chế độ, chính sách, nguyên tắc quản lý tài chính tài sản công. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước, bảo đảm cân đối thu - chi.
Ngoài ra, các ngành tập trung đầu tư cải tạo, đẩy nhanh tiến độ các dự án chỉnh trang, giải phóng mặt bằng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư; rà soát những doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh theo quy định và thực hiện những dự án mang tính phục vụ an sinh xã hội, nhằm triển khai dự án thuận lợi, tác động tích cực đến phát triển KT-XH, giảm được áp lực nợ công và tạo thế ổn định cho sự phát triển chung ở các địa phương. Đồng thời, các địa phương tăng cường kiểm soát các khoản vay, giám sát chặt chẽ đầu tư công, tập trung các nguồn để trả nợ, nhất là nợ đọng xây dựng cơ bản, không để tình trạng nợ quá hạn.
Đồng thời, mỗi cán bộ, nhất là người đứng đầu, lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, nghiêm túc trong thực hiện tiết kiệm triệt để và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, hạn chế tổ chức các hội nghị không cần thiết; chấn chỉnh việc đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước; tuyệt đối không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công để phục vụ lợi ích cá nhân và gia đình.
Kiểm soát chặt chẽ tình trạng nợ công là nhiệm vụ quan trọng hiện nay, cần phải tiết kiệm, sử dụng hiệu quả, minh bạch, góp phần giảm nợ công và tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển ổn định./.
Võ Văn